| Hotline: 0983.970.780

Máy xét nghiệm Real-time PCR phát hiện 50 loại bệnh thủy sản

Chủ Nhật 10/03/2024 , 14:06 (GMT+7)

Máy xét nghiệm Real-time PCR của Công ty SABIO xét nghiệm được 50 bệnh trên tôm, cá và các loại bệnh trên thân mềm… Giúp người dân giảm thiểu rủi ro khi thả nuôi.

Ông Nguyễn Tấn Sỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Thủy sản SABIO giới thiệu máy xét nghiệm Real-time PCR. Ảnh: Mai Phương.

Ông Nguyễn Tấn Sỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Thủy sản SABIO giới thiệu máy xét nghiệm Real-time PCR. Ảnh: Mai Phương.

Giải pháp hiệu quả nâng chất lượng tôm giống

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, dẫn đến xảy ra nhiều loại dịch bệnh và virus mới làm cho tôm chết rất nhanh, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi.

Để giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả cho người nuôi tôm, khâu kiểm tra chất lượng con giống trước khi thả nuôi là điều rất cần thiết. Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Thủy sản SABIO (Công ty SABIO) đã tiên phong trong việc nghiên cứu ứng dụng và đưa ra những giải pháp để nâng cao chất lượng tôm giống, tầm soát và phòng trị bệnh hiệu quả trong nuôi tôm thương phẩm.

Ngày 9/3, Công ty SABIO đã phối hợp với Hiệp hội tôm Bình Thuận ra mắt chi nhánh xét nghiệm bệnh tôm, trụ sở đặt tại xã Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Nhân dịp này, Công ty SABIO đã giới thiệu với các đại biểu tham gia sản phẩm máy xét nghiệm Real-time PCR.

Ông Nguyễn Tấn Sỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Thủy sản SABIO cho biết, máy xét nghiệm Real-time PCR có thể xét nghiệm được 50 bệnh thủy sản, trong đó có 21 bệnh trên tôm. Máy xét nghiệm này cho kết quả chính xác gần như tuyệt đối và thời gian nhanh chóng, sau khi tách chiết mẫu DNA và đưa vào máy PCR, sau 72 phút cho kết quả một cách chính xác và giúp cho người nuôi xác định được bệnh một cách rõ ràng.

Máy xét nghiệm Real-time PCR của Công ty SABIO xét nghiệm được 50 bệnh trên tôm, 21 bệnh trên cá, 13 bệnh trên thân mềm. Ảnh: PC.

Máy xét nghiệm Real-time PCR của Công ty SABIO xét nghiệm được 50 bệnh trên tôm, 21 bệnh trên cá, 13 bệnh trên thân mềm. Ảnh: PC.

“Nếu dùng các phương pháp khác, khi xuất hiện bệnh mới xét nghiệm, còn đối với máy Real-time PCR, từ khi có mầm mống, mầm bệnh đã xác định được và có biện pháp phòng từ đầu. Còn nếu xét nghiệm vào thời điểm xuất hiện bệnh sẽ đưa ra được những biện pháp trị hiệu quả”, ông Nguyễn Tấn Sỹ nói.

Ông Nguyễn Tấn Sỹ cho biết thêm, nếu sử dụng các phương pháp xét nghiệm thông thường như hiện nay cho kết quả rất chậm, sau vài ngày mới có kết quả và độ chính xác không cao, chi phí lớn. Với phương pháp này sẽ giúp người nuôi giảm được thời gian và chi phí xét nghiệm, hỗ trợ tốt cho ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung.

“Do máy xét nghiệm rất nhỏ, mỗi cơ sở có thể tự trang bị, tự kiểm tra một cách minh bạch, rõ ràng và chứng minh nguồn gốc con giống của mình đưa ra thực chất không có bệnh. Với các phương pháp hiện nay còn mơ hồ, mình không xét nghiệm và mình đưa ra như thế người nuôi không xác định được con giống có sạch bệnh hay không”, ông Nguyễn Tấn Sỹ cho hay.

Nâng cao chất lượng tôm được Tập đoàn Nam Miền Trung đặc biệt quan tâm. Ảnh: Mai Phương.

Nâng cao chất lượng tôm được Tập đoàn Nam Miền Trung đặc biệt quan tâm. Ảnh: Mai Phương.

Hiện nay, Bình Thuận là một trong những tỉnh có sản lượng tôm giống hàng đầu cả nước, đây là trung tâm, cái nôi của tôm giống với sản lượng hơn 25 tỉ con giống/năm. Việc Công ty SABIO thành lập chi nhánh tại đây sẽ giúp các trại giống kiểm tra được chất lượng, từ đó tôm giống cung cấp ra thị trường ngày càng chất lượng hơn, sạch bệnh hơn. Bên cạnh đó, giúp người nuôi tôm giảm thiểu rủi ro khi thả giống và tăng lợi nhuận.

