Theo các nhà lập pháp và chuyên gia, dự luật này sẽ khiến việc triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời trở nên khó khăn hơn, đe dọa hàng trăm nghìn việc làm thu nhập cao và làm tăng chi phí sinh hoạt cho người dân Mỹ.
Một điểm gây tranh cãi là quy định loại bỏ dần các khoản tín dụng thuế cho các dự án năng lượng tái tạo sau năm 2026 nếu chưa khởi công, và bắt buộc phải hoàn thành trước cuối năm 2027. Dù Thượng viện Mỹ đã loại bỏ đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các dự án không đạt tiêu chuẩn, các điều khoản còn lại vẫn khiến nhiều dự án đứng trước nguy cơ bị đình trệ.

Theo các chuyên gia, dự luật ngân sách vừa được Thượng viện Mỹ thông qua là một đòn giáng mạnh vào ngành năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa. Ảnh: Renewable Energy Pillar.
Ông Jeff Cramer, Chủ tịch Liên minh vì quyền tiếp cận năng lượng mặt trời cộng đồng cảnh báo: “Dự luật này sẽ làm gián đoạn hàng nghìn dự án đang triển khai, làm mất hàng tỷ USD đầu tư và hàng trăm nghìn việc làm thu nhập cao của người lao động Mỹ”.
Trong khi đó, chính quyền Trump bảo vệ dự luật cho rằng việc dừng trợ cấp sẽ giúp thị trường năng lượng phát triển theo hướng tự do hơn, ưu tiên năng lượng hạt nhân và khí đốt. Dự luật cũng bổ sung khoản tín dụng thuế mới cho than trong sản xuất thép, một động thái gây tranh cãi khác.
Tuy vậy, một số khoản tín dụng thuế khác để thúc đẩy hydro, năng lượng hạt nhân, địa nhiệt và thủy điện, cũng như các công nghệ thu giữ carbon vẫn được bảo toàn. Các tổ chức vận động kêu gọi điều chỉnh dự luật nhằm bảo vệ năng lượng tái tạo và an ninh năng lượng dài hạn của Mỹ.