Sử dụng đất sai mục đích
Tìm hiểu của phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường được biết, Cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu (nay thuộc xã Dương Hòa, TP. Hà Nội) được UBND TP. Hà Nội thành lập năm 2012. Dự án có quy mô 12,05 ha do Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Dương làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là tạo mặt bằng đồng bộ để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào khu vực sản xuất tập trung, phát triển làng nghề truyền thống, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngành nghề kinh doanh chính là chế biến nông sản, bánh kẹo, bún miến…
Cụm công nghiệp này được UBND huyện Hoài Đức (cũ) điều chỉnh quy hoạch 3 lần, trong đó đất sản xuất tổng hợp khoảng hơn 6,2 ha; đất giao thông khoảng hơn 3,4 ha; đất cây xanh khoảng hơn 1,2 ha… Hiện nay chủ đầu tư đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong cụm công nghiệp và phân lô đất sản xuất theo quy hoạch được duyệt.

Hàng loạt công trình tại cụm công nghiệp này được sử dụng làm văn phòng, nhà hàng, nhà ở. Ảnh: QD.
Tuy nhiên từ nhiều năm nay, tại cụm công nghiệp này xuất hiện tình trạng “hô biến” đất sản xuất thành đất ở với những công trình có bề ngoài giống biệt thự, nhà hàng…
Ngoài một số nhà xưởng đang hoạt động, nhiều công trình ở đây có kiểu dáng biệt thự hoặc giống công trình nhà ở thông thường. Các công trình này được sử dụng vào đa mục đích như: để ở, kinh doanh nhà hàng, quán bia hoặc làm kho xưởng độ xe ô tô. Tại những công trình đang xây dựng, kết cấu chủ yếu vẫn là bê tông cốt thép, được xây dựng và hoàn thiện giống công trình nhà ở với lan can, mái che, mái vẩy, tum thang… Nhìn bằng mắt thường, ít người nghĩ đây là nhà xưởng sản xuất bởi từ cấu trúc, vật liệu xây dựng và kiểu dáng khi hoàn thành, những công trình này không khác công trình ở là mấy.
Đáng nói là, tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng các công trình có kiểu dáng giống nhà ở đã được Thanh tra TP. Hà Nội kết luận từ cuối năm 2023.
Cụ thể, Cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu có tổng cộng 169 lô đất sản xuất thì có 6 lô chưa cho thuê (chiếm khoảng 3,5%); 51 lô đã có người thuê nhưng chưa đưa vào sử dụng (chiếm khoảng 30,1%); 6 lô sử dụng đất sai mục đích khi được dùng làm nhà hàng, quán bia (chiếm khoảng 3,5%); 19 lô được sử dụng vào mục đích văn phòng, nhà điều hành (chiếm khoảng 11,2%); 17 lô người sử dụng đất cho thuê lại mà không thông báo cho đơn vị quản lý và được sử dụng vào đa mục đích như: văn phòng, kho xưởng, sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 10%).

Những công trình như thế này vẫn đang tiếp tục được xây dựng tại cụm công nghiệp. Ảnh: QD.
Như vậy, tính đến cuối năm 2023, Cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu có 112/169 lô đất đã được đưa vào sử dụng. Trong số đó, 42/112 lô đất (chiếm khoảng 37,5%) đều có vi phạm liên quan tới tình trạng sử dụng đất sai mục đích. Đặc biệt tình trạng xây dựng các công trình để sử dụng vào mục đích làm văn phòng, nhà hàng, quán ăn và mục đích để ở đã được Thanh tra TP. Hà Nội làm rõ là 25/112 lô đất (chiếm khoảng 22,3%). Khi kiểm tra, lực lượng thanh tra phát hiện thấy công trình văn phòng, nhà điều hành có một số phòng có giường ngủ, phòng khách, phòng bếp…
Ghi nhận thực tế vào thời điểm tháng 6/2025, phóng viên thấy nhiều công trình bên ngoài tuy đề biển doanh nghiệp nhưng lại được xây dựng với lối kiến trúc cao cấp, cổng sơn son thiếp vàng với những hàng cây cảnh đắt tiền bao quanh. Bên trong những công trình đó có người sinh sống với đầy đủ tiện ích: giường ngủ, bàn ăn, quần áo….
45/52 công trình vi phạm
Cũng theo Kết luận của Thanh tra TP. Hà Nội, việc chấp hành giấy phép xây dựng của các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh tại Cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu có rất nhiều vi phạm.
Cụ thể, 4 trường hợp sử dụng đất không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp, xin giấy phép một đằng nhưng sử dụng một nẻo. Hầu hết khi xin cấp phép xây dựng, các hộ đều xin làm xưởng sản xuất nông sản, chế biến thực phẩm nhưng thực tế lại sử dụng vào làm kho xưởng.
45/52 trường hợp đã xây dựng công trình sai giấy phép xây dựng được cấp với nhiều loại vi phạm chủ yếu như: 3 trường hợp xây dựng hoàn toàn khác so với giấy phép; 3 trường hợp xây dựng vượt tầng, thêm tầng mái (thêm tum, phòng tầng mái), tầng hầm, tầng lửng; 2 trường hợp xây dựng thêm tum, hộp kỹ thuật thang máy/thang bộ; 22 trường hợp lấn khoảng lùi, trong đó có 17 trường hợp xây dựng công trình trên khoảng lùi, đường giao thông nội bộ (làm tăng diện tích nhà xưởng, xây liền các lô đất, hợp khối các công trình xây dựng làm trùm lên phần khoảng cách các công trình đơn lẻ, xây dựng nhà vệ sinh, bể nước, bốt bảo vệ…). Ngoài ra, phần lớn các hộ dựng mái che, mái vẩy trên khoảng lùi;

Những công trình mang kiểu dáng biệt thự thế này vẫn tồn tại trong cụm công nghiệp. Ảnh: QD.
7 trường hợp vi phạm hai dạng lỗi là xây dựng thêm tầng và lấn khoảng lùi (trong đó có 1 trường hợp tự thay đổi kiến trúc mặt ngoài công trình so với giấy phép được cấp dẫn tới công trình có kiểu dáng giống nhà hàng, biệt thự); 7 trường hợp vi phạm 2 dạng lỗi là xây dựng thêm tum, hộp kỹ thuật thang máy, thang bộ và lấn khoảng lùi; 1 trường hợp vi phạm tất cả các dạng lỗi trên.
Trong số các trường hợp vi phạm nêu trên, 6 trường hợp đã bị UBND huyện Hoài Đức (cũ) thiết lập hồ sơ và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép. Tuy nhiên đến thời điểm thanh tra, UBND huyện Hoài Đức (cũ) vẫn chưa xử lý triệt để các công trình vi phạm.
Quan sát thực tế phóng viên thấy rằng, những vi phạm trật tự xây dựng tại Cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu gần như vẫn nằm trên giấy. Cơ quan chức năng mới chỉ xử lý được những vi phạm vặt như mái che, mái vẩy… Đối với những vi phạm nghiêm trọng, thực trạng gần như vẫn không thay đổi so với thời điểm Thanh tra TP. Hà Nội kết luận sự việc.
Tại thời điểm trước khi thực hiện chính quyền hai cấp (trước ngày 1/7/2025), một chuyên viên của Đội thanh tra xây dựng huyện Hoài Đức (cũ) tên Hiếu thừa nhận với phóng viên: Tình trạng mái che, mái vẩy tại Cụm công nghiệp Dương Liễu đã được huyện cơ bản xử lý xong. Còn những nội dung khác thì chúng tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện theo các kết luận thanh tra.