| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị tái thành lập Ủy ban lưu vực sông

Thứ Sáu 11/07/2025 , 17:28 (GMT+7)

Đại diện Sở NN-MT Ninh Bình kiến nghị tái thành lập Ủy ban lưu vực sông để liên kết các vùng, đảm bảo tính thông suốt giữa thượng nguồn với hạ nguồn.

Sáng 10/7, Báo Tiền phong cùng các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng tọa đàm để chia sẻ thực trạng và tìm giải pháp hồi sinh các dòng sông bị bức tử bởi ô nhiễm môi trường.

Kiến nghị tái thành lập Ủy ban lưu vực sông

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hưng Yên cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới đã có kinh nghiệm xử lý môi trường để phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm. Thế nhưng, khi áp dụng ở Việt Nam, do kinh phí lớn, thời gian dài nên còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hưng Yên. Ảnh: Thu Hoài.

Ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hưng Yên. Ảnh: Thu Hoài.

Chia sẻ thực tế tại địa phương, ông Trần Đăng Anh cho biết, ở Hưng Yên, hằng năm, tỉnh đều có kế hoạch quan trắc mực nước, mức độ ô nhiễm trên các dòng sông trên địa bàn, trong đó có Bắc Hưng Hải. Kết quả đã có nhiều cải thiện, trong đó tỷ lệ mức tốt và trung bình tăng, tỷ lệ mức kém giảm. Từ thực tế này, đã thúc đẩy tỉnh quyết tâm tiếp tục quan trắc, kiểm soát tốt các nguồn nước tại các con sông.

Thống kê chung cho thấy, 65% lượng nước thải tại Hưng Yên chưa được xử lý. Sở NN-MT Hưng Yên đã tham mưu tỉnh thực hiện một số giải pháp để cải thiện trong thời gian tới; trong đó có ban hành quy định nguồn thải khoảng 100 m3 trở lên thải ra môi trường là phải có hệ thống xử lý độc lập; kiểm soát nguồn ô nhiễm từ đầu nguồn, trong đó các nguồn nước lớn thải ra các con sông đều được quan trắc.

“Hiện nay, công nghiệp, đô thị Hưng Yên diễn ra rất mạnh, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn rất quan trọng và đang được tỉnh quan tâm trong các năm qua. Với dòng sông Bắc Hưng Hải, cần có giải pháp quản lý phù hợp từ bộ, ngành đến các địa phương có liên quan.

Chúng ta cần xác định đây là kênh hay sông để có giải pháp quản lý, ứng xử phù hợp. Đây là dòng sông rất quan trọng với Hưng Yên, tuy nhiên, do không được bổ cập nước nên sông dần trở nên khô cạn. Để phục hồi, tỉnh đã phải bổ cập nước cưỡng bức. Nhưng giải pháp này chỉ là cục bộ, do địa phương thực hiện. Để phục hồi tốt dòng sông, rất cần Bộ NN-MT có giải pháp quản lý và điều tiết nước đồng bộ” – PGĐ Sở NN-MT Hưng Yên chia sẻ.

Nước sông Bắc Hưng Hải lúc nào cũng trong tình trạng đen như dầu luyn. Ảnh: Hùng Khang.

Nước sông Bắc Hưng Hải lúc nào cũng trong tình trạng đen như dầu luyn. Ảnh: Hùng Khang.

Ông Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-MT Ninh Bình cho biết, Ninh Bình là vùng hạ lưu, các dòng sông chảy qua địa phương đều đang bị ô nhiễm, đặc biệt là sông Nhuệ. Cụ thể, chỉ số COD, BOD (chỉ số xử lý nước thải) đều vượt ngưỡng cho phép, nhất là vào mùa khô hạn. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới nguồn nước mặt sinh hoạt và hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc ô nhiễm nghiêm trọng các dòng sông là do tỉnh là vùng hạ lưu nên địa phương tiếp nhận toàn bộ nước thải vùng thượng nguồn, hoạt động xử lý rất thụ động.

Bên cạnh đó, còn do nguồn nước thải tại các vùng dân cư chưa thể thu gom. Các làng nghề đa số hoạt động tự phát nên để kiểm soát nước thải làng nghề rất khó. Đặc biệt, các cụm công nghiệp hình thành trước 2005 hệ thống xử lý nước thải vẫn chưa được đầu tư đầy đủ cũng là nguồn cơn gây phát sinh ô nhiễm.

Ông Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Bình. Ảnh: Thu Hoài.

Ông Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Bình. Ảnh: Thu Hoài.

