Tài sản công và tài sản tư nhân đều … "đắp chiếu"
Theo số liệu công bố của Sở Xây dựng, Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ và khoảng 4.000 căn bỏ không. Trong đó, 9 dự án nhà tái định cư với quy mô gần 2.500 căn hộ hiện chưa thể đưa vào sử dụng (gồm: 7 dự án đang triển khai dang dở, chưa được nghiệm thu và bàn giao; 2 dự án đã được nghiệm thu, bàn giao và bố trí tái định cư nhưng người dân không về ở).
Khảo sát của phóng viên thấy rằng, những dự án bỏ hoang nằm trải khắp các quận nội thành từ Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ, Long Biên đến Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm… Điểm chung là các dự án này đã hoàn thiện cơ bản các hạng mục chính từ rất lâu nhưng chưa được nghiệm thu, bố trí tái định cư theo quy định. Sau nhiều năm phơi mưa nắng và không được bảo trì thường xuyên, một số hạng mục như: cửa kính, cầu thang, lối dẫn lên xuống tầng hầm, nước sơn, điểm kết nối ở một số góc dầm… đều xuống cấp, hư hỏng, nhiều đoạn tường xuất hiện những vệt nứt dài.

Dự án đầu tư xây dựng nhà tái định cư tại phường Trần Phú nằm ở ngõ 587 Tam Trinh đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: PT.
Phần lan can hoặc khung mái sảnh chính làm bằng sắt ở một số dự án đều bị rỉ sét, bong tróc gây mất thẩm mỹ và tạo cảm giác không an toàn khi sử dụng. Một số dự án ở quận Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Long Biên do bỏ không nhiều năm nên cỏ mọc um tùm như rừng, xâm lấn vào sát sảnh chung cư. Người dân quanh khu vực thường tận dụng trồng rau, làm bãi chứa vật liệu xây dựng hoặc tập kết phế thải xây dựng.
Hà Nội hiện đang triển khai khá nhiều hình thức để tạo lập quỹ nhà tái định cư như: đầu tư bằng vốn ngân sách; mua nhà ở thương mại hoặc sử dụng nhà ở xã hội; dùng nguồn vốn ngoài ngân sách… Việc thống kê các dự án chậm đưa vào sử dụng hiện vẫn chỉ dừng ở lĩnh vực đầu tư công nên bức tranh về nhà tái định cư bỏ hoang chưa được nhìn nhận tổng thể, thấu đáo. Thực tế dự án tái định cư sử dụng vốn ngoài ngân sách phải “đắp chiếu” không hiếm.
Điển hình cho trường hợp này là Nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng). Đây là công trình phục vụ giải phóng mặt bằng và tái định cư tại chỗ cho dự án Dải đất phía nam đường Đại Cồ Việt do Công ty Tu Tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư (hiện nay chủ đầu tư được chuyển thành Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Nam Đại Cồ Việt - PV).
Dự án được khởi công xây dựng từ những năm 1995-1996, cao hơn 20 tầng, với 155 căn hộ. Sau rất nhiều vướng mắc, bỏ dở giữa chừng rồi lại được tái đầu tư xây dựng thì đến nay công trình đã hoàn thiện nhưng cơ bản vẫn không có người ở.
Lý do là bởi dự án Dải đất phía nam đường Đại Cồ Việt vẫn “đắp chiếu” do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư liên tục xin điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án. Trong trả lời kiến nghị cử tri quận Hai Bà Trưng năm 2022, UBND TP Hà Nội cho biết: “Trong quá trình xem xét việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, UBND TP có nhận được kiến nghị của một số công dân liên quan đến việc triển khai dự án, UBND thành phố đã xem xét, chỉ đạo các sở, ngành rà soát, báo cáo đề xuất phương án xử lý đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật”.
Bà Hoàng Thị Tuyết Lan, Chủ tịch UBND phường Bách Khoa, cũng thừa nhận điều này khi cho biết: “Dự án Dải đất phía nam đường Đại Cồ Việt bị dừng suốt từ năm 2019 cho đến nay nên việc bố trí tái định cư cũng phải dừng theo. Hiện nay, cả dự án mới chỉ có 3 hộ đồng ý nhận nhà, số còn lại cơ bản vẫn để không. Chủ đầu tư hiện nay là Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng gặp nhiều vấn đề nên không biết bao giờ dự án được khởi động lại. Tòa nhà xác định cứ bỏ không vậy thôi”.

