Du lịch khai thác dựa vào thiên nhiên
Những năm gần đây, khu du lịch sinh thái Thác trượt Bạch Mã (Bạch Mã Village) tọa lạc ở xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc), nay là xã Phú Lộc, đã trở thành địa điểm quen thuộc đối với người dân, du khách khi đến với Huế.
Đây là khu du lịch thuê môi trường rừng ở khu vực Thác trượt (thuộc Vườn Quốc gia Bạch Mã), tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái theo đúng các trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành.
Bạch Mã Village được xây dựng trên diện tích khoảng 1ha, chủ yếu là đất trống, cây bụi, không ảnh hưởng đến cây gỗ hay hệ sinh thái rừng đặc dụng. Khu du lịch nằm giữa thung lũng xanh mát, bao quanh là dãy núi Bạch Mã, mang lại môi trường trong lành, bảo vệ hiệu quả nguồn nước suối tự nhiên. Từ đó, nơi đây phát triển các dịch vụ như tắm suối, cắm trại, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thu hút lượng lớn khách tham quan.

Khu du lịch sinh thái Bạch Mã Village là dự án đầu tiên ở Vườn Quốc gia Bạch Mã thực hiện theo phương thức Nhà nước cho thuê môi trường rừng đặc dụng để phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: Văn Dinh.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh - Giám đốc Bạch Mã Village cho biết, dự án du lịch được triển khai thuận lợi nhờ nằm trong định hướng của Đề án Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bạch Mã đến năm 2030. Hợp đồng thuê môi trường rừng được ký với thời hạn 30 năm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn. Từ khi đi vào hoạt động (giữa năm 2019), khu du lịch ghi nhận lượng khách ổn định, trung bình 300 - 500 lượt/ngày thường, hơn 1.000 lượt/ngày cuối tuần, thời điểm cao điểm đạt đến 2.000 khách/ngày.
“Khu du lịch có hệ thống rừng núi bạt ngàn, tiếng thác đổ, tiếng suối chảy, tiếng chim hót, dịch vụ ẩm thực phong phú. Chúng tôi thường xuyên tân trang, sửa chữa và đầu tư lại các điểm tham quan, khám phá. Đến đây, ngoài tắm mát, trải nghiệm trượt thác thú vị, du khách còn được trải nghiệm, check-in những dịch vụ độc đáo là sản phẩm du lịch tự tạo của chúng tôi như khu làng Hobbit (New Zealand) trong bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn, với nhà nấm, khu cắm trại, các hồ bơi dành cho người lớn, trẻ em. Trong tương lai, chúng tôi có kế hoạch đầu tư mở rộng lưu trú, bổ sung các loại hình vui chơi giải trí và mở tuyến treking dọc suối dẫn lên thượng nguồn khám phá thiên nhiên Bạch Mã”, ông Khanh thông tin.

Vườn Quốc gia Bạch Mã sẽ tiếp tục cho thuê môi trường để phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch kết hợp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: Văn Dinh.
Vườn Quốc gia Bạch Mã là phần cuối của dãy Trường Sơn Bắc, là một trong 6 vườn quốc gia thuộc Trung ương quản lý với diện tích trên 37.423ha (chủ yếu ở TP Huế). Vườn có giá trị lớn về cảnh quan, bảo tồn đa dạng sinh học, với hàng loạt thắng cảnh, địa danh đẹp; có hàng ngàn loài động vật, thực vật trong đó nhiều loại quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư
Thuê môi trường rừng để đầu tư, kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên là một giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao sinh kế cho cộng đồng.
Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã - Nguyễn Vũ Linh chia sẻ, khu du lịch sinh thái Bạch Mã Village là dự án đầu tiên thực hiện theo phương thức Nhà nước cho thuê môi trường rừng đặc dụng để phát triển du lịch sinh thái đạt hiệu quả cao. Lượng du khách đến với khu du lịch ngày một đông, đặc biệt vào các dịp lễ tết đã cho thấy sự đầu tư đúng hướng. Rừng Bạch Mã thật sự đã trở thành “đối tác” du lịch.
Mới đây, dựa trên Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Bạch Mã giai đoạn 2024 - 2030” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phê duyệt vào cuối tháng 2/2025; Vườn Quốc gia Bạch Mã đã vừa có thông báo việc cho thuê môi trường rừng đến các tổ chức, cá nhân quan tâm để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Cụ thể, quy hoạch 12 điểm với diện tích hơn 2.500ha; 14 tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí với tổng diện tích hơn 1.650ha, tổng chiều dài các tuyến là 182,49km. Đề án xác định đến năm 2030 thu hút được 5 - 10 nhà đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa để kinh doanh phát triển du lịch dịch vụ tại Vườn Quốc gia Bạch Mã; tạo việc làm cho 150 - 300 lao động trực tiếp, 300 - 600 lao động gián tiếp…

