| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn đánh bắt tận diệt tại đầm An Khê

Chủ Nhật 18/05/2025 , 17:59 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Nhiều ngư dân đã tự giác gỡ bỏ, không sử dụng ngư cụ bị cấm đánh bắt thủy sản tại đầm An Khê theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Sắp vào tuổi thất tuần, ông Nguyễn Thanh Xuân ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn còn nhanh nhẹn, dáng vẻ khỏe khoắn. Tầm 3 giờ sáng, ông rời nhà ra bờ đầm An Khê. Ánh sáng từ đèn pin đội trên đầu soi mặt nước lấp lóa. Ông bước lên ghe rồi chèo ra xa bờ, hướng đến những giàn đăng nò giăng sẵn nơi đầm nước.

Công an xã gặp gỡ, vận động người dân không sử dụng ngư cụ cấm đánh bắt cá tại đầm An Khê. Ảnh: Thanh Kỳ.

Công an xã gặp gỡ, vận động người dân không sử dụng ngư cụ cấm đánh bắt cá tại đầm An Khê. Ảnh: Thanh Kỳ.

Đến mỗi giàn, ông cẩn thận tháo nò (dụng cụ bằng lưới dày gắn vào khung sắt nhốt hải sản) rồi đổ cá, tôm, rạm... vào thau nhựa đặt trong lòng ghe. Chúng hoảng loạn giãy giụa, bò lổm ngổm tìm cách thoát thân. Ông chèo ghe đến giàn nò tiếp theo rồi vào bờ sau hơn một giờ mưu sinh trên đầm trong đêm lạnh.

Sau khi kéo ghe lên bờ cát, ông về nhà cặm cụi lựa từng loại thủy sản trước khi bán cho thương lái. Mỗi bữa như thế ông kiếm được từ 200 - 400 nghìn đồng.

"Nghe cán bộ tuyên truyền, bảo không được sử dụng những dụng cụ đánh bắt theo kiểu tận diệt nên tôi tháo nò chở về nhà. Tôi sẽ sắm dụng cụ mà xã cho phép để tiếp tục đánh bắt. Chỉ mong cán bộ làm cho công bằng, ai cũng phải chấp hành để có tôm cá đánh bắt lâu dài...", ông tâm sự.

"Trước đây tôi có sử dụng đăng nò, lưới dày và cả chích điện để bắt cá. Nhưng khi nghe cán bộ yêu cầu không được sử dụng những thứ đó tôi nghiêm chỉnh chấp hành. Sau này tôi sẽ đánh bắt bằng những phương tiện mà xã cho phép. Chỉ mong xã xử phạt nghiêm những ai không chấp hành để tạo sự công bằng...", ông Nguyễn Tấn Danh góp chuyện.

Người dân tự giác thu dọn dụng cụ đánh bắt thủy sản có yếu tố tận diệt sau khi được cơ quan chức năng vận động. Ảnh: Thanh Kỳ.

Người dân tự giác thu dọn dụng cụ đánh bắt thủy sản có yếu tố tận diệt sau khi được cơ quan chức năng vận động. Ảnh: Thanh Kỳ.

Trung tá Phan Văn Thiện - Phó Trưởng Công an xã Phổ Khánh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, Công an xã phối hợp với Chi bộ thôn Diên Trường và Phú Long tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm An Khê. Cán bộ, đảng viên gặp gỡ, giải thích quy định pháp luật, đề nghị người dân ký cam kết không sử dụng ngư cụ cấm để đánh bắt. Qua đó có nhiều người nghiêm chỉnh chấp hành, thu gom phương tiện đánh bắt theo kiểu tận diệt.

"Công an xã sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng ngư cụ cấm để đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt...", Trung tá Thiện nói.         

Phổ Khánh có 258 hộ với 574 lao động khai thác thủy sản trên đầm An Khê. Đầm còn là nơi mưu sinh của khoảng 60 hộ dân phường Phổ Thạnh cư trú ven bờ. Trung bình mỗi ngày một hộ thu được 200 nghìn đồng. Tổng thu nhập hàng năm từ việc đánh bắt thủy sản trên 18 tỷ đồng, cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân.

Những năm qua, xã Phổ Khánh tăng cường công tác tuyên truyền người dân chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản để đánh bắt lâu dài. Cơ quan chức năng nhiều lần thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong đầm.

Nguồn lợi thủy sản trên đầm An Khê ngày càng dồi dào. Ảnh: Thanh Kỳ.

Nguồn lợi thủy sản trên đầm An Khê ngày càng dồi dào. Ảnh: Thanh Kỳ.

Đầu tháng 4 vừa qua, Chi cục Thủy sản - Biển đảo tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với đơn vị liên quan đã thả 17 nghìn con giống cá trám cỏ, mè, thác lác... xuống đầm An Khê. UBND xã Phổ Khánh ban hành văn bản yêu cầu người dân dừng khai thác 10 ngày để cá vừa thả thích nghi với môi trường tự nhiên. Nhiều người dân nghiêm chỉnh chấp hành, dù họ sử dụng lưới thưa để đánh bắt.

"Đầm An Khê là nơi mưu sinh của nhiều người dân trong vùng. Vậy nên việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản vô cùng quan trọng. Chủ trương không đánh bắt theo kiểu tận diệt được nhiều người đồng tình ủng hộ, chỉ một số bà con chưa thông suốt. Chúng tôi mong xã làm nghiêm để có tôm cá đánh bắt lâu dài...", ông Nguyễn Ngọc Ở tâm sự.

Đầm An Khê có diện tích 347ha nằm cạnh di chỉ khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh có niên đại khoảng 3.000 năm trước. Các nhà nghiên cứu khẳng định, đầm và khu vực phụ cận là không gian sinh tồn của người Sa Huỳnh cổ. Đầm An Khê cùng 4 điểm di tích liên quan đến Văn hóa Sa Huỳnh được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm 2022.     

         

Xem thêm
Thành công với mô hình nuôi chim công cảnh và cơ duyên với số 5

HẢI PHÒNG Từ 15 triệu đồng mua cặp giống, anh Trần Văn Dũng, 35 tuổi, ở TP Hải Phòng đã xây dựng trang trại gần 500 con chim công, thu lãi 500 triệu đồng mỗi năm.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 109/CĐ-TTg về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Tìm biện pháp phòng trừ tuyến trùng gây hại cho lúa ở ĐBSCL

An Giang Tuyến trùng sống trong đất và ký sinh vào rễ lúa, gây bướu rễ, thối nâu rễ, làm cây lúa kém phát triển, đẻ nhánh ít, gây hiện tượng lép trắng, giảm năng suất.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Chăm sóc chanh leo bằng điện thoại, quả sai trĩu

SƠN LA Áp dụng đồng bộ quy trình canh tác tự động hiện đại, vườn chanh lep của anh Hưởng phát triển rất tốt, quả sai trĩu, việc chăm sóc cũng rất nhàn nhã.

Siết chặt bảo vệ rừng trong mùa khai thác hạt ươi

ĐÀ NẴNG Mùa ươi không chỉ giúp bà con cải thiện sinh kế mà còn là thử thách cho công tác bảo vệ rừng, đòi hỏi trách nhiệm của cả người dân và lực lượng chức năng.

Bình luận mới nhất