
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte phát biểu tại một cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở The Hague, Hà Lan, hôm 25/6. Ảnh: Getty.
Ông Rutte đã đưa ra phát biểu trên trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 2/7, phản hồi các thông tin cho rằng Washington đã thu hẹp các khoản viện trợ quân sự quan trọng cho Kiev, bao gồm việc cung cấp đạn dược phòng không, tên lửa và đạn pháo.
"Tôi hoàn toàn thấu hiểu rằng Mỹ luôn phải đảm bảo rằng lợi ích của chính họ trước tiên. Trong thời gian ngắn hạn, Ukraine không thể làm gì nếu thiếu tất cả sự viện trợ, trong đó có đạn dược và hệ thống phòng không", Tổng thư ký NATO nói, song lập luận rằng sự linh hoạt trong trường hợp này là rất cần thiết.
"Về việc chuyển gánh nặng viện trợ từ Mỹ sang châu Âu, điều đó đang diễn ra, nhưng chúng ta không thể làm gì nếu không có sự hỗ trợ thực tế từ Mỹ", ông nói.
Theo Matthew Whitaker, đặc phái viên của Washington D.C. tại NATO, việc cắt giảm viện trợ của Mỹ cho Ukraine là một phần trong sự thay đổi chính sách tập trung vào việc đối nội của Tổng thống Donald Trump.
"Đây là chính sách 'Nước Mỹ trên hết' của ông Trump", ông nói với Fox News hôm 2/7. Theo ông Whitaker, Lầu Năm Góc cần đảm bảo rằng nước Mỹ có khả năng phòng thủ chiến lược cần thiết.
Ông Trump trước đó đã chỉ trích việc chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden chi hàng trăm tỷ USD để viện trợ cho Ukraine. Thay vào đó, ông Trump đã thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời yêu cầu các đồng minh NATO đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc viện trợ Kiev và tăng chi tiêu quân sự của chính họ.
Tuần trước, các thành viên châu Âu của khối quân sự do Mỹ dẫn đầu đã cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 35 tỷ euro (41 tỷ USD) viện trợ và tăng chi tiêu quân sự của NATO từ 2% lên 5% GDP trong thập kỷ tới.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cảnh báo rằng gánh nặng "khổng lồ" như vậy đối với ngân sách NATO có thể đánh dấu "sự sụp đổ của tổ chức này".