
Cho tằm ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.
Thời gian gần đây, ngành dâu tằm phục hồi một cách mạnh mẽ. Năm 2024 diện tích trồng dâu của Việt Nam đã tăng lên khoảng 14.000 ha, sản lượng kén đạt khoảng 14.500 tấn, vượt giai đoạn huy hoàng nhất của ngành vào năm 1993 khi chỉ có hơn 10.000 tấn kén nhưng cần diện tích trồng dâu lên tới 38.000 ha. Điều đáng buồn là đa số giống tằm đều phụ thuộc vào nguồn nhập từ Trung Quốc.
Lý giải về việc không tự chủ về giống này, TS Lê Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương cho biết: Cuối những năm 90, đầu những năm 2000 ngành dâu tằm gặp khủng hoảng, hệ thống tổ chức của Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam bị sụp đổ kèm theo đó là sự sụp đổ của hệ thống sản xuất giống tằm trong nước. Tận dụng cơ hội đó giống tằm Trung Quốc đã tràn vào, chiếm lĩnh thị trường.
Đánh giá khách quan cho thấy, chất lượng giống tằm nội trước đây kém hơn tằm ngoại, thể hiện rõ nhất là tỷ lệ tiêu hao kén, trong khi giống tằm ngoại 7 kg kén ra 1 kg tơ tằm nội 7,2-7,3 kg kén mới ra 1 kg tơ. Thêm vào đó tỷ lệ lên tơ cũng kém hơn. Vì sự yếu kém của giống tằm trong nước cũng như hệ thống sản xuất giống bị sụp đổ nên hiện giống tằm Trung Quốc chiếm tới hơn 90% thị trường Việt Nam.

Giống tằm nội mới chiếm khoảng 2%. Ảnh: Dương Đình Tường.
Xuất phát từ bối cảnh đó, Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đã cử nhiều cán bộ đi học tập dài hạn ở các nước có ngành dâu tằm phát triển, nhập khẩu những giống nguyên liệu về nghiên cứu, chọn tạo. Năm 2019 với sự hỗ trợ của Kopia Hàn Quốc, Trung tâm có một đề tài chọn tạo giống tằm lưỡng hệ kén trắng với mục tiêu ngang bằng với giống của Trung Quốc để có thể cạnh tranh được.
Năm 2022 giống tằm mới VH 2020 (Việt Hàn 2020) được đưa vào khảo nghiệm sản xuất, đến năm 2023 thì được công nhận. VH 2020 là giống lưỡng hệ tứ nguyên kén trắng đã cải thiện được hầu hết những chỉ tiêu còn yếu của các giống tằm nội trước đây. Cụ thể nó có tỷ lệ nở trên 90% và đồng đều, năng suất kén đạt 13kg/vòng trứng 6 gram, chất lượng kén, tơ tương đương với giống tằm Trung Quốc Lưỡng Quảng số 2 khi 7 kg kén ra 1 kg tơ, độ dài tơ 800m, chất lượng tơ có thể đạt cấp 2A, trong khi giá chỉ 100.000đ/vòng.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Nhài, Bộ môn chọn tạo giống tằm, Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương cho biết: Khó khăn trong việc chọn tạo ra giống tằm mới là nguồn giống nguyên liệu có chất lượng tơ kén tốt của Việt Nam rất hạn chế. Chính vì vậy, trong những năm vừa qua Trung tâm đã đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế với những nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Thông qua hợp tác quốc tế, ngoài việc được trao đổi về các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đơn vị còn được trao đổi về các nguồn gen. Đó là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là ngoài công sức của Bộ môn chọn tạo giống tằm còn có Bộ môn tơ kén hỗ trợ việc đánh giá chất lượng tơ kén từ giống nguyên liệu cho đến giống lai rồi giống ra ngoài sản xuất; Bộ môn bệnh hỗ trợ việc đánh giá việc kiểm soát bệnh; Phòng dịch vụ và chuyển giao hỗ trợ việc đưa giống ra ngoài sản xuất…

Cận cảnh tằm. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Chất lượng của giống tằm VH2020 khi đưa ra sản xuất phần nào đã đáp ứng được nhu cầu, có khả năng cạnh tranh nhưng chúng tôi vẫn muốn cải thiện hơn nữa về độ ổn định. Bởi thế phải đặc biệt lưu ý bồi dục giống ông bà để có giống bố mẹ, giống thương phẩm tốt và ổn định”, thạc sỹ Nhài khẳng định.
Hiện, khả năng sản xuất của Trung tâm vẫn còn hạn chế, khoảng 10.000 hộp mỗi năm, chỉ chiếm khoảng 2% trên tổng nhu cầu giống tằm của Việt Nam. Thêm vào đó người nuôi tằm có thói quen chuộng giống ngoại nên vẫn còn e ngại với giống nội.
TS Lê Hồng Vân phân tích: Trước đây có 3 cấp sản xuất giống tằm từ trung ương đến địa phương, tổng cộng cả nước có khoảng hơn 40 trại. Nhưng hiện nay không còn một trại nào, chỉ còn lại 2 Trung tâm nghiên cứu còn sản xuất trứng tằm, trong đó có đơn vị của ông phải tự làm tất cả các khâu từ giống bồi dục đến giống cấp một, cấp hai. Bởi thế phải xây dựng lại hệ thống nhân giống tằm.
Trước hết sản xuất giống ở các cơ sở sự nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sau đó nếu có hiệu quả sẽ huy động các doanh nghiệp tham gia. Từ đó cấp giống cho các cơ sở nuôi tằm con tập trung rồi chuyển cho các cơ sở nuôi tằm lớn. Chỉ khi làm được như thế mới có hi vọng giống tằm nội cạnh tranh được với giống tằm ngoại và dần chiếm lại thị phần.
Giống tằm VH2020 yêu cầu điều kiện nhiệt độ mát mẻ, vùng Tây Nguyên có thể nuôi quanh năm; vùng miền núi phía Bắc nuôi vào vụ xuân, vụ thu trừ 2 tháng hè; vùng đồng bằng nuôi vào vụ xuân, vụ thu, trừ 3 tháng hè. Nếu bà con nào đầu tư điều hòa nhiệt độ có thể nuôi quanh năm với mô hình nuôi trên giá nhiều tầng.