| Hotline: 0983.970.780

Lắng nghe, tháo gỡ rào cản cho ngành hàng lúa gạo

Thứ Ba 20/05/2025 , 21:19 (GMT+7)

Sản xuất lúa gạo ở nước ta có nhiều tiềm năng nhưng giá trị xuất khẩu còn nhiều mặt hạn chế cần được quan tâm, tháo gỡ để đạt chất lượng và giá trị cao.

Chiều 20/5, tại Tiền Giang, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phối hợp Sở Công thương tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị về công tác điều hành xuất khẩu gạo và lấy ý kiến với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Nghị định số 01/2025/NĐ-CP.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gạo cả năm đạt trên 7,5 triệu tấn. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gạo cả năm đạt trên 7,5 triệu tấn. Ảnh: Minh Đảm.

Dự kiến xuất khẩu gạo cả năm đạt 7,5 triệu tấn

Thông tin về tình hình xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết: Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thị trường thế giới nhưng hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta cũng đạt kết quả tích cực.

Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 3,43 triệu tấn, tương đương gần 1,77 tỷ USD, tăng 8,1% về lượng, nhưng giảm 13,3% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo trung bình đạt 515 USD/ tấn, giảm gần 20% so cùng kỳ, nhưng tương đương trung bình các năm. Thị trường xuất khẩu gạo của nước ta lớn nhất là Philippines (chiếm 43,3%), Bờ Biển Ngà nhập khẩu đứng thứ 2 (chiếm gần 13%) và thị trường Trung quốc (chiếm 10,5%)...

Dự báo tình hình xuất khẩu gạo năm 2025, ông Toản cho biết, xuất khẩu gạo sẽ có nhiều thuận lợi do nhu cầu lớn từ các nước Philipines, Trung Quốc, châu Phi; lạm phát thế giới hạ nhiệt; Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngừng tăng lãi suất. Sản lượng xuất khẩu cả năm ước đạt 7,5 triệu tấn.

Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) cho biết, năm 2025 ĐBSCL dự kiến sản xuất 24 triệu tấn lúa. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) cho biết, năm 2025 ĐBSCL dự kiến sản xuất 24 triệu tấn lúa. Ảnh: Minh Đảm.

ĐBSCL, vựa lúa cung ứng hơn 90% sản lượng gạo phục vụ xuất khẩu. Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết, năm 2025, toàn vùng sẽ sản xuất khoảng 24 triệu tấn lúa. Thời điểm này, vụ đông xuân đã thu hoạch dứt điểm hơn 1,5 triệu ha với sản lượng đạt được gần 11 triệu tấn. Kế hoạch vụ hè thu sẽ gieo sạ khoảng 1,47 triệu ha, sản lượng 8,5 triệu tấn; vụ thu đông gieo sạ khoảng 818.000ha, sản lượng 4 triệu tấn.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã hỗ trợ nông dân nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật nên công tác bảo vệ thực vật được thực hiện tốt, hầu như không có thiệt hại về năng suất do dịch hại, năng suất lúa ổn định. Thời điểm này, ĐBSCL đã bước vào mùa mưa, nông dân không còn lo hạn mặn, tuy nhiên những cơn mưa trái mùa có thể gây đổ ngã, thất thu ngoài ý muốn.

Để bảo vệ năng suất lúa cho hai vụ còn lại, ngành bảo vệ thực vật các địa phương có Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Bên cạnh đó, các đề án phục vụ ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật là đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng.

“Từ các đề án, chúng tôi phối hợp với ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật các địa phương cố gắng đảm bảo không để xảy ra dịch hại, bảo vệ cho được sản lượng lúa theo kế hoạch, đảm bảo nguồn cung gạo xuất khẩu”, ông Vấn thông tin.

Ông Trần Tấn Đức, đại diện Tổng công ty Lương thực miền Nam nêu kiến nghị. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Tấn Đức, đại diện Tổng công ty Lương thực miền Nam nêu kiến nghị. Ảnh: Minh Đảm.

Lắng nghe để tháo gỡ

Các đại biểu dự hội nghị cho rằng, xuất khẩu gạo của nước ra còn nhiều mặt hạn chế cần quan tâm tháo gỡ. Đó là các rào cản, hạn chế về kỹ thuật; chất lượng; chi phí vận chuyển logistic; công tác chế biến sâu; bảo quản; chính sách điều hành xuất khẩu gạo; công tác liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chưa bền vững... Bên cạnh đó, ngành hàng lúa gạo nước ta thường bị cạnh tranh bởi các quốc gia như Ấn Độ, Myanmar, Thái lan.