Khi phát triển du lịch sinh thái một cách hợp lý, rừng Bạch Mã (ảnh) sẽ không chỉ được bảo vệ, mà còn “sống khỏe”, tạo ra giá trị cho cả thiên nhiên lẫn con người; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường... Ảnh: Văn Dinh.
Ông Nguyễn Vũ Linh cho biết, Bạch Mã có tiềm năng vô cùng to lớn về khai thác du lịch. Việc thuê môi trường rừng như Đề án kể trên sẽ mở ra nhiều cơ hội, tuy nhiên quá trình triển khai cần phải cẩn trọng.
Theo các tiêu chí chấm điểm tại hướng dẫn hồ sơ kỹ thuật đăng ký thuê môi trường rừng, Vườn Quốc gia Bạch Mã khuyến khích các nhà đầu tư có hiệu suất đầu tư cao (đầu tư xây dựng ít nhưng đem lại doanh thu cao); có phương án đầu tư, xây dựng phù hợp với Đề án được duyệt, hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đến rừng, có khả năng đem lại nguồn thu tốt nhất cho Vườn và địa phương. Đặc biệt, các quy định mang tính nguyên tắc là chỉ được xây dựng các công trình ở những nơi đất chưa có rừng hoặc các khoảng trống dưới tán rừng. Điều này sẽ hạn chế việc ảnh hưởng tiêu cực đến các hệ sinh thái rừng hiện có khi cho phép làm du lịch sinh thái.
“Sau khi Vườn nhận các hồ sơ sẽ tiến hành xem xét, lập báo cáo chi tiết về từng dự án và sẽ lấy ý kiến rộng rãi. Khi nhà đầu tư đã được lựa chọn ký hợp đồng thuê môi trường rừng sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý để lập và triển khai dự án theo quy định của pháp luật hiện hành, tiến hành thủ tục về bảo vệ môi trường; lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; làm các thủ tục xin giấy phép xây dựng. Ngoài ra, khi vận hành khai thác dự án đảm bảo các điều kiện cần thiết theo quy định liên quan đến an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường”, ông Linh nói.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế - Nguyễn Đình Đức, Bạch Mã có nhiều khu vực phù hợp để phát triển du lịch bao gồm các khu vực cảnh quan đẹp, giá trị thiên nhiên đặc biệt, có thể phát triển nhiều tuyến du lịch và nhiều chương trình trải nghiệm đặc sắc. Bạch Mã cũng có nhiều điểm đất trống, nằm trong phân khu dịch vụ hậu cần và cận kề với các thắng cảnh, hay hệ sinh thái tự nhiên rất đặc biệt, do đó có thể quy hoạch thành các điểm du lịch mới.
“Chọn được nhà đầu tư đáp ứng đủ các tiêu chí, dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở Bạch Mã sẽ phát huy giá trị đa dụng của rừng. Khi ấy, rừng Bạch Mã sẽ không chỉ được bảo vệ, mà còn “sống khỏe”, tạo ra giá trị cho cả thiên nhiên lẫn con người; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Đức nhấn mạnh.