| Hotline: 0983.970.780

Nhu cầu thế giới vượt xa nguồn cung năng lượng tái tạo

Thứ Năm 03/07/2025 , 08:22 (GMT+7)

Năng lượng tái tạo tăng nhanh nhưng chưa thể thay thế năng lượng hóa thạch, khiến phát thải khí nhà kính tiếp tục lập kỷ lục.

Theo Báo cáo Thống kê Năng lượng Thế giới 2024 do Viện Năng lượng quốc tế công bố, phối hợp cùng KPMG và Kearney thực hiện, dù năng lượng tái tạo như gió và mặt trời đang phát triển với tốc độ chưa từng có, năng lượng hóa thạch vẫn là trụ cột của hệ thống năng lượng toàn cầu.

Tổng công suất điện gió và mặt trời tăng hơn 18% trong năm 2024, trong đó, Trung Quốc đóng góp tới 56% tổng lượng bổ sung mới toàn cầu. Tuy vậy, nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng nhanh hơn, khiến tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch cũng tăng nhẹ hơn 1%. Dầu mỏ vẫn là nguồn năng lượng lớn nhất, chiếm 34% tổng nhu cầu toàn cầu.

Tua-bin điện tại trại điện gió ngoài khơi ở Trung Quốc - quốc gia dẫn đầu thế giới về bổ sung năng lượng tái tạo năm 2024. Ảnh VTC.

Tua-bin điện tại trại điện gió ngoài khơi ở Trung Quốc - quốc gia dẫn đầu thế giới về bổ sung năng lượng tái tạo năm 2024. Ảnh VTC.

Đáng chú ý, tiêu thụ dầu mỏ ở các nước đang phát triển như châu Phi và Trung Đông tăng nhanh nhất, trong khi nhu cầu ở các nước phát triển gần như không đổi. Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, chiếm 20% sản lượng toàn cầu.

Ở lĩnh vực khí đốt, nhu cầu toàn cầu tăng 2,5% khi thị trường phục hồi sau năm 2023, với Mỹ, Nga, Iran và Trung Quốc là những nhà sản xuất hàng đầu. Đặc biệt, Trung Quốc đã vượt lên đứng thứ tư về sản lượng khí đốt sau một thập kỷ tăng trưởng mạnh.

Sự tăng trưởng đồng thời của cả năng lượng sạch và truyền thống cho thấy những rào cản cấu trúc, kinh tế và địa chính trị đối với quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Phát thải khí nhà kính vì thế tiếp tục tăng 1%, lập kỷ lục mới năm thứ tư liên tiếp. Tổng cung năng lượng toàn cầu tăng 2% lên 592 EJ, đánh dấu mức cao nhất lịch sử.

Mỹ vẫn là nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới trong bối cảnh tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng. Ảnh: Advocate.

Mỹ vẫn là nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới trong bối cảnh tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng. Ảnh: Advocate.

Ông Andy Brown, Chủ tịch Viện Năng lượng, nhận định: "Dữ liệu năm nay phản ánh một bức tranh chuyển dịch năng lượng phức tạp. Điện hóa tăng nhanh, nhất là tại các nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, tốc độ phát triển năng lượng tái tạo vẫn chưa đáp ứng kịp đà tăng nhu cầu, khiến 60% tăng trưởng năng lượng vẫn phải dựa vào nhiên liệu hóa thạch".

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò quyết định của Trung Quốc đối với xu hướng năng lượng toàn cầu, khi nước này vừa mở rộng năng lượng tái tạo, vừa tăng sử dụng than, dầu và khí. Theo Viện Chuyển đổi Năng lượng Kearney, các yếu tố an ninh năng lượng, khả năng tiếp cận tài nguyên và tự chủ công nghệ đang được ưu tiên hơn so với mục tiêu khí hậu ở nhiều quốc gia.

Báo cáo kết luận, thế giới đang đối mặt nguy cơ "chuyển dịch năng lượng hỗn loạn" nếu không có hành động đồng bộ và quyết liệt, nhất là khi phát thải vẫn tiếp tục tăng bất chấp cam kết giảm phát thải trên toàn cầu.

Theo Oilreviewmiddleeast

Xem thêm
Mỹ chuẩn bị cho 'làn sóng nhiệt' đầu tiên trong mùa hè

Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết, ngày 19/6 (giờ địa phương) đánh dấu đợt nắng nóng nghiêm trọng đầu tiền trong mùa hè năm 2025 của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất