Từ gò đồi hoang vu đến "ngôi nhà của đàn con"
Bên gò Trầm Sai, con đường gạch dẫn vào nhà bà Vũ Thị Khiêm ở thôn Đồng Dừa, xã Hải Lựu dốc và trơn trượt. Như chính những thăng trầm đời người bà từng đi qua.
Tuổi ngoài 80, chân bà đã yếu, mắt đã mờ, thỉnh thoảng có việc lắm bà mới bước xuống thôn. Ấy vậy mà cũng đôi chân ấy, trên con dốc còn gồ ghề và trơn trượt hơn thế, bà vẫn đều đặn mỗi tuần hai lần đi lên khu “vườn cò” sau nhà, nơi bà coi là một phần máu thịt của mình.

Bà Vũ Thị Khiêm trò chuyện với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Bảo Thắng.
Gọi là vườn cò, nhưng thực chất là một khoảng đồi, rộng chừng 5ha, được bà chăm nom, giữ gìn gần suốt một đời người, nơi hàng nghìn cánh chim đã tìm về, cư ngụ, sinh sôi qua bao mùa giông gió.
Hơn nửa thế kỷ trước, khu đồi ấy còn hoang vu, tre nứa lúp xúp, cây cối mới khép tán. Rồi một ngày, cò về đậu ngủ qua đêm. Ban đầu chỉ vài chục con, dần dà thành trăm, thành nghìn. Bà Khiêm nhớ rất rõ, như thể câu chuyện mới vừa xảy ra hôm qua: "Lúc đầu, chúng chỉ dừng chân. Nhưng rồi chọn ở lại. Như người tìm được quê hương".
Hồi đó, bà mới khoảng 20 tuổi, vừa lập gia đình. Là con út trong nhà, anh trai chuyển ra Hà Nội công tác, hai vợ chồng bà ở lại chăm sóc cha mẹ và mảnh đất gia đình khai khẩn khi chạy giặc Pháp những năm 1950. Cả gia đình lúc ấy đều coi sự hiện diện của đàn chim là điềm lành nên ra sức bảo vệ. Trước lúc nhắm mắt, hai cụ thân sinh còn dặn lại: “Chúng chọn ở đây vì tin ta. Phải giữ lấy, đừng để ai hại chúng”. Bà làm đúng lời cha mẹ dặn, như sự báo hiếu, như một lẽ sống và cái duyên lặng lẽ ngấm vào cuộc đời.
Cuộc đời bà gắn với rất nhiều chữ “mất”. Mất chồng, người lính hy sinh từ năm 1968 mà mãi đến sau giải phóng (1976) mới có giấy báo tử. Mất con trai, vì tai nạn quãng gần năm 2000. Mất luôn cả những tháng ngày thảnh thơi để tảo tần nuôi 5 đứa cháu nội khi mẹ chúng đi bước nữa. Những năm tháng ấy, căn nhà gỗ lụp xụp của bà là nơi trú ngụ của ba thế hệ, và chim, gắn kết bằng một thứ tình cảm chẳng thể gọi tên.
Ở cái tuổi gần 60, khi người khác nghĩ tới chuyện nghỉ ngơi, bà lại bắt đầu những mùa cuốc đất, trồng cây, gánh nước. Vườn nhà bà có mít, nhãn, thêm các luống rau, vài sào lúa. Bà chắt chiu từng đồng lẻ từ bán nắm rau, thu vụ quả để nuôi cháu đến trường, rồi thỉnh thoảng sửa lại mái nhà cho khỏi dột. Tấm bằng Tổ quốc ghi công treo ở gian chính, cạnh tấm ảnh đen trắng của chồng. Còn ảnh đàn cháu, đàn chim thì dày đặc, treo kín vách.

