Mỗi lần lên đò Vân Phúc - Hồng Châu qua sông Hồng, tôi thường gặp họ. Đó là một “đội nhóm” khoảng vài ba chục người thuộc các xã Vân Phúc, Xuân Phú hay Phụng Thượng của huyện Phúc Thọ đất kinh kỳ.
Phương tiện của họ là những chiếc xe máy cà tàng đủ các loại, được gia cố thêm một cái “bành” to bằng sắt, choán hết hai phần ba yên xe phía sau, có tác dụng vừa để chất hàng, vừa để đỡ cho hai cái sọt tre thuộc hàng “khủng” buộc hai bên khỏi ép vào bánh xe. Đích của họ là những bãi chuối bạt ngàn ven sông Hồng bên phía Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Họ là những người chuyên buôn loại nông sản này. Anh Hòa, một người trong số họ, bảo tôi:
- Ngày nhiều bù ngày ít, nhưng nếu bình quân lại, cũng phải đi ngót nghét vài trăm cây mỗi ngày. Hai chục năm theo nghề, bác thử tính xem là em đã đi mấy vòng quả đất?
Công việc của họ, cứ lặp đi lặp lại hàng ngày, là thế này: Sáng dậy dằn bụng cho no xong, hơn sáu giờ qua đò, tung hoành trong các bãi chuối để lùng chuối. Gọi là “lùng”, nhưng thường thì mục tiêu đã định sẵn. Do đi riết thành quen, người nào cũng có dăm bảy hay mươi chủ vườn là mối ruột của mình. Chuối đến cữ, chủ vườn chỉ việc rút điện thoại “a lô” là hôm sau khách buôn đến ngay. Nhưng chẳng mấy khi mua một vườn là đủ chuyến, thường thì vườn một, hai buồng, vườn ba bốn buồng, có ngày phải đi cả chục vườn mới đủ cho một chuyến hàng.
Lọt thỏm giữa xe chuối
Vào vườn, ngã giá xong buồng nào là tuốt dao “pheng” luôn buồng đó, gom vào một chỗ, gửi chủ vườn rồi lại lên đường sang bãi khác. Đến khi đủ cho một chuyến hàng thì mới xếp số chuối đã mua được ở vườn cuối vào sọt, xong lần lượt quay lại lấy số chuối ở những vườn đã gửi. Sản phẩm của những vườn chuối được đem ra bán mua là buồng và hoa, đôi khi còn bán cả cây chuối non và... củ chuối. Hoa chuối, thân chuối non được người buôn mua về mang “đổ” cho các hàng làm nộm hay hàng bún riêu cua, bún đậu phụ mắm tôm... thái rối cho khách ăn kèm.
Chuối buồng là loại chuối trái già, bỏ lò rấm vài ngày nữa mới chín. Nhưng những vườn chuối thường rất rộng, lá chuối lại to, hay che khuất buồng nên nhiều buồng đã chín cây đến non nửa hay một phần tư, thấy chim và chuột rối rít kéo đến chủ vườn mới biết. Chuối chín cây lại không đều, cùng một nải nhưng quả chín, quả chưa. Cùng một buồng nhưng những quả quay ra phía ánh sáng mặt trời chín trước còn những trái khác thì chưa. Nhưng dù chưa chín hay đã chín thì chuối vẫn là loại “hàng hoa”, đã vậy lại cồng kềnh, chỉ hơi bị va đập hay bị đè nặng là dập, là trái chuối gẫy rời khỏi nải, cầm bằng cả nải vứt đi. Thế nên mua được chuối thì dễ nhưng vận chuyển được chuối đến tay người dùng mới thậm khó.
Việc xếp chuối lên xe, trông tưởng dễ nhưng không cao tay nghề không làm nổi. Mỗi chuyến hàng đến vài ba chục buồng tuỳ theo to nhỏ. Phải xếp làm sao cho buống trên đè lên buồng dưới bằng một lực ít nhất, hợp lý nhất. Hai cái sọt chuối cao chất ngất hai bên, số còn lại xếp lên phần bành sắt chiếm hai phần ba yên phía sau, cũng cao chất ngất, buồng nào không xếp được vào đâu nữa thì để lên phía trước, dùng hai chân kẹp chặt, người lái ngồi lọt thỏm giữa đống chuối lù lù. Trọng lượng chuối xếp lên xe, ít nhất cũng phải trên hai tạ , thường thường là ba tạ...
