Các công tố viên liên bang Brazil vừa đệ đơn kiện yêu cầu tòa án liên bang hủy bỏ thỏa thuận tín chỉ carbon trị giá 180 triệu USD giữa bang Pará và liên minh quốc tế LEAF, với lý do chính quyền bang đã ký kết mà không tham vấn đầy đủ các cộng đồng bản địa - những người sinh sống trên vùng đất liên quan đến hợp đồng này.
Đơn kiện đề nghị hủy thỏa thuận ký với LEAF Coalition, liên minh tài chính khí hậu công-tư tập hợp nguồn vốn từ Mỹ, Anh, Na Uy, Hàn Quốc cùng nhiều tập đoàn đa quốc gia như Amazon, Bayer, Walmart Foundation. Liên minh này trả tiền cho các khu vực ở Nam bán cầu để đổi lấy việc giảm phá rừng một cách có thể đo lường.

Tại Tuần lễ Khí hậu New York vào tháng 9 năm 2024, Pará - nơi có một phần tư rừng Amazon của Brazil - đã đồng ý bán tín chỉ carbon REDD+, thu được bằng cách bảo vệ rừng và được sử dụng để bù đắp lượng khí thải, với giá 15 đô la một tấn - mức cao kỷ lục đối với một tiểu bang của Brazil. Ảnh: OCCRP.
Theo thỏa thuận với LEAF, bang Pará cam kết bán tín chỉ carbon REDD+ trong tương lai với giá 15 USD/tấn - mức được đánh giá là cao chưa từng có với một chính quyền cấp bang ở Brazil. REDD+ là tín chỉ được tạo ra từ các dự án bảo vệ rừng, giảm phá rừng hoặc phục hồi rừng tại các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, các công tố viên cho rằng bang Pará đã vội vàng bán những tín chỉ chưa thực sự tồn tại, đồng thời vi phạm quy định pháp luật Brazil khi không đảm bảo “tham vấn sớm, tự nguyện và có đầy đủ thông tin” đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng - nguyên tắc cơ bản trong luật pháp nước này.
Đơn kiện cũng phản đối điều khoản buộc bang Pará phải bồi thường cho bên mua tín chỉ nếu thỏa thuận bị hủy bởi cơ quan chức năng, lo ngại điều này có thể đẩy gánh nặng tài chính lên người nộp thuế hoặc thậm chí chính cộng đồng bản địa.
Theo công tố viên Felipe de Moura Palha: “Việc bán tín chỉ khi chúng chưa được hình thành là quá sớm, gây áp lực lên cộng đồng. Họ đã không có đủ thời gian để hiểu rõ hệ lụy và đưa ra quyết định tập thể”.
Nhiều lãnh đạo bản địa cũng bức xúc, cho rằng quyền lợi và tiếng nói của họ bị bỏ qua, đồng thờichất vấn khả năng thực sự phân bổ nguồn tài chính thu được cho các cộng đồng địa phương đang phải đối mặt với hạn hán, đói nghèo, cháy rừng, ô nhiễm thủy ngân, khai thác mỏ trái phép và nạn phá rừng.
Các công tố viên yêu cầu không chỉ hủy hợp đồng mà còn phạt bang Pará 200 triệu reais (khoảng 35 triệu USD) vì đã thương mại hóa tài sản môi trường gắn với vùng đất truyền thống mà không tham vấn đúng quy định.
Theo các chuyên gia, động thái này cho thấy áp lực ngày càng lớn lên chính quyền bang khi muốn chứng minh thành tích khí hậu trước thềm Hội nghị COP30 sẽ tổ chức tại thủ phủ Belém, bang Pará vào tháng 11/2025.