Để hoạt động, trí tuệ nhân tạo (AI) cần đến các trung tâm dữ liệu khổng lồ để lưu trữ thông tin và vận hành ổn định. Những trung tâm này phải được làm mát liên tục bằng nước để tránh quá tải nhiệt.
Mỗi khi người dùng đặt câu hỏi cho ChatGPT, hệ thống phải truy xuất lượng dữ liệu khổng lồ để đưa ra câu trả lời, và quá trình đó tiêu tốn không ít năng lượng, kéo theo nhu cầu làm mát và sử dụng nhiều nước, gây áp lực lên tài nguyên môi trường. Trong một nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ), ước tính ChatGPT tiêu thụ lượng điện tương đương với khoảng 33.000 hộ gia đình Mỹ mỗi ngày.

Trung tâm dữ liệu được trang bị hàng loạt máy chủ, sẵn sàng phân phối thông tin trên toàn thế giới. Ảnh: Google.
Theo nhà nghiên cứu Signe Riemer-Sørensen từ Viện nghiên cứu công nghệ SINTEF (Na Uy), ChatGPT tiêu tốn năng lượng gấp mười lần so với một truy vấn tìm kiếm trên Google. "Tuy nhiên, nếu người dùng phải tìm kiếm nhiều lần trên Google mới có được câu trả lời chính xác, thì sự khác biệt này có thể được cân bằng", bà nói.
ChatGPT là công cụ miễn phí, nhưng cái giá mà môi trường phải trả là không hề nhỏ. Vì vậy, bà khuyến khích người dùng nên sử dụng AI một cách hợp lý: “Mỗi tin nhắn gửi đi đều tiêu tốn điện. Vì thế, bạn không nhất thiết phải cảm ơn ChatGPT sau mỗi câu trả lời. Công cụ này không có cảm xúc, nó chỉ phản hồi theo cách được lập trình sẵn".
Dù AI gây áp lực lên môi trường, nhưng công cụ này cũng có thể được ứng dụng để giảm phát thải. Theo đó, loại AI mà nhóm nghiên cứu đang sử dụng là hệ thống cục bộ chạy trực tiếp trên máy tính. Khác với ChatGPT, hệ thống này vận hành tại chỗ và không cần đến các trung tâm dữ liệu lớn, giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ điện.