Trong những năm qua, tỉnh này đã có nhiều giải pháp để nỗ lực giải quyết tình trạng ô nhiễm các dòng sông, tuyên truyền nhận thức bảo vệ môi trường của người dân, tăng tần suất quan trắc để kiểm soát chất lượng nguồn nước. Ngoài ra, nghiêm túc kiểm soát hồ sơ doanh nghiệp để nâng cao vai trò, giám sát thực hiện bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong hoạt động xử lí nước thải kết hợp với rà soát quy hoạch chặt chẽ nhằm đảm bảo hoạt động quản lý các dự án.

“Là tỉnh cuối nguồn nên Ninh Bình thụ động hoàn toàn trong kiểm soát nguồn thải. Bên cạnh đó, xử lý nước thải cần lượng đầu tư rất lớn nên khó xử lý căn cơ. Chúng tôi cũng gặp thách thức lớn về việc chia tách xử lý nước thải làng nghề với nước thải sinh hoạt" - ông Thắng nói.

Đại diện Sở NN-MT tỉnh Ninh Bình kiến nghị tái thành lập các Ủy ban lưu vực sông để liên kết các vùng, đảm bảo tính thông suốt giữa thượng nguồn với hạ nguồn, từ đó thông tin mới kịp thời để giải quyết và xử lý các vấn đề tồn đọng.

Mổ xẻ nguyên nhân “đầu độc” các hệ thống sông

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ NN-MT) Nguyễn Hồng Hiếu cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 3.450 con sông, phân bố trên 3 lưu vực sông lớn và các khu vực sông ven biển. Dưới áp lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều dòng sông ở nước ta đang bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, đặc biệt là tại khu vực trung và hạ lưu - nơi có mật độ dân cư đông và nhiều hoạt động sản xuất, đô thị.

Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước. Ảnh: Thu Hoài.

Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước. Ảnh: Thu Hoài.

Một số ví dụ điển hình có thể kể đến như sông Cầu đoạn qua Thái Nguyên, sông Sài Gòn qua TP.HCM… Kênh rạch nội đô tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hiện nay không còn đúng nghĩa là dòng sông tự nhiên mà trở thành nơi dẫn nước thải. Một số hệ thống sông liên vùng, liên huyện, liên tỉnh như Bắc Hưng Hải, Nhuệ - Đáy qua Hà Nội, Ninh Bình… cũng đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các ao hồ trong khu vực đô thị vốn trước đây có vai trò tạo cảnh quan và điều tiết sinh thái – nay cũng trở thành nơi chứa chất thải, có mức độ ô nhiễm đáng báo động.

Nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết, đó là tình trạng xử lý nước thải sinh hoạt đô thị hiện nay. Dẫn số liệu thống kê, ông Hiếu cho biết, hiện lượng nước thải sinh hoạt sơ bộ lên tới hơn 9 triệu m³/ngày. Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải đô thị hiện có khoảng 80 trạm, với tổng công suất thiết kế chỉ khoảng 1,5 triệu m³/ngày. Thực tế mới xử lý được khoảng 17% lượng nước thải.

Tiếp đó là tình trạng nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề. Hiện có gần 300 khu công nghiệp trên toàn quốc, trong đó, khoảng hơn 270 khu đang được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Phần còn lại, chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ vẫn xử lý nước thải phân tán tại chỗ, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Công nhân môi trường vớt rác trên sông Tô Lịch. Ảnh: Kiên Trung.

Công nhân môi trường vớt rác trên sông Tô Lịch. Ảnh: Kiên Trung.

Ngoài ra, việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… diễn ra thiếu kiểm soát, dẫn đến tồn dư hóa chất chảy ra môi trường nước. Ý thức của con người chưa cao khi đổ chất thải rắn bừa bãi trên hệ thống kênh, sông, ao, hồ làm gia tăng ô nhiễm nghiêm trọng.

Hoạt động khai thác cát, sỏi quá mức và các hoạt động khác nên nhiều dòng sông hiện bị suy giảm nghiêm trọng về lưu lượng nước, dẫn đến việc dòng chảy bị gián đoạn hoặc không còn. Khi mùa khô kéo dài, lượng mưa giảm hoặc mưa lớn gây ngập úng kéo dài cũng làm cho mức độ ô nhiễm tích tụ và gia tăng…

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước nhấn mạnh, Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã quy định về việc tổ chức quản lý lưu vực sông, nhằm tạo cơ chế điều phối, phối hợp giữa các địa phương trong cùng lưu vực. Nghị định 53/2023/NĐ-CP cũng đã quy định chi tiết các nội dung về tổ chức quản lý dòng sông, trong đó nhấn mạnh việc giải quyết các vấn đề liên vùng, liên tỉnh - vốn là những điểm nghẽn lâu nay trong công tác bảo vệ nguồn nước.

Xem thêm

Bình luận mới nhất