Đưa ngành sản xuất tôm giống trở lại vị thế

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận, Chủ tịch Tập đoàn Nam Miền Trung cho biết, hiện tỉnh Bình Thuận cung cấp khoảng 25% sản lượng tôm giống cả nước, do vậy chỉ cần biến động nhỏ là ảnh hưởng đến cả ngành tôm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, những năm gần đây dịch bệnh trên tôm giống, tôm thịt diễn ra rất phức tạp ở khắp các tỉnh thành trên cả nước nhưng vẫn chưa có những giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Do đó, người nuôi tôm đang đối mặt với nhiều thách thức và thiệt hại rất lớn.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận tham quan cơ sở sản xuất tôm giống của Tập đoàn Nam Miền Trung. Ảnh: Mai Phương.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận tham quan cơ sở sản xuất tôm giống của Tập đoàn Nam Miền Trung. Ảnh: Mai Phương.

Việc Công ty SABIO ra mắt máy xét nghiệm Real-time PCR là điều rất cần thiết ở thời điểm hiện nay, bởi máy xét nghiệm Real-time PCR giúp nhận biết được những dòng vi khuẩn mới để có những cảnh báo, khuyến cáo cho các trại giống và người nuôi tôm, từ đó đưa ra những giải pháp trị bệnh kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

“Hiệp hội tôm Bình Thuận hiện có rất nhiều cơ sở và công ty đầu tư bài bản, nhưng trước những thách thức của biến đổi khí hậu xảy ra nhiều dịch bệnh mới, ngoài chuyên môn, kinh nghiệm của chúng tôi thì cần phải có công nghệ, có thông tin và giải pháp trong phòng chống dịch bệnh. Việc khai trương chi nhánh xét nghiệm bệnh tôm tại địa phương với máy móc, công nghệ hiện đại trong giai đoạn dịch bệnh đang phức tạp, cũng là giai đoạn bước vào vụ nuôi chính, chúng tôi rất mong muốn truyền tải thông tin những giải pháp này một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất đến với người nuôi tôm cả nước. Việc thích ứng với thông tin, giải pháp và chúng ta có sự phối hợp để giúp ngành tôm phát triển hiệu quả, bền vững”, ông Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.

Tập đoàn Nam Miền Trung luôn tiếp thu những giải pháp công nghệ mới để sản xuất ra con giống chất lượng cao. Ảnh: PC.

Tập đoàn Nam Miền Trung luôn tiếp thu những giải pháp công nghệ mới để sản xuất ra con giống chất lượng cao. Ảnh: PC.

Được biết, Tập đoàn Nam Miền Trung là đơn vị cung cấp tôm giống trong nhiều năm và rộng khắp cả nước. Công ty luôn tiên phong tiếp thu những giải pháp công nghệ mới áp dụng vào sản xuất con giống để cùng ngành tôm cả nước, bà con nuôi tôm cùng thắng lợi.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, tỉnh đang tụt hậu so với các địa phương khác về phát triển tôm giống. Do đó, ông mong muốn các doanh nghiệp tôm giống đoàn kết với nhau để có những định hướng phát triển mạnh mẽ hơn, tạo ra quy mô lớn hơn, sản xuất số lượng tôm giống nhiều hơn, xứng đáng là trung tâm sản xuất hàng đầu của Việt Nam về tôm giống.

“Hiện nay, có nhiều loại bệnh trên tôm đã được phát hiện và điều trị, có những loại bệnh mới xuất hiện và đang tìm giải pháp để điều trị. Do đó, chúng tôi mong muốn quá trình phát triển của ngành tôm giống sẽ có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ trong việc xác định sớm các loại bệnh mới và có những giải pháp để trị bệnh với mục đích cuối cùng là người nuôi tôm đạt hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh.

Xem thêm
Nuôi con đặc sản, thị trường ngách cho chăn nuôi nông hộ: [Bài 2] Trang trại gà Lượng Huệ lớn nhất Tây Ninh

Trang trại gà Lượng Huệ 'khủng' của gia đình anh Nguyễn Năng Cường ở thị trấn Tân Châu (Tây Ninh) là niềm mơ ước của nhiều nông hộ…

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Thả hơn 40.000 con cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

BẮC NINH Hoạt động thả hơn 40.000 con cá giống của tỉnh Bắc Ninh góp phần phục hồi hệ sinh thái nước ngọt và nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.