
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị họp với Đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại EU Kaja Kallas tại Brussels, Bỉ, hôm 2/7. Ảnh: SCMP.
Tuyên bố từ cơ quan ngoại giao của EU được đưa ra sau khi bà Kaja Kallas, Đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại của khối, gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Brussels.
Bà Kallas "kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động phá hoại thị trường, bao gồm các hạn chế đối với xuất khẩu đất hiếm, vốn gây ra rủi ro đáng kể cho các công ty châu Âu và gây nguy hiểm cho chuỗi cung ứng toàn cầu", EU cho biết.
Về thương mại, bà Kallas kêu gọi "các giải pháp cụ thể để cân bằng lại mối quan hệ kinh tế, tạo sân chơi bình đẳng và cải thiện tính tương hỗ trong tiếp cận thị trường".
Bà cũng "nhấn mạnh mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh châu Âu khi các công ty Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột Ukraine".
Trung Quốc khẳng định rằng họ không cung viện trợ quân sự cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, giới chức châu Âu cho rằng các công ty Trung Quốc cung cấp nhiều thành phần quan trọng cho máy bay không người lái của Nga và các vũ khí khác được sử dụng ở Ukraine.
Bà Kallas kêu gọi Trung Quốc "ngay lập tức ngừng tất cả các hỗ trợ đối với tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga" và ủng hộ "một lệnh ngừng bắn đầy đủ và vô điều kiện" và "một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine".
Các cuộc thảo luận hôm 2/7 là để đặt nền móng cho một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc vào cuối tháng này.
Ông Vương Nghị cũng đã gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa trước đó cùng ngày trong chương trình chuẩn bị cho sự kiện sắp tới. Tại cuộc họp, ông Vương Nghị kêu gọi cả hai bên tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau và tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đồng thời nói thêm rằng "chủ nghĩa đơn phương và các hành động bắt nạt đã làm suy yếu nghiêm trọng trật tự và quy tắc quốc tế", theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Các quan chức EU cho biết họ sẽ tận dụng cuộc gặp giữa bà Kallas và ông Vương Nghị để thúc giục Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình với tư cách là đối tác mua dầu lớn của Iran để gây áp lực buộc Tehran đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân và giảm leo thang xung đột ở Trung Đông.
Tuyên bố của EU không cho biết liệu những nỗ lực trên có mang lại hiệu quả hay không. Tuy nhiên, bà Kallas và ông Vương Nghị "đã đồng ý về tầm quan trọng của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân như là nền tảng việc hạn chế vũ khí hạt nhân trên toàn cầu".
EU và Anh, Pháp và Đức là các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran mà Washington đã rút khỏi vào năm 2018. Iran luôn khẳng định rằng chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình và phủ nhận việc phát triển vũ khí.
Ông Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ đến Trung Quốc để tham dự hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường vào ngày 24-25 tháng 7.