Bà Khiêm vẫn giữ thói quen đều đặn leo lên khu đồi sau nhà hằng tuần để quan sát đàn cò và các loài chim về trú ngụ. Ảnh: Phạm Hiếu.
Chính trong những năm tháng khó khăn nhất, bà vẫn không một lần nghĩ đến chuyện bán đất bán cây. Gỗ trong khu đồi sau nhà có thể giúp bà đỡ nghèo, nhưng bà nói: “Cò giao con cho mình, mình không nỡ”. Bao lần người ta ngỏ ý mua đất, chặt cây, mở đường, bà đều từ chối. Có người mang súng vào săn, bà ra cản, dúi họ về.
Khu đồi ấy, nay xanh um thành rừng, bởi những tán lát, trám, dổi… đều là do bà và các cháu trồng thêm mỗi năm. Những chiều tháng Chạp, trời xám lạnh, những trưa tháng tám nắng rám trái bòng, bà vẫn chống gậy ra sân, ngóng đàn chim bay về sau một ngày đi ăn xa. Tiếng cánh đập, tiếng kêu, tiếng gió vờn tán lá, tất cả trở thành bản nhạc thân thuộc của riêng bà.
Giới nghiên cứu sinh học đã nhiều lần về khảo sát, ghi nhận nơi đây có tới hơn 40 loài chim cư trú hoặc di cư. Người ta gọi khu rừng ấy là "Vườn chim Hải Lựu", nhưng trong lòng bà Khiêm, đó đơn giản là “chỗ ở của các con”. Nhiều con chim già đi rồi mất tại chỗ, nhiều tổ chim mới lại tiếp nối. Sự sống cứ thế luân hồi trên những ngọn cây bà từng ươm trồng.
Dù có tới 15 chắt, bà vẫn sống một mình. Sáng trông vườn, chiều đi kiểm tra tổ chim, tối ngồi bên ngọn đèn dầu, nghe radio hay trò chuyện với lũ cò. Bà còn minh mẫn, nhớ rành rọt từng mùa lụt, từng lần rắn bò lên tổ, từng đợt dịch cúm gia cầm khiến cò lặng tiếng mấy tuần.

Đàn cò về cư ngụ tại vườn nhà bà Khiêm lên đến hàng nghìn con. Ảnh: NVCC.
Giữ lời hứa với chim trời
Dưới những tán dổi già, chuyện xưa của bà Khiêm không kể bằng năm mà nhớ bằng mùa sinh sản của cò và đàn chim. Mùa đó bắt đầu từ tháng Ba âm lịch, kéo dài đến gần Trung thu.
Là mùa nhộn nhịp nhất của khu rừng, và cũng là mùa bà bận rộn nhất. Bà không nhớ xuể đã bao đêm chong đèn trông chừng những cánh cò non chưa kịp cứng cáp đã rơi khỏi tổ vì trận mưa bất ngờ, hay cơn gió đổi mùa. Cò bố, cò mẹ không nuôi con cùng nhau, nên những con lạc đàn ấy nếu không ai cưu mang sẽ chết yểu. Bà lượm chúng, chăm bằng tay run, bón nước, nghiền cơm, đợi ngày chim mọc đủ lông, tự bay được mới thả trở lại đàn.
Có người nhìn bà cười: “Sao già rồi còn ôm rơm rặm bụng?” Bà chỉ mỉm, rồi bảo: “Nó cũng như con người, chẳng lẽ thấy con khóc lại quay mặt đi?” Những lúc ấy, ánh mắt bà nhìn về cánh rừng phía sau nhà xa xăm, sâu thẳm, ẩn trong đó một nỗi thương mà người ngoài chẳng dễ gì hiểu được.
Ngày trước, cò từng nhiều phen bị săn bắt. Có lần đang họp trên huyện, nghe hàng xóm báo: “Cò bay loạn lên, chắc có trộm”, bà thu xếp về ngay. “Nghe tiếng dáo dác của chúng như tiếng con mình đang khóc”, bà nói, như một bản năng. Bắt được trộm, bà không đánh, không la. Là cán bộ phụ nữ lâu năm, bà hiểu rằng giáo dục mới là thứ lâu bền nhất.
Có lần, mấy thanh niên gần nhà trèo cây rình tổ, bà nhẹ giọng: “Cò đang nuôi con, cháu bắn nó, con nó ai chăm? Nghĩ đến gia đình mình xem, mình cũng là con, cũng là bố mẹ, phải biết xót thương”. Thằng bé nghe xong, lặng lẽ tụt xuống, viết kiểm điểm, ký cam kết. Sau này thành người tốt, có lần còn dẫn con về thăm bà "Khiêm cò”.

Bà Vũ Thị Khiêm bên tấm ảnh được Tổng Bí thư Tô Lâm tặng danh hiệu Người đảng viên trọn đời giữ lửa đam mê với công tác bảo vệ môi trường. Ảnh: Phạm Hiếu.
Chẳng có quỹ bảo tồn nào để duy trì hoạt động cho vườn cò. Tất cả chi phí đều từ đồng tiền bán mít, bán nhãn, bán mấy bó rau vườn. Có năm hạn hán, nước cạn khô, cò kêu khản cổ, bà thuê người đào hẳn cái ao giữa rừng để giữ nước cho chim. Mỗi cây trong vườn đều được chọn kỹ, lâu năm, lá dày, ít gãy để tiện làm tổ cho đàn cò. Mỗi vụ chim về, bà lại giặm thêm chỗ rào thưa, cắm biển cấm săn bắn, tự tay rào lại các lối mòn.
Có người trả bà hàng chục tỷ để mua khu rừng. Bà lắc đầu. “Tiền thì quý thật đấy nhưng tôi không thể bán. Đây là nhà của đàn cò, là tâm huyết cả đời của tôi. Tôi bán đi thì chúng sẽ đi đâu, ở đâu?”. Bà nói giản dị, như thể bản năng sinh ra đã dành cho danh phận “trông nom đàn cò”.
Chính quyền xã về khảo sát, rồi hỗ trợ làm đường, dựng hàng rào, lắp biển chỉ dẫn, mở hướng thành điểm du lịch sinh thái. Bà vui, nhưng không buông tay. Cả phần tiền hỗ trợ, bà lại dốc vào mua cây trồng thêm. Để rừng rậm hơn, xanh hơn, sâu hơn, vừa là mái che cho chim, vừa là rào chắn cho con người.
Giờ, khu vườn của bà là ngôi nhà thứ hai của hàng ngàn cánh chim: cò lửa, cò lửa lùn, cò ruồi, cò xanh, cò bợ… Những tên gọi mà có cán bộ kiểm lâm trẻ còn chưa phân biệt được, bà thì nhớ vanh vách, kể đặc tính từng loài như nói về người thân.
Bà Khiêm không muốn “vườn cò nhà mình” mãi là câu chuyện truyền miệng. Bà hy vọng một ngày, khu rừng ấy sẽ thành khu bảo tồn chính danh, là thắng cảnh thực sự của địa phương. Không phải để bà nổi tiếng, mà để con cháu sau này nhớ rằng, bà đã dành cả đời để giữ lời hứa với chim trời, xin hãy nối dài những công việc mà bà đang làm hôm nay, bởi lời hứa là một đức tin, chỉ có thể giữ lời hứa mới giữ chân được đàn cò ở lại.

Bà Khiêm ước mơ, khu vườn sau nhà sẽ phủ kín các cây cổ thụ, làm nơi cư ngụ lâu dài cho đàn chim. Ảnh: Bảo Thắng.
Các cháu của bà nói, đôi khi bà ngồi trước hiên, ngắm hoàng hôn rọi qua tán lá, gương mặt đăm chiêu, ngẫm ngợi. Bà bảo: “Con cái cũng như đàn cò, lớn lên rồi sẽ bay đi tìm chân trời mới. Nhưng phải biết bay đi từ một mái nhà lành”. Bà nhắc lại điều đó không biết bao lần với các cháu, dặn dò dù có nghèo cũng không được bán đất, chặt cây. Và mỗi lần đi lên thăm đồi, cứ chỗ nào thấy thưa cây là bà trồng giặm. Cứ mảnh đất nào bị đào bới, bà lấp lại.
Trong căn nhà gỗ hơn nửa thế kỷ tuổi, hằng đêm gió vẫn lùa qua vách ván, nhưng chưa khi nào bà Khiêm thấy mình lẻ bóng. Mỗi mùa trôi qua, bà lại già yếu hơn, nhưng mỗi ngày bước chân thăm vườn cò chưa từng ít đi. Giờ đây, càng thêm tuổi, ước nguyện đưa được hài cốt của ông về nằm dưới rừng cò ngày càng tha thiết hơn, và ước nguyện giữ lời hứa với chim trời trao truyền cho cháu chắt cũng ngày càng đau đáu khôn nguôi.
Vĩ thanh
Mỗi ngày, mỗi bước chân của chủ nhân vườn chim Hải Lựu dẫn lên vườn là một sự nối dài của ký ức tới hiện tại. Đó không chỉ là hành trình canh giữ một cánh rừng mà còn là hành trình giữ lại những điều tử tế cho thiên nhiên. Có thể một ngày, bà Khiêm sẽ không còn đủ sức để bước đi, nhưng con đường tử tế mà bà đã từng mở lối và bước đi sẽ thành con đường lớn, để cháu chắt của bà và thế hệ mai sau cùng bước tiếp, viết tiếp câu chuyện giữ rừng, giữ vòm trời cho nghìn cánh chim bay.