
Lính cứu hỏa và người dân địa phương tham gia dập tắt đám cháy rừng ở quận Menderes thuộc thành phố Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Ihlas News Agency.
Cảnh báo y tế đã được đưa ra ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha và Đức. Ngay cả Hà Lan, vốn có khí hậu ôn hòa hơn, cũng đưa ra cảnh báo về nhiệt độ cao trong những ngày tới, cùng với độ ẩm cao.
"Phần lớn Tây Âu đang đối mặt với tình trạng nắng nóng và sóng nhiệt cực đoan thường xuất hiện vào tháng 7 hoặc tháng 8, thay vì tháng 6", Samantha Burgess, Trưởng nhóm Chiến lược về Khí hậu tại Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU cho biết.
Nhiệt độ ở một số nơi tăng hơn 5-10 độ C so với nhiệt độ trung bình vào thời điểm này trong năm, bà nói.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, cháy rừng đã hoành hành đến ngày thứ 2 ở tỉnh Izmir do gió lớn, Bộ trưởng Lâm nghiệp Ibrahim Yumakli cho biết. Hơn 50.000 người đã được sơ tán khỏi 5 khu vực, trong đó có hơn 42.000 người ở Izmir, cơ quan ứng phó khẩn cấp AFAD của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Các khu vực ven biển của Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây đã bị tàn phá bởi cháy rừng khi mùa hè trở nên nóng và khô hơn, điều mà các nhà khoa học cho là kết quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Tại Pháp, nơi nhiệt độ dự kiến sẽ đạt đỉnh vào ngày 1 và 2/7, các vụ cháy rừng đã bùng phát hôm 29/6 ở tỉnh Aude phía tây nam, nơi nhiệt độ lên tới 40 độ C, thiêu rụi 400 ha và buộc phải giới chức phải sơ tán một khu cắm trại và một tu viện, các nhà chức trách cho biết.
Các đám cháy đã được kiểm soát nhưng vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn, các nhà chức trách cho biết hôm 30/6. Cơ quan thời tiết Meteo France đã đưa ra cảnh báo nắng nóng kỷ lục, với 84 trên số 101 trạm quan sát trên cả nước đưa ra cảnh báo nắng nóng màu cam từ nay đến giữa tuần.
Ở Đức, cảnh báo nhiệt cũng được đưa ra trên khắp các khu vực phía tây và tây nam trong ngày 30/6, nơi nhiệt độ tăng lên tới 34 độ C. Các nhà chức trách kêu gọi người tiêu dùng hạn chế sử dụng nước.
Đợt nắng nóng này đã làm giảm mực nước trên sông Rhine, cản trở việc vận chuyển hàng hóa và làm tăng chi phí vận chuyển cho các chủ hàng, các thương nhân cho biết. Giá điện của Đức và Pháp tăng vọt do đợt nắng nóng dẫn đến nhu cầu làm mát tăng lên.
Nắng nóng khắc nghiệt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là đối với người cao tuổi và trẻ sơ sinh, cũng như những người lao động ngoài trời và những người nghèo khó.
Trên thế giới, nắng nóng khắc nghiệt khiến khoảng 480.000 người thiệt mạng mỗi năm, vượt qua tổng số thương vong do lũ lụt, động đất và bão, đồng thời gây ra rủi ro ngày càng lớn đối với cơ sở hạ tầng, nền kinh tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe, Swiss Re cho biết vào đầu tháng này.
Các nhà khoa học cho biết nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu là phát thải khí nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Năm 2024 là năm nóng nhất được ghi nhận trên thế giới.