| Hotline: 0983.970.780

Mở rộng các vùng chăn nuôi tập trung

Thứ Năm 21/12/2023 , 10:18 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung giúp phát triển kinh tế trang trại, tạo thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Chăn nuôi gà đẻ tại xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng. Ảnh: Đinh Mười.

Chăn nuôi gà đẻ tại xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng. Ảnh: Đinh Mười.

Lĩnh vực chăn nuôi thành phố Hải Phòng những năm gần đây đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, đàn gia cầm phát triển theo hướng sản xuất thịt và trứng, hình thức chăn nuôi chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại.

Hiện nay, Hải Phòng đã có 9 vùng chăn nuôi tập trung, tổng diện tích 147ha được xây dựng và triển khai hoạt động sản xuất chăn nuôi hiệu quả, gồm 142 trang trại chăn nuôi, trong đó có 107 trang trại chăn nuôi gà quy mô 6.000 - 8.000 con/trang trại.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hải Phòng đang đề xuất tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố 22 vùng chăn nuôi tập trung, với tổng diện tích 445ha đáp ứng quy định theo Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, phù hợp quy hoạch chung của thành phố Hải Phòng, địa phương đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung giúp phát triển kinh tế trang trại, tạo thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo phòng chống dịch bệnh, nâng cao năng suất và tính cạnh tranh của sản phẩm.

Các trang trại chăn nuôi tập trung tạo thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo phòng chống dịch bệnh và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Ảnh: Đinh Mười.

Các trang trại chăn nuôi tập trung tạo thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo phòng chống dịch bệnh và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã và đang được áp dụng trong trang trại chăn nuôi như: hệ thống chuồng kín, dây truyền máng ăn tự động cùng hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa, an toàn sinh học.

Những năm qua, ngoài các mô hình chăn nuôi gia công phát triển mạnh, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xuất hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm rất hiệu quả. Mô hình này đang được triển khai tại Công ty Lượng Huệ với quy trình sản xuất chăn nuôi khép kín từ khâu sản xuất con giống, chăn nuôi gà thương phẩm, gắn với giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đến thời điểm tháng 12/2023, chuỗi sản xuất của doanh nghiệp này đang có 9 vạn con gia cầm, bao gồm bố mẹ, con giống thương phẩm phục vụ chăn nuôi và giết mổ gia, trong đó có 4 vạn con gà sinh sản, 5 vạn con gà hậu bị và 27 trang trại vệ tinh, quy mô từ 5.000 - 10.000 con/trang trại.

Bên cạnh đó, chuỗi liên kết này cũng đang có nhà máy ấp trứng rộng 500m2 có thể sản xuất được từ 5 đến 8 triệu con giống/năm và nhà máy giết mổ công suất 1.000 con/giờ cùng hệ thống kho lạnh bảo quản thịt gia cầm sức chứa 200 tấn.

Chăn nuôi tại Hải Phòng những năm gần đây đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá. Ảnh: Đinh Mười.

Chăn nuôi tại Hải Phòng những năm gần đây đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá. Ảnh: Đinh Mười.

“Nuôi gia cầm quy mô trang trại và tập trung sẽ giúp cho công tác phòng, chống dịch bệnh được thuận lợi, hạn chế dịch bệnh gia cầm phát sinh, phát triển và lây lan rộng, đảm bảo chăn nuôi được an toàn, hiệu quả”, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, bên cạnh những hiệu quả đạt được, phát triển chăn nuôi ở Hải Phòng cũng có một số tồn tại khi các trang trại phát triển nhưng số lượng và quy mô đàn chiếm tỷ lệ chưa cao.

Trên thực tế, đàn gia cầm trong chăn nuôi quy mô nông hộ trên địa bàn thành phố Hải Phòng còn chiếm tỷ lệ cao (chiếm tới 48,86%), điều này gây khó khăn cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm.

Bên cạnh đó, chăn nuôi nông hộ chủ yếu tổ chức chăn nuôi ngay tại hộ gia đình, nằm xen kẽ trong các khu dân cư,… chưa thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như tiêm vắc xin phòng bệnh, phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi,…

Các trang trại phát triển nhưng số lượng và quy mô đàn chiếm tỷ lệ chưa cao. Ảnh: Đinh Mười.

Các trang trại phát triển nhưng số lượng và quy mô đàn chiếm tỷ lệ chưa cao. Ảnh: Đinh Mười.

Điều này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, gây tổn thất cho sản xuất chăn nuôi, an sinh xã hội và nguy cơ làm lây lan dịch bệnh từ động vật sang người, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.

Với các mô hình liên kết khép kín theo chuỗi giá trị hiện nay còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Chưa hình thành nhiều chuỗi liên kết sản phẩm ổn định, bền vững giữa người sản xuất và người tiêu thụ, hợp tác xã, tổ hợp tác xã cũng như việc sản xuất chưa gắn với giết mổ, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Do vậy, thời gian tới sẽ phát triển sản xuất chăn nuôi gia cầm tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thú y, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Mặt khác, cần ứng dụng con lai thương phẩm có năng suất cao, chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng nâng cao tỷ trọng gà lông màu và phát triển giống vịt chuyên thịt có năng suất chất lượng cao. Đồng thời, tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm công nghiệp, ứng dụng chế phẩm vi sinh.

Cơ cấu đàn gà chiếm khoảng 75-80% tổng đàn gia cầm. Từ năm 2018 đến nay, đàn gia cầm của thành phố Hải Phòng có tăng nhẹ từ 8,44 triệu con (năm 2018) lên 8,7 triệu con (tháng 12/2023). Đàn gia cầm được nuôi tập trung tại 6 huyện trọng điểm Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, An Lão, Kiến Thụy, An Dương (khoảng 8 triệu con, chiếm 96% tổng đàn gia cầm toàn thành phố). Sản lượng thịt gia cầm tăng 8,16%/năm, riêng năm 2022 sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đạt 67,62 nghìn tấn, tăng 19,5 nghìn tấn so với năm 2018.

Xem thêm
Xác heo nghi nhiễm dịch tả lợn Châu Phi vứt bỏ ven đường

GIA LAI Xác heo nghi nhiễm dịch tả lợn Châu Phi bị vứt bỏ ven đường tại xã Gào (tỉnh Gia Lai) gây ô nhiễm môi trường và lo ngại lây lan dịch bệnh.

Xã vùng biên thay da đổi thịt nhờ cây mắc ca

LÂM ĐỒNG Cây mắc ca mang lại thu nhập cao, giúp hàng trăm hộ dân ở xã vùng biên Quảng Trực, tỉnh Lâm Đồng từng bước ổn định sinh kế, thoát nghèo.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Điểm sáng nghiên cứu khoa học gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Cần Thơ Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từng bước giúp Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lập cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, phục vụ lưu trữ các thông tin cần thiết.

Bình luận mới nhất