Các xã ven biển của huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) như Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải và Bình Châu là những nơi có nguồn rong mơ tự nhiên phong phú.
Bãi rong mơ không chỉ là nơi trú ngụ, ẩn nấp, sinh sản của một số loài thủy sản mà còn là khu rừng dưới đại dương, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Người dân khai thác rong mơ tại vùng biển Quảng Ngãi. Ảnh: Văn Hà.
Những năm qua, hoạt động khai thác rong mơ trên địa bàn huyện Bình Sơn đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân tại địa phương.
“Từ 5 giờ sáng, hai vợ chồng tôi đã đi khai thác rong mơ. Đến 9 giờ sáng, khi bè đầy rong thì kéo vào bờ để phơi khô. Một ngày hai vợ chồng hái được 100 đến 150kg rong mơ khô, có chi phí trang trải cuộc sống”, ngư dân Nguyễn Hoàng, trú tại xã Bình Châu cho biết.
Tuy nhiên, việc khai thác quá mức theo kiểu “tận diệt” ngay cả vào mùa sinh trưởng của rong mơ không chỉ làm tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, phá vỡ môi trường tự nhiên mà còn triệt tiêu nơi đẻ trứng và trú ngụ của nhiều loại thủy sản.

Khảo sát, điều tra vùng rong mơ ven các vùng biển của huyện Bình Sơn. Ảnh: Văn Hà.
Trước thực tế trên, từ tháng 9/2024, dự án hỗ trợ kỹ thuật "Bảo vệ, khai thác và phát triển rong mơ khu vực các xã ven biển huyện Bình Sơn gắn với sinh kế bền vững của cộng đồng" được triển khai.
Dự án do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ gần 1,2 tỷ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng từ các nguồn khác.
Hội Nông dân huyện Bình Sơn là đơn vị tổ chức thực hiện dự án. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn rong mơ và hệ sinh thái biển ven bờ; phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần đa dạng sinh học; tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng.
Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình sinh kế bền vững dựa trên khai thác rong mơ; thiết lập cơ chế đồng quản lý để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và ngăn chặn khai thác thiếu bền vững. Dự án được triển khai tại các xã ven biển, gồm: Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải và Bình Châu, nơi có diện tích rong mơ tự nhiên phong phú với tổng diện tích lên đến hơn 250 ha.
Mới đây, Ban Điều hành dự án đã tổ chức khảo sát điều tra vùng rong nhằm đánh giá chu kì sinh sản của rong mơ và các loài hải sản trú ngụ, đảm bảo tái tạo và phát triển cho rong mơ và hệ sinh thái, trên cơ sở đó ra quyết định thời điểm được khai thác rong mơ hằng năm. Đồng thời xác định toạ độ, lên bản đồ phân vùng bảo vệ vùng rong mơ.

Mẫu rong mơ thu được sau đợt khảo sát. Ảnh: Văn Hà.
Dự kiến, Ban Điều hành dự án sẽ tiếp tục khảo sát đợt 2 để kiểm định chất lượng rong, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản phẩm rong mơ cho các hộ dân tham gia xây dựng sản phẩm.
“Sau khi kết thúc đợt khảo sát sẽ có đánh giá cụ thể, dự án sẽ đưa ra định hướng, giải pháp để duy trì, phát triển có hiệu quả rong mơ, vừa khai thác giá trị, vừa bảo vệ hệ sinh thái biển”, TS Lâm Ngọc Tuấn, chuyên gia của Dự án cho hay.
Rong mơ không chỉ là nguồn thu nhập quan trọng cho người dân mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ môi trường biển và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc triển khai dự án này nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác rong mơ theo kiểu tận diệt, giúp bảo vệ hệ sinh thái biển và nâng cao sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận Huỳnh Thanh Hiếu khẳng định: “Chúng tôi sẽ phối hợp tuyên truyền để người dân hiểu và khai thác hiệu quả rong mơ”.