
Hội thảo tham vấn dự thảo kế hoạch chi tiết triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia về Chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững tại Việt Nam đến năm 2030, diễn ra ngày 24/6 tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Chi.
Tại Hội thảo tham vấn Dự thảo kế hoạch chi tiết triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia về Chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm (LTTP) ngày 24/6, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận kinh nghiệm xây dựng thể chế, chính sách phát triển bao trùm.
Thuyết trình tại hội thảo, ông Lương Quang Huy - Trưởng phòng Giảm phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ozon, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ NN-MT) - khẳng định: "Chúng tôi xác định Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) là nhiệm vụ liên Bộ, liên ngành, cần có sự tham gia của các bên liên quan. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò cốt lõi trong hai trụ cột: giảm phát thải khí nhà kinh và thích ứng với biến đổi khí hậu".
Việt Nam đang dự thảo mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định giai đoạn 2026-2030 (NDC 3.0), dự kiến sẽ hoàn thành trước thềm Hội nghị COP30 diễn ra tại Belém, Brazil vào tháng 11/2025. Cục Biến đổi khí hậu, cơ quan chủ trì xây dựng NDC 3.0 đã đưa ra lộ trình cập nhật NDC dựa trên các mục tiêu trước đó, bao gồm mục tiêu trung hòa carbon, giải quyết vấn đề phát thải khí nhà kính với các biện pháp cụ thể.
Từ năm 2022 đến nay, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp rà soát, đo lường và đánh giá hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính thực tế từ các dự án nông nghiệp bền vững. Số liệu cho thấy, nông nghiệp từng chiếm gần 30% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia. Tuy nhiên, đến năm 2024, tỷ lệ này đã giảm còn khoảng 19-20%, tương đương hơn 100 triệu tấn CO2 quy đổi.
Theo ông Huy, đây là kết quả của việc nhân rộng hàng loạt giải pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến giúp giảm phát thải khí metan như "1 phải 5 giảm", tưới ngập khô xen kẽ (AWD) trong trồng lúa, ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt và chăn nuôi, cũng như tăng cường quản lý đất, trồng rừng.
"Nông nghiệp đạt và phần nào vượt mục tiêu giảm phát thải không điều kiện. Các chuyên gia nhóm công tác đánh giá cao các giải pháp tiềm năng trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp đến năm 2035", ông Huy khẳng định.
Từ góc độ kinh tế, ông Huy cho rằng nông nghiệp tuần hoàn chính là giải pháp then chốt, không chỉ giảm phát thải mà còn bảo đảm an ninh lương thực và tăng thu nhập cho người nông dân. Các mô hình như sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ, tái sử dụng nước tưới, kết hợp chăn nuôi - trồng trọt sẽ cần được nhân rộng tại nhiều tỉnh thành.

PGS.TS Đào Thế Anh điều phối phiên thảo luận của tổ công tác về nông nghiệp sinh thái. Ảnh: Quỳnh Chi.
Theo ông Phạm Ngọc Mậu - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-MT), Việt Nam đã thành lập và hoạt động tích cực 5 tổ công tác, ban hành Bộ chỉ số giám sát và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực cấp tỉnh và đưa kế hoạch chuyển đổi hệ thống LTTP đến từng địa phương.
“Việc hợp nhất Bộ NN-MT tạo điều kiện thuận lợi cho lồng ghép chuyển đổi hệ thống LTTP với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học địa phương”, Phó Vụ trưởng Phạm Ngọc Mậu chia sẻ.
Bộ NN-MT đã ký thỏa thuận với 47 đối tác trong và ngoài nước, thành lập nhóm Đối tác Chuyển đổi hệ thống LTTP. Sáng kiến góp phần hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
NDC 3.0 của Việt Nam thể hiện đóng góp công bằng, có trách nhiệm và đầy tham vọng, phản ánh nỗ lực cao nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội quốc gia. Theo đó, kế hoạch chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu sẽ đưa ra lộ trình giảm phát thải, giảm tác động đến an ninh nguồn nước, đảm bảo an ninh lương thực.