Nhìn những xe chuối đang lưu thông trên đường, tôi khâm phục những người buôn chuối vô cùng. Chẳng ai dùng những chiếc xe tốt, xe mới, xe đắt tiền vào công việc này. Những chiếc xe của họ, nếu không phải là hon đa cúp 50 hay 70 phân khối, đời tám mươi, tám mốt... thì là “Uây”, là “En giô”... Nhưng có một điểm chung là tất cả đều tã tượi, đều cũ nát, khi vận hành khói phun đen xì. Mặt đê sông Hồng chi chít ổ gà, thỉnh thoáng có những đoạn được đổ bê tông thì nhiều chỗ bê tông cũng vỡ vụn dưới bánh các loại xe tải. Mặt đê đã vậy, những đoạn đường từ đê xuống bãi chuối còn khủng khiếp hơn, nhiều đoạn chỉ là một lối mòn cỡ gang tay, đất thịt nhẵn bóng, động vài hạt mưa là trơn như xoa mỡ. Thế mà họ lái rất chuẩn. Chị Thu người bé loắt choắt, “cân cả dép” may ra mới bằng ba buồng chuối loại nhỏ, bảo:
- Phải đi làm sao cho hai cái sọt hai bên nó nhún lên nhún xuống thật nhẹ nhàng, thì mới không hỏng chuối. Chỉ cần bánh sau sập một cái ổ gà bằng lòng bàn tay thôi, thì một là sau đó có kéo ga hết cỡ, xe cũng không nhích nổi, do bị cả khối hàng đằng sau ghì xuống, hai là sập ổ gà chẳng khác gì người cầm sọt hàng mà xóc, buồng trên sẽ dập xuống buồng dưới rất mạnh làm chuối nát, gẫy ngay.
Hơn sáu giờ từ bên Vân Phúc sang, quãng mười sáu giờ ba mươi hay mười bảy giờ thì từ Hồng Châu trở về. Một là công việc lùng chuối, mua chuối, xếp chuối phải đến cỡ ấy mới xong. Hai là cũng phải áng chừng đợi nhau giờ ấy, để còn giúp nhau đưa những xe chuối lên đò, chứ một người thì không sao làm nổi. Dừng xe chuối, hạ chân chống chờ đò. Đò cập bến. Một người lên xe nổ máy lái xuống, bốn năm người khác chia làm hai bên và phía sau vừa đỡ cho xe thăng bằng, vừa đẩy xe trợ lực cho mấy. Người này lên được đò rồi thì lại quay lại phụ giúp người khác... Đò cập bến bên kia, công việc lại lặp lại như lúc xuống đò, chỉ có khác là lần này đẩy lên chứ không phải đẩy xuống. Đường xuống bến phía Vân Phúc vừa dài vừa dốc. Mỗi lần đẩy được một xe chuối lên hết dốc là một lần thắt ruột, thở như kéo bễ.
Lên đò
Mỗi chuyến hàng như vậy mất hai ngày. Hôm trước đưa chuối về, để ở nhà một phần rấm chín cho vợ con hay chồng con mang ra chợ làng bán lẻ. Sáng hôm sau lại mang phần còn lại rong ruổi trên đường. Một phần “đổ” cho các lò rấm khác, một phần bán xanh cho các hàng thịt chó, thịt dê và đủ các loại quán nhậu, và cuối cùng là bán cho chủ những hàng rau góc chợ, để các mẹ bán lẻ từng trái chuối xanh cho dân nội trợ mua về làm món ốc om đậu phụ tía tô.
Hỏi về thu nhập, anh Hòa đáp rằng chả đáng bao nhiêu. Mỗi chuyến chuối “buôn tận gốc, bán tận ngọn” hai ngày trời, một xe chuối ngập đầu như vậy chỉ lãi dăm trăm bạc. Ngày rằm và mùng một thì được hơn chút ít. Dăm trăm ngàn ấy, thì xăng dầu, đò giang và ăn uống đã hết hơn trăm đến hai trăm ngàn rồi. Mỗi ngày còn bỏ túi được trăm rưỡi, hên ra thì trăm bẩy.
- Nhưng mà có phải tháng nào cũng đi được đủ mười lăm chuyến đâu bác. Vì một là những tháng hè nóng, món hàng này thường ế chỏng chơ. Hai là nó vất vả lắm. Đêm về xương cốt cứ như rời ra từng cái một, bắp chân bắp tay cứ như bị ai lấy sống dao mà dần. Rồi thì xe cộ cũ nát, cứ phải nay chữa thứ này, mai thay thứ khác... Ba bốn năm lại phải thay xe một lần. Thành ra san đi bù lại, mỗi tháng chỉ còn bỏ túi được vài triệu. Cũng chẳng qua là chẳng còn biết làm gì khác nên mới phải nhắm mắt đưa chân...