NDC được xem là xương sống của Thỏa thuận Paris, là cơ sở để các quốc gia cam kết mục tiêu giảm phát thải và cách thức thực hiện như đẩy mạnh năng lượng tái tạo hay cải thiện hiệu quả năng lượng.
Để chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 30 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP30), diễn ra vào tháng 11 tới, nước chủ nhà Brazil kêu gọi các quốc gia hoàn tất NDC mới vào tháng 9 để Liên hợp quốc đánh giá.
“Chúng ta còn cách rất xa mục tiêu, cả về số lượng và chất lượng các NDC”, bà Ana Toni, Chủ tịch COP30 của Brazil nói. “Không có lý do gì để các nước không công bố NDC mới. Chúng tôi kỳ vọng những đóng góp cải thiện cả tham vọng lẫn thực chất”.

Tại COP30 sắp tới, việc cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) là nội dung được quan tâm nhất. Ảnh: UN.
Thế giới đang bị "xao nhãng"
Theo The Guardian, sự chú ý của các nhà lãnh đạo toàn cầu đang bị phân tán bởi căng thẳng leo thang ở Trung Đông, trong khi các quốc gia nghèo phải oằn mình gánh nợ, và khủng hoảng chi phí sinh hoạt kéo dài ở nhiều nước đang thúc đẩy làn sóng dân túy và phản ứng ngược với các chính sách môi trường xanh.
Bà Ana Toni, nhà kinh tế học người Brazil đồng thời là Chủ tịch COP30, nhận định: “Những cuộc chiến mà chúng ta đang chứng kiến, cả chiến tranh quân sự lẫn thương mại, đều gây tổn hại nặng nề về thể chất, kinh tế và xã hội. Chúng khiến thế giới lệch hướng và sao nhãng khỏi vấn đề khí hậu”.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, thế giới vẫn đang đối mặt với những câu hỏi nghiêm trọng, không thể phới lờ: Liệu thế giới có thể cắt giảm khí nhà kính đủ sâu và đủ nhanh để ổn định nhiệt độ toàn cầu? Việc thiếu tiến triển có phải là điều tất yếu khi hàng trăm quốc gia cố gắng tìm tiếng nói chung?
Từ lâu, các nhà khoa học đã cảnh báo nếu độ toàn cầu vượt quá ngưỡng 1,5 độ C, những tác động của hỗn loạn khí hậu. Các đợt nắng nóng cực đoan, mực nước biển dâng cao, sự tuyệt chủng hàng loạt, hạn hán, lũ lụt và bão sẽ nhanh chóng trở nên thảm khốc và không thể đảo ngược. Trong đó, thế giới có thể đã đi qua những “điểm bùng phát” then chốt, nơi mà biến đổi khí hậu mất kiểm soát sẽ không thể cứu vãn trong khung thời gian tồn tại của loài người.
Bà Anna Rasmussen, trưởng đoàn đàm phán của Liên minh Các quốc đảo nhỏ (AOSIS), chia sẻ: “Trên khắp thế giới, điều chưa từng có giờ đã trở thành điều bình thường mới của chúng tôi. Nền kinh tế của các quốc đảo nhỏ đang bị kìm hãm bởi những thảm họa mà chúng tôi không gây ra. Chỉ mới chưa đầy một năm trước, vùng Caribe đã bị tàn phá bởi bão Beryl, cơn bão cấp 5 xuất hiện sớm nhất từng được ghi nhận tại Đại Tây Dương”.
Cần các cam kết tham vọng hơn
Mọi sự chú ý hiện đang tập trung vào Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, quốc gia phát thải nhiều nhất nhưng cũng là cường quốc về năng lượng tái tạo. Khoảng 1/3 điện năng của Trung Quốc hiện đến từ nguồn sạch và công suất tái tạo dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Tuy vậy, Chính phủ Trung Quốc được cho là đang đề xuất giảm phát thải ở mức khiêm tốn (khoảng 10%), dù các chuyên gia cho rằng nước này hoàn toàn có thể cắt giảm một nửa lượng phát thải vào năm 2035.
