Hội thảo quy tụ đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp đến từ Tập đoàn PAN, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, các viện, trường, Hội Giống cây trồng Việt Nam…
Công nghệ giống là khởi đầu chuỗi giá trị
Tại hội thảo, GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam (VSA) cho biết, đến năm 2024, có hơn 1.000 giống cây trồng đã được công nhận (455 giống lúa, 206 giống ngô, cùng hàng loạt giống cây ăn quả, cây công nghiệp và giống rau, hoa). Tổng số bằng bảo hộ lên đến hơn 1.200 bằng.

Theo GS.VS.TSKH Trần Đình Long, đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng là cấp thiết. Ảnh: Trung Quân.
Việc đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển các giống cây trồng chất lượng cao, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Tuy nhiên, công tác chọn tạo giống hiện nay vẫn đối diện với nhiều thách thức như: Sự mất cân đối trong nghiên cứu giữa cây lương thực và cây ăn quả; hạn chế trong cải tiến giống lâm nghiệp; hệ thống sản xuất giống còn manh mún, chưa đạt quy mô công nghiệp; tỷ lệ sử dụng giống đạt chuẩn trong sản xuất vẫn thấp, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (đạt 40%).
Trong khi đó, ngành nông nghiệp đang hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng theo hướng công nghiệp hiện đại nhằm cung cấp đủ hạt giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với BĐKH, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đồng thời, đến năm 2035, lưu giữ và khai thác hiệu quả 20.000 – 25.000 nguồn gen; chọn tạo giống có năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh, thích ứng BĐKH và thân thiện với môi trường; nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển giống theo hướng công nghệ cao (chỉnh sửa gen, giải mã hệ gen, GWAS, vi nhân giống sạch bệnh...).
Do đó, việc thúc đẩy sự đổi mới mạnh mẽ trong công nghệ chọn tạo giống cây trồng là yếu tố then chốt quyết định thành công của nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN cho rằng, chọn tạo giống cây trồng là nền tảng của nông nghiệp. Trong bối cảnh BĐKH diễn biến khó lường, thị trường đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng thì công nghệ giống chính là điểm khởi đầu của mọi chuỗi giá trị. Tuy nhiên, để công nghệ giống phát triển, không thể thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học.
“Chúng ta không thiếu khát vọng, nhưng nếu chỉ khát vọng mà thiếu công nghệ, thiếu nguồn gen, thiếu sự liên kết giữa nghiên cứu và ứng dụng thì mọi nỗ lực đều không thể đi xa. Tập đoàn PAN rất quan tâm đến các hướng tiếp cận mới như chọn giống nhanh, chỉnh sửa gen, ứng dụng AI và công nghệ sinh học… Điều này không chỉ ở mức độ chiến lược mà bằng đầu tư cụ thể và hành động thực tế”, bà Trà My nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến về ứng dụng các tiến bộ KHKT mới trong nghiên cứu, chọn tạo giống. Ảnh: Trung Quân.
Gắn chặt nhà khoa học và doanh nghiệp trong chọn tạo giống
GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, việc thúc đẩy hợp tác giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, giữa nghiên cứu cơ bản và nhu cầu thực tiễn của sản xuất là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Để những công nghệ, sản phẩm mới nhanh chóng quay trở lại phục vụ sản xuất, phải có bàn tay của doanh nghiệp.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện đã ký hợp tác nghiên cứu, trao đổi vật liệu, phát triển chọn tạo giống, thử nghiệm, ứng dụng các tiến bộ KHCN với gần 200 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thú y… Những hợp tác này đã cung cấp cho thực tiễn sản xuất những thành tựu rất thiết thực, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam đánh giá, doanh nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng tại Việt Nam. Dữ liệu thống kê năm 2024 cho thấy, hơn 60% số giống được công nhận do các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và đề xuất, khẳng định vị trí then chốt của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.
Các doanh nghiệp hiện đang áp dụng chủ yếu các phương pháp truyền thống như lai hữu tính và chọn lọc phả hệ đối với giống lúa hoặc tạo dòng thuần, ứng dụng ưu thế lai đối với ngô, rau. Một số đơn vị đã bước đầu kết hợp công nghệ sinh học như lai trở lại và gây nhiễm nhân tạo nhằm cải thiện hiệu quả chọn tạo.
Doanh nghiệp có nhiều lợi thế so với khu vực công, bao gồm năng lực tài chính, cơ sở vật chất hiện đại, khả năng định hướng nghiên cứu linh hoạt theo nhu cầu thị trường, khả năng hợp tác với các viện, trường và tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với không ít thách thức do cơ chế chính sách chưa thực sự đồng bộ, thiếu nguồn gen quý, hạn chế nhân lực có trình độ chuyên sâu, thời gian nghiên cứu dài, chi phí cao, rủi ro do biến đổi khí hậu và thị trường, tình trạng sao chép giống gây ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp.

Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn PAN ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Trung Quân.
Vì thế, nhà nước cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ giống cây trồng. Trong đó, ưu đãi tài chính, cải cách pháp lý, phát triển hạ tầng nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ, nguồn gen tiên tiến.
Những chính sách này không chỉ giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu giống mới mà còn góp phần tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và BĐKH.
Trong khuôn khổ hội thảo, Tập đoàn PAN cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ nhằm gia hạn hoạt động hợp tác giữa Học viện và Tập đoàn từ năm 2023 với các nội dung: Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hợp tác phát triển quan hệ quốc tế và kết nối đối tác; tài trợ học bổng cho sinh viên.
Ngