Cần làm rõ dự án hơn 200 tỷ
Báo Nông nghiệp và Môi trường vừa đăng tải loạt bài viết phản ánh những bất thường trong việc tổ chức đấu giá ô đất B1-1 xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì (nay là xã Thanh Trì mới - PV). Ban đầu chính quyền huyện Thanh Trì (cũ) phê duyệt chủ trương xây dựng hạ tầng kỹ thuật để tổ chức đấu giá từng lô đất cho người dân xây nhà ở với tổng mức đầu tư (khái toán) gần 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện. Khu đất nằm ở vị trí đắc địa của huyện Thanh Trì (cũ), ngay ngã 5 đường Nguyễn Bặc và cách Hồ Gươm chừng 10 km.
Tuy nhiên sau đó, lợi dụng sự không thống nhất giữa các quy định của TP. Hà Nội và Luật Đất đai 2013, huyện Thanh Trì đã điều chỉnh dự án theo hướng từ xây dựng hạ tầng kỹ thuật để tổ chức đấu giá đất thành chỉ giải phóng mặt bằng để TP. Hà Nội đấu giá cả khu đất nhằm thực hiện một dự án đầu tư khác. Do không phải xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên vốn đầu tư được điều chỉnh giảm còn hơn 8,2 tỷ đồng (tức là chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉ loanh quanh khoảng 7 tỷ đồng - PV).

Ô đất B1-1 hiện nay vẫn là khu đất trồng cây lâu năm và mương thoát nước của khu dân cư. Ảnh: PT.
Năm 2021, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Xây dựng nhà ở thấp tầng tại Khu đấu giá quyền sử dụng đất B1-1 xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. Vốn đầu tư dự án khoảng 342,7 tỷ đồng (bao gồm cả tiền sử dụng đất).
Mục tiêu dự án là xây dựng công trình nhà ở thấp tầng phù hợp với quy hoạch đô thị được duyệt, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần tạo diện mạo đô thị mới cho huyện Thanh Trì. Tổ chức trúng đấu giá phải có trách nhiệm xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và bàn giao lại cho địa phương quản lý.
Đáng nói là quy hoạch kiến trúc của dự án xây dựng nhà ở thấp tầng lại theo Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 được UBND huyện Thanh Trì (cũ) phê duyệt từ năm 2018. Theo đó, tổng mặt bằng cả dự án ngoài phần diện tích làm đường giao thông, diện tích cây xanh thì chỉ được phân lô thành 60 thửa đất.
Năm 2022, ông Nguyễn Huy Toàn, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Trì (cũ) ký phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 của dự án theo hướng giảm diện tích đất ở xuống còn 3.984,9 m2 và phân chia lại thành 38 lô đất ở. Số tầng cao công trình là 5 tầng, 1 tum và 1 tầng hầm. Tổng diện tích dự án được điều chỉnh giảm còn 7.452,7 m2.
Năm 2023, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tiếp tục ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Xây dựng nhà ở thấp tầng tại Khu đấu giá quyền sử dụng đất B1-1 xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. Theo đó, tổng diện tích dự án điều chỉnh giảm còn 7.452,7 m2; quy hoạch kiến trúc của dự án được điều chỉnh theo Quy hoạch tổng mặt bằng điều chỉnh tỷ lệ 1/500 được UBND huyện Thanh Trì phê duyệt năm 2022 với 38 lô đất ở; vốn đầu tư dự án là 203,6 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền sử dụng đất); tiến độ dự án từ năm 2023-2026.
Như vậy, TP. Hà Nội “vẽ” dự án có vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng nhưng các hạng mục trong dự án chỉ đơn thuần là “xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch”. Hạng mục xây dựng hạ tầng kỹ thuật này, từ năm 2017 huyện Thanh Trì khái toán chỉ hết chừng khoảng 7 tỷ đồng. Như vậy, về mặt bản chất, tổ chức trúng đấu giá khu đất sau này chỉ việc bỏ tiền ra xây dựng hạ tầng kỹ thuật là có thể phân lô, bán nền bình thường. Dự án nhà ở thấp tầng tại ô đất B1-1 mà TP. Hà Nội “vẽ” ra có vẻ chỉ để hợp thức hóa cho doanh nghiệp thâu tóm khu “đất vàng” này?
Bưng bít, không cung cấp thông tin
Nhằm làm rõ thông tin, phương pháp định giá đất, mức trúng đấu giá và tổ chức trúng đấu giá ô đất B1-1, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Phong, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì (nay là Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Hồi, TP. Hà Nội). Thời điểm trước khi thực hiện chính quyền 2 cấp, ông Phong hứa hẹn với phóng viên: “Tôi sẽ chỉ đạo phòng ban chuyên môn tiếp thu thông tin và sẽ phản hồi đến Báo”.

Quy hoạch tổng mặt bằng điều chỉnh tỷ lệ 1/500 của dự án chỉ là 38 thửa đất ở được phân lô như thế này. Ảnh: PT.
Tuy nhiên sau đó, phóng viên đã nhiều lần liên hệ lại với ông Phong để hỏi thông tin nhưng chỉ nhận được sự im lặng đáng sợ. Hiện ông Phong đã làm Bí thư một xã mới, những khuất tất của một dự án tại huyện Thanh Trì cũ đã trôi vào dĩ vãng và có lẽ mọi chuyện cũng đã được khép hồ sơ?
Phóng viên tiếp tục liên hệ với bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt, đơn vị tổ chức buổi đấu giá ô đất B1-1 và nhận được câu trả lời: Phiên đấu giá ô đất B1-1 đã thành công. Một doanh nghiệp trong Hà Tĩnh đã trúng đấu giá nhưng theo thông tin tôi nắm được, hiện Thành phố Hà Nội vẫn chưa ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá cho họ. Về tên doanh nghiệp trúng đấu giá và mức trúng đấu giá thì tôi không thể cung cấp do điều khoản bảo mật của khách hàng.
Phóng viên tiếp tục liên hệ với Công ty cổ phần Thẩm định giá và Thương mại VIC, đơn vị được UBND TP. Hà Nội thuê để thẩm định giá đất tại ô đất B1-1. Với mục đích làm rõ phương pháp định giá; kết quả thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin để áp dụng phương pháp định giá đất để cuối cùng đưa ra mức giá khởi điểm là hơn 85,8 triệu đồng/m2 đất ở, phóng viên đã nỗ lực liên hệ với lãnh đạo công ty này nhưng đều không nhận được câu trả lời với lý do “lãnh đạo bận đi công tác”.
Nghi vấn TP. Hà Nội cố “vẽ” dự án để doanh nghiệp “sân sau” nhảy vào thâu tóm khu “đất vàng” ở huyện Thanh Trì (cũ) sẽ không có gì đáng bàn nếu mọi chuyện đều được công khai, minh bạch trước công luận. Tuy nhiên việc các cơ quan hữu quan đều cố tình bưng bít, không cung cấp thông tin, đặc biệt thông tin liên quan tới tổ chức trúng đấu giá và mức trúng đấu giá sẽ càng làm nghi vấn ở trên thêm vững chắc. Công luận sẽ tiếp tục chờ đợi câu trả lời của UBND TP. Hà Nội về vấn đề này.