Ông Trần Tấn Đức, thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Lương thực miền Nam kiến nghị: “Hướng sắp tới, tôi rất mong các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ giải quyết đầu ra cho vụ lúa hè thu gặp nhiều khó khăn. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thuế VAT nhanh hơn. Bên cạnh đó, miễn, giảm tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp xay xát”.

Còn ông Nguyễn Văn Nghiễm, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị giao cho Hiệp hội là đại diện của Bộ Công thương để ký kết, thực hiện các hợp đồng với các Chính phủ nước bạn.

“Hiệp hội có hơn 70 thành viên được cấp phép xuất khẩu gạo, chiếm 90% sản lượng xuất khẩu của cả nước. Nhiều hội viên có uy tín, đủ năng lực để triển khai các hợp đồng này, nhất là các quy định của WTO. Chúng tôi có quy chế triển khai nội bộ để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ của Chính phủ giao cũng như tiến độ và chất lượng giao hàng”, ông Nghiễm cho biết.

Các đại biểu nêu nhiều giải pháp, kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng lúa, gạo trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: Minh Đảm.

Các đại biểu nêu nhiều giải pháp, kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng lúa, gạo trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho rằng, có 6 nhiệm vụ mà các doanh nghiệp, cơ quan chức năng nên tập trung cho ngành hàng lúa gạo trong thời gian tới. Đó là tổ chức sản xuất lại theo chuỗi; đầu tư nâng cấp các trang thiết bị, nhà xưởng; xây dựng thương hiệu, phát triển giá trị gia tăng; đầu tư chế biến sâu và xây dựng hệ thống logistic; đa dạng thị trường xuất khẩu gạo; nhất là điều chỉnh lại quy định xuất khẩu gạo.

“Chúng tôi mạnh dạn đề xuất kiến nghị nghiên cứu sửa đổi lại nghị định xuất khẩu gạo, sửa lại Nghị định 107 năm 2018 và 01 năm 2025 phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đề nghị doanh nghiệp phải có kho chứa, chế biến xay xát phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia. Cái này khó, vì Tiền Giang có hơn 200 cơ sở xay xát có từ rất lâu, nhà xưởng xây dựng đã lâu, hình thành bộ hồ sơ như vậy sẽ khó cho doanh nghiệp dù năng lực xuất khẩu thì đảm bảo”, ông Phi cho biết.

Phiên 2 của hội nghị, các đại biểu đã đề xuất, góp ý đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107 năm 2018 và Nghị định 01 năm 2025 của Chính phủ để hoạt động xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao hơn.

Qua hội nghị, cơ quan quản lý đã lắng nghe, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp thiết thực. Trên cơ sở này, các đơn vị quản lý sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các quy định hiện hành theo hướng minh bạch, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay.

Xem thêm
Người nuôi heo có lời nhưng vẫn dè dặt tái đàn

ĐBSCL Giá heo hơi tại ĐBSCL tăng mạnh, giúp nhiều hộ nuôi có lãi khá, tuy nhiên, lo ngại dịch bệnh và chi phí cao khiến nhiều người không dám mạnh dạn tái đàn.

Chuyện thú y cơ sở: [Bài 2] Vắng thú y, dịch bệnh bủa vây

QUẢNG BÌNH Những năm vắng bóng các Trạm thú y và thú y cơ sở, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi gia tăng khiến người chăn nuôi thiệt hại nặng

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Đồng Tháp tập huấn về AI cho cán bộ và người dân

Đồng Tháp tổ chức tập huấn AI nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.

Thủ phủ tôm giống công nghệ cao: [Bài 4] Đầu tư công nghệ việc không thể không làm

Chiếm 60-70% cơ sở sản xuất giống thủy sản ở Ninh Thuận là cơ sở vừa và nhỏ, hầu hết đang gặp khó khăn về tài chính, nên hạn chế đầu tư công nghệ cao…

Trồng cây xanh vì thế hệ mai sau

TIỀN GIANG Nhiều tập thể, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phát động phong trào trồng cây xanh, thiết thực chào mừng 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) và hưởng ứng thông điệp “Vì một Việt Nam xanh” do Thủ tướng Chính phủ phát động.