Iran hôm 8/5 tuyên bố sẽ dừng việc xuất khẩu uranium thừa và nước nặng như quy định trong thỏa thuận về hạt nhân giữa Iran và Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và EU, đạt được năm 2015. Tehran cũng đặt ra thời hạn 60 ngày để các bên thống nhất điều khoản mới trước khi Iran khôi phục hoạt động làm giàu uranium cấp độ đủ để sản xuất vũ khí.
Thông điệp đầy hù dọa
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Mỹ điều một nhóm tàu sân bay đến vịnh Ba Tư với lý do họ nhận được thông tin tình báo rằng các hoạt động của Iran có thể gây hại cho các lợi ích của Mỹ hoặc đồng minh.
Nhóm tàu sân bay tấn công mà chủ soái là tàu sân bay USS Abraham Lincoln và không đoàn tiêm kích mà nó mang theo. Đi kèm là một tuần dương hạm lớp Ticonderoga và bốn tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Tất cả số tàu này, cùng với một số lượng chưa xác định máy bay ném bom chiến lược hạng nặng tầm xa B-52 đang tới Trung Đông, theo bộ tư lệnh Trung ương quân đội Mỹ.
Những thiết bị quân sự này, theo bộ tư lệnh Trung ương quân đội Mỹ, đang được triển khai để đáp lại “các chỉ dấu rõ ràng rằng Iran và các lực lượng thân cận đang chuẩn bị, có khả năng tấn công các lực lượng Mỹ trong khu vực”. Số vũ khí thiết bị này chỉ là phần bổ sung thêm những vũ khí thiết bị của Mỹ đã có sẵn ở các căn cứ đặt ở một số quốc gia Trung Đông.
Đô đốc John Richardson, chỉ huy tác chiến hải quân Mỹ, trước đó mô tả các tàu sân bay Mỹ là “sự biểu hiện kinh hoàng của sức mạnh quốc gia Mỹ”. Một nhóm tàu sân bay tấn công thậm chí còn là thông điệp kinh hoàng hơn.
Quan hệ Mỹ - Iran vốn đã rất gập ghềnh trong quá khứ, trở nên tồi tệ hơn khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2018 và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Tháng trước, chính quyền của Tổng thống Donald Trump dấn thêm một bước nữa khi xếp lực lượng Vệ binh cách mạng của Iran vào danh sách “tổ chức khủng bố nước ngoài”. Vệ binh cách mạng là một tổ chức có tầm ảnh hưởng về an ninh và chính trị rất lớn ở Iran, chịu trách nhiệm bảo vệ và duy trì sự tồn tại của chế độ. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ xếp một tổ chức của chính phủ nước ngoài vào danh sách tổ chức khủng bố.
Nhưng cần phải nhắc lại rằng chính Mỹ, trong quá khứ, đã là một nhân tố thúc đẩy các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Lịch sử chông gai
Để hiểu rõ quan hệ đầy gập ghềnh giữa Mỹ và Iran suốt chiều dài lịch sử, hãy cùng điểm qua những dấu mốc quan trọng. Năm 1941, quân đội Anh và Liên Xô đổ vào tây Iran để đối chọi với tầm ảnh hưởng ngày càng lan rộng của Đức Quốc Xã. Năm 1951, Mohammed Mossadegh, một nhân vật dân tộc chủ nghĩa cực đoan, được bầu làm thủ tướng, về danh nghĩa là dưới quyền Shah (vua Iran), lúc đó là Mohammad Reza Pahlavi. Ông này là Shah cuối cùng của Iran, trị vì từ năm 1941 đến 1979, khi bị lật đổ trong Cuộc cách mạng Iran.
