
Rừng Amazon là khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới. Ảnh minh hoạ.
Rừng Amazon – "lá phổi xanh" của hành tinh, đang đối mặt với nguy cơ không thể phục hồi, có thể biến đổi dần thành vùng thảo nguyên khô hạn nếu tình trạng phá rừng, biến đổi khí hậu và suy thoái đất tiếp tục diễn ra. Theo nhà khoa học khí hậu Carlos Nobre từ Đại học São Paulo, đã có 18% diện tích rừng bị phá, nếu không được ngăn chặn kịp thời, có thể tới 70% rừng Amazon sẽ biến mất.
Việc chặt phá rừng để phục vụ chăn nuôi bò và trồng đậu nành đang làm khô kiệt hệ sinh thái, khiến rừng mất khả năng tái tạo nước, dễ cháy hơn và kém đa dạng sinh học. Điều này không chỉ đe dọa hệ sinh thái bản địa mà còn làm giảm mạnh lượng mưa tại các vùng nông nghiệp trọng điểm như Brazil, Paraguay, Uruguay và Argentina, trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn khu vực.
Nghiêm trọng hơn, sự sụp đổ của Amazon có thể giải phóng từ 200 đến 250 tỷ tấn CO2. Khối lượng khí nhà kính khổng lồ có thể khiến các mục tiêu giới hạn nhiệt độ toàn cầu trở nên bất khả thi. Các mạng lưới tội phạm liên quan đến chiếm đất, đốt rừng và khai thác khoáng sản trái phép cũng đang góp phần thúc đẩy thảm họa này. “Chúng ta đang ở rất gần điểm không thể quay đầu", ông Nobre cảnh báo "Một khi hệ thống khí hậu phức hợp này sụp đổ, nó sẽ không thể tái sinh".
Rừng Amazon là khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, trải rộng trên khoảng 5,5 triệu km2 và nằm trên lãnh thổ của 9 quốc gia Nam Mỹ, trong đó Brazil chiếm tới 60% diện tích. Được mệnh danh là “lá phổi xanh” của hành tinh, Amazon hấp thụ hàng tỷ tấn CO2 mỗi năm và đóng vai trò then chốt trong điều hòa khí hậu toàn cầu. Ngoài ra, rừng còn hoạt động như một “máy bơm nước” khổng lồ, tạo ra và tái chế tới 75% lượng mưa trong khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến chu trình nước không chỉ ở Nam Mỹ mà còn lan tới các châu lục khác. Amazon cũng là nơi có hệ sinh thái đa dạng bậc nhất thế giới, với khoảng 390 tỷ cây thuộc hơn 16.000 loài, cùng hàng triệu loài động-thực vật quý hiếm.