Thứ Hai, 7/7/2025 20:50 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Kon Tum chuyển đổi hơn 3.500 ha cây trồng cho giá trị kinh tế cao

Thứ Năm 26/06/2025 , 14:40 (GMT+7)

Chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Nhiều hộ dân đã chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều hộ dân đã chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp

Ghi nhận tại xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) nơi có hơn 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số, hàng trăm hộ dân đã chuyển đổi sản xuất từ cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây cho giá trị kinh tế cao.

Để đạt được điều này, chính quyền địa phương nơi đây đã tổ chức những lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón hữu cơ, cấp giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng như: sầu riêng, mắc ca, bơ, cà phê... Từ đó, người dân bắt đầu tiếp cận với tư duy sản xuất hàng hóa thay vì canh tác tự cung, tự cấp.

Ông A Nghĩu (người dân làng Đăk Đe, xã Rời Kơi, huyện Sa Thầy) cho biết, trước đây gia đình có hơn 1 ha trồng cây bời lời, thu nhập không bao nhiêu. Sau khi được chính quyền địa phương hướng dẫn và hỗ trợ trồng sầu riêng và mắc ca, đồng thời học kỹ thuật, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, vườn cây của nhà ông đã phát triển tốt.

“Những năm trước, kinh tế gia đình luôn rơi vào cảnh thiếu thốn, phải lo ăn từng bữa. Còn hiện tại, cuộc sống gia đình đã tốt hơn nhiều, không chỉ đủ ăn mà còn có hy vọng làm giàu nhờ cây trồng chủ lực”, ông A Nghĩu chia sẻ.

Tương tự, gia đình ông A Bring (thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) đã chuyển đổi hơn 2 ha đất trồng mì sang trồng mía, theo mô hình liên kết với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum. Khi liên kết, gia đình ông A Bring được hỗ trợ kỹ thuật nên toàn bộ diện tích mía phát triển tốt.

“Đến nay, diện tích mía đã cho thu hoạch, lợi nhuận mang lại khoảng 60-70 triệu đồng/ha và được công ty thu mua toàn bộ nên nguồn thu nhập ổn định, gia đình rất yên tâm, tin tưởng”, ông A Bring chia sẻ.

Các hộ dân tại huyện Sa Thầy mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Các hộ dân tại huyện Sa Thầy mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Tương tự, xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei) là một trong những địa phương đã triển khai tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Đến nay, xã khuyến khích người dân chuyển đổi các loại cây trồng như cà phê, cao su, cây ăn quả, mắc ca… đạt gần 700 ha.

Chị Y Nôm (thôn Nú Vai, xã Đăk Kroong) cho biết, gia đình hiện có 1 ha cao su đã cho thu hoạch, 1 ha bời lời, 5 ha thông 3 lá, 1 ha mít Thái. Những năm gần đây, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn. Ngoài một số diện tích đã chuyển đổi, mới đây gia đình chị chuyển đổi tiếp 1 ha đất trồng mì bạc màu, năng suất thấp sang trồng cây mắc ca. Đến nay, diện tích cây mắc ca đang phát triển rất tốt.

“Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho giá trị, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn. Trong thời gian tới, gia đình dự định sẽ tiếp tục chuyển đổi 1 phần diện tích sang trồng sầu riêng để nâng cao thu nhập”, chị Y Nâm chia sẻ.

Ông A Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong cho biết, thời gian qua chính quyền địa phương đã mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ về nguồn vốn vay, cũng như cấp cây giống cho người dân. Từ đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn gia tăng chuyển đổi cây trồng để có nguồn thu ổn định.

Nâng cao hiệu quả kinh tế

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum, tính từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi được khoảng hơn 3.500 ha diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như: sầu riêng, bơ, mít Thái, chuối, chanh dây, mắc ca… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và phục vụ xuất khẩu.

Bà Y Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Kon Tum cho biết, để thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum thường xuyên phối hợp với các địa phương rà soát những diện tích đất thiếu nước tưới, đất trồng mì bạc màu… chuyển đổi sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tăng cường hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, xây dựng các mô hình trình diễn, cũng như hỗ trợ các loại cây giống mới có năng suất, chất lượng cao cho người dân.

Người dân huyện Đăk Tô chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng mía. Ảnh: Tuấn Anh.

Người dân huyện Đăk Tô chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng mía. Ảnh: Tuấn Anh.

“Với sự định hướng, hỗ trợ kịp thời của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã từng bước chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao, từ đó nâng cao thu nhập, từng bước giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu”, bà Y Hằng chia sẻ

Cũng theo bà Y Hằng, mặc dù vẫn còn những khó khăn như diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu đồi núi dốc, người dân thiếu vốn để đầu tư trồng các loại cây mới nhưng với quyết tâm cao, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cải tạo đất, chăm sóc tốt các loại cây trồng như, qua đó thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng để sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm và hiệu quả.

Xem thêm
Người chăn gà du mục và ước mơ thay đổi hình ảnh nông dân Việt

Sáng đó sương dâng ngập trời Tân Sơn, tôi lên núi chăn gà du mục để nghe Đức kể về ước mơ thay đổi hình ảnh 'cổ cày, vai bừa' của nông dân Việt.

Dịch tả heo Châu Phi tái bùng phát tại Gia Lai

GIA LAI Qua nhiều năm dịch tả heo Châu Phi được khống chế nhờ giải pháp phòng chống dịch của ngành chức năng, nay dịch bệnh này tái xuất hiện tại phường An Nhơn Đông.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nâng tầm nông sản từ những mô hình trang trại bền vững

Hưng Yên đẩy mạnh mời gọi các nhà đầu tư phát triển trang trại theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất - tiêu thụ, tạo nền tảng vững chắc để nâng tầm giá trị nông sản.

Biến phụ phẩm quả xoài thành phân hữu cơ

ĐỒNG THÁP Biến phế phẩm xoài thành phân hữu cơ không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mở ra mô hình kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị cho nông nghiệp Đồng Tháp.

Biến vùng đất sâu, trũng thành 'vựa' cá Koi tiền tỷ

HẢI PHÒNG Từ bỏ lối canh tác truyền thống, anh Vũ Văn Quân táo bạo chuyển đổi sang nuôi cá Koi Nhật Bản kết hợp kinh tế tuần hoàn, tạo ra giá trị bất ngờ.

Vườn Quốc gia Vũ Quang - tương lai du lịch xanh

HÀ TĨNH Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Vũ Quang, giai đoạn 2025 - 2030.

Bình luận mới nhất