Dự án khu nhà ở thương mại phục vụ tái định cư X2 - Đại Kim đã để không suốt 5 năm qua. Ảnh: PT.
Lãng phí đến xót xa
Một trường hợp khác là Dự án khu nhà ở thương mại phục vụ tái định cư X2 - Đại Kim (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai). Dự án do Tổng công ty đầu tư phát triển Nhà & Đô thị - Bộ Quốc phòng (MHDI) làm chủ đầu tư với 3 tòa chung cư cao 28 tầng nổi, 3 tầng hầm, tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng.
Đây là dự án đặt hàng của Thành phố Hà Nội nhằm mua lại toàn bộ 750 căn chung cư làm căn hộ tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các đường vành đai. Theo cam kết, Thành phố Hà Nội sẽ mua lại toàn bộ căn hộ tại dự án này trong thời gian 12 tháng kể từ ngày công trình được nghiệm thu, bàn giao theo quy định.
Tháng 9/2020, dự án được nghiệm thu, hoàn thành công trình nhưng từ đó đến nay vẫn không có người ở. Sở Tài chính Hà Nội từng cho biết, thành phố dự kiến chi khoảng 3.000 tỷ đồng để mua nhà ở thương mại làm nhà tái định cư tại 4 dự án thành phố đặt hàng đã nghiệm thu, hoàn thành (thông qua Quỹ phát triển đất ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển thành phố). Tuy nhiên vướng mắc ở chỗ, Quỹ phát triển đất hiện không có nhiệm vụ mua nhà ở thương mại phục vụ tái định cư. Hiện Sở này đang đề nghị thành phố giao bổ sung nhiệm vụ cho quỹ để thực hiện thủ tục.
Ngoài những dự án được xây dựng bằng cả nguồn vốn công lẫn tư thì hiện có nhiều dự án đã được nghiệm thu, bố trí tái định cư nhưng rất ít hộ dân chịu nhận nhà, dọn về sinh sống.
Điển hình là tòa CT2 thuộc Dự án xây dựng Khu tái định cư Xuân La (phường Xuân La, quận Tây Hồ). Khu nhà được khởi công xây dựng từ năm 2012 với quy mô 11 tầng nổi và 110 căn hộ. Sau hơn chục năm xây dựng, năm 2023, công trình này mới được Sở Xây dựng nghiệm thu, bàn giao và bố trí tái định cư cho người dân. Thế nhưng tính đến thời điểm phóng viên viết bài, số hộ chịu nhận nhà, dọn về ở chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cô Xuân, chủ quán cơm ngay cạnh đó cho biết: “Tôi quan sát, thấy có khoảng hơn chục hộ dọn về rồi. Người ta bảo tháng sau sẽ có thêm mấy chục hộ nữa nhưng chưa thấy động tĩnh gì”. Dù có người dọn về nhưng lối ra vào tầng hầm tòa nhà vẫn khóa chặt cửa, không có hoạt động gửi xe của người dân.
Ông Nguyễn Đình Hà, Chủ tịch UBND phường Xuân La, thì xác nhận với phóng viên: “Dự án CT2 đã được nghiệm thu và bố trí tái định cư. Tuy nhiên, bao nhiêu hộ đã dọn về thì tôi chưa nắm được do cái này thành phố sẽ cân đối, phân bổ từ nhiều dự án khác nhau”.

Nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu do tư nhân đầu tư cũng bỏ hoang hơn chục năm. Ảnh: PT.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở Khu tái định cư Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa). Dự án này được thành phố phê duyệt từ năm 2011 với 4 tòa CT2A, CT2B, CT2C (cao 17 tầng) và CT3 (cao 11 tầng). Sau khi xây dựng xong vào năm 2016, chính quyền bố trí tái định cư cho những hộ dân đủ điều kiện nhưng đến nay số lượng căn hộ trống tại đây vẫn rất nhiều. Tòa CT2C gần như vẫn bỏ hoang khi chỉ có lác đác vài hộ dọn về ở.
Một ví dụ khác là dự án nhà tái định cư phường Thượng Thanh (quận Long Biên). Đây là khu nhà gồm 5 khối chung cư (mỗi khối lại gồm nhiều tòa) thuộc Đề án giãn dân khu phố cổ quận Hoàn Kiếm giai đoạn 2 (2013-2020). Dự án được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 30ha với tổng kinh phí thực hiện gần 5.000 tỷ đồng. Mặc dù đã hoàn thành từ cuối năm 2017 và được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay, dự án này vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Thực tế chứng minh, ngay cả những dự án tái định cư đã hoàn thiện hạ tầng nhưng người dân thường không mấy mặn mà. Những bất đồng giữa người dân và chính quyền trong phương án bố trí tái định cư, sự lo ngại về chất lượng công trình… đã khiến hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, của các doanh nghiệp bị lãng phí.
Xây dựng dự án cần phải lắng nghe ý kiến dân
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, phát biểu: “Lãng phí thì ai cũng biết rồi và hậu quả của nó thì ai cũng rõ. Vấn đề là ngay từ bước lập quy hoạch để triển khai xây dựng, người ta không phân tích, bàn bạc, làm rõ những khó khăn sẽ gặp phải.
Chẳng hạn khó khăn trong giải phóng mặt bằng đâu phải bây giờ mới có? Vậy tại sao khi dự định tái định cư cho một nhóm cộng đồng dân cư, người ta không họp, lấy ý kiến các hộ bị ảnh hưởng, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ thế nào. Việc xây dựng các nhà tái định cư chủ yếu vẫn theo cách ấn định, xây xong rồi bắt người dân về ở bất chấp những bất hợp lý về địa lý, phong tục tập quán, sinh kế… Làm như vậy thì Hà Nội xuất hiện nhiều tòa tái định cư bỏ hoang cũng không có gì lạ”.