Thủ tướng Mohammed Mossadegh đã khiến Anh tức giận vì cố tìm cách quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ. Năm 1953, Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đứng đằng sau vụ lật đổ Thủ tướng Mohammed Mossadegh, quyền lực được trao lại Shah Mohammed Reza Pahlavi. Bắt đầu từ đây, thời kỳ “màu hồng” trong quan hệ Mỹ-Iran mở ra. Năm 1957, Mỹ và Iran ký một thỏa thuận về hợp tác hạt nhân với mục đích dân dụng, theo Reuters. Năm 1967, Mỹ cung cấp cho Iran một lò phản ứng mang tên Lò phản ứng nghiên cứu Tehran, có công suất 5-megawatt cùng với nhiên liệu uranium làm giàu 93% (gần đạt mức có thể sản xuất vũ khí).
Năm 1968, Iran ký hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT) và hai năm sau thì phê chuẩn. Hiệp ước này cho phép Iran có một chương trình hạt nhân dân dụng, đổi lại họ cam kết không sản xuất vũ khí hạt nhân.
Bước ngoặt xảy đến năm 1979: Cuộc cách mạng Hồi giáo Iran đã lật đổ Shah Mohammad Reza Pahlavi, buộc ông này phải chạy qua Mỹ. Ayatollah Ruhollah Khomeini lưu vong trở về để trở thành giáo chủ tối cao. Vào ngày 4/11/1979, các sinh viên theo trào lưu chính thống đã đổ vào khống chế đại sứ quán Mỹ ở Tehran, giữ các nhân viên đại sứ quán làm con tin trong 444 ngày. Yêu sách của họ là đòi Mỹ trao trả Shah Mohammad Reza về Iran để xét xử.
Bắt đầu từ đây, quan hệ Mỹ - Iran trở nên thù địch. Năm 1980, Mỹ cắt quan hệ ngoại giao với Iran, thu giữ các tài sản của chính phủ nước này, cấm hầu hết các giao dịch thương mại với Iran. Tổng thống Jimmy Carter ra lệnh mở chiến dịch giải cứu con tin bị Iran bắt giữ. Tuy nhiên, trực thăng Mỹ đã bị rơi trong bão cát Trung Đông và 8 quân nhân Mỹ thiệt mạng.
Năm 1981, Iran thả các con tin Mỹ chỉ ít phút sau khi Tổng thống Carter về hưu, nhường chỗ cho người kế nhiệm là Ronald Reagan. Dưới trào tổng thống này, quan hệ Mỹ-Iran cũng không đổi chiều. Năm 1984, Mỹ xếp Iran vào danh sách nhà nước tài trợ cho khủng bố. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Reagan, đã xảy ra một vụ scandal chính trị liên quan đến Iran (Iran-Contra): năm 1986, Tổng thống Reagan tiết lộ thông tin về một số thương vụ vũ khí với Tehran mà Mỹ cho là vi phạm lệnh cấm vận vũ khí. Trong vụ này, các quan chức cấp cao Mỹ đã bí mật bán vũ khí cho Iran để lấy tiền tài trợ các tổ chức chống cộng ở Nicaragua.
Một trong những lý do chính quyền Reagan nêu ra về việc bán vũ khí là để giải thoát bảy con tin người Mỹ đang bị Hezbollah, một nhóm bán quân sự có liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, giam giữ. Kế hoạch là để Israel vận chuyển vũ khí cho Iran, Mỹ tiếp tế cho Israel và Israel trả tiền cho Mỹ. Những người nhận từ Iran hứa sẽ làm mọi thứ để đạt được việc thả con tin. Tuy nhiên, như tài liệu của một cuộc điều tra do Quốc hội Mỹ thực hiện, việc vũ khí bí mật cho Iran đã bắt đầu vào năm 1981 trước khi bất kỳ con tin nào của Mỹ bị bắt ở Lebanon. Thực tế này đã loại trừ lời giải thích "vũ khí cho con tin" mà chính quyền Reagan đưa ra.
Năm 1988, tàu chiến Mỹ Vincennes “vô tình” bắn trúng máy bay dân sự Iran ở Vùng Vịnh, làm thiệt mạng toàn bộ 290 người.
Năm 2002, Tổng thống George W. Bush tuyên bố Iran, Iraq, Triều Tiên là “trục ma quỷ”, cáo buộc Tehran bí mật phát triển vũ khí hạt nhân.