Một trong những nguyên nhân gây phát thải chính hiện nay là than đá. Dù tỷ trọng điện từ than chạm mức thấp kỷ lục vào tháng 5/2024, Trung Quốc lại phê duyệt một loạt dự án nhiệt điện mới. Tổ chức Greenpeace cảnh báo việc này có thể tạo ra năng lực dư thừa, tài sản mắc kẹt và làm gia tăng chi phí chuyển dịch năng lượng.
Tại châu Âu, EU đang thương lượng đầy căng thẳng về mục tiêu khí hậu 2040, dự kiến cắt giảm ít nhất 90% lượng carbon so với năm 1990. Nếu được thông qua, mục tiêu này sẽ kéo theo nghĩa vụ phải công bố NDC đầy đủ mới vào tháng 9. Trong khi đó, các quốc gia như Ấn Độ vẫn chưa nộp bản cập nhật kế hoạch. “Lãnh đạo khí hậu không nằm ở lời nói, mà ở hành động cụ thể”, ông Arunabha Ghosh, đại diện của Ấn Độ trong nhóm đặc phái viên COP30, nhấn mạnh.
Đến nay, có một vài quốc gia đã nộp NDC. Trong đó NDC của Anh được đánh giá khá tham vọng với cam kết cắt giảm 81% phát thải vào năm 2035. Ngược lại, Canada và Nhật Bản bị đánh giá là đang làm “chưa đủ”. Đáng chú ý, chưa nước nào cập nhật mục tiêu ngắn hạn (2030) vốn được cam kết tại COP26 năm 2021.
“Nếu không cắt giảm thêm trước 2030, sẽ rất khó bắt kịp sau đó,” chuyên gia Niklas Höhne đến từ Viện nghiên cứu khí hậu NewClimate cảnh báo.
Bên cạnh mục tiêu tham vọng, nguồn tài chính khí hậu cũng là một nội dung then chốt. Tại COP29, các nước phát triển cam kết huy động 1.300 tỷ USD/năm từ nay đến 2035, trong đó 300 tỷ USD từ tài chính công. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi tài trợ khí hậu khiến mục tiêu này khó thực thi.
Hiện nay, Brazil và Azerbaijan đang soạn “Lộ trình Baku đến Belém” nhằm hiện thực hóa cam kết tài chính, nhưng phản hồi từ các tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới đến nay vẫn rất hạn chế.
Vấn đề nhiên liệu hóa thạch, trọng tâm của COP28 với cam kết “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch”, dường như bị gạt khỏi chương trình nghị sự của COP30. Brazil tỏ ra miễn cưỡng khi phải mở lại cuộc tranh luận vốn gây chia rẽ này, thậm chí chưa chắc muốn có văn bản tổng kết hội nghị, vốn thường là điểm nhấn thể hiện sự đồng thuận.
Dẫu vậy, Brazil đang nỗ lực xây dựng niềm tin với vai trò nước chủ nhà, mời gọi chuyên gia toàn cầu, các cựu chủ tịch COP và đại diện cộng đồng bản địa vào quá trình chuẩn bị. Nước này cũng công bố “chương trình hành động” để theo dõi tiến độ từ các kỳ COP trước, chú trọng các chủ đề như rừng, nông nghiệp, công bằng xã hội và đại dương.
Theo bà Toni, phần quan trọng nhất của hội nghị là các NDC, lại không nằm trong tầm kiểm soát của nước chủ nhà.
“COP không phải nơi đàm phán NDC mà chỉ là quyết định quốc gia. Chúng tôi chỉ tổng hợp kết quả. Điều đó có thể gây thất vọng, nhưng nó phản ánh chính trị nội bộ của từng nước nhiều hơn là đàm phán đa phương”, Chủ tịch COP 30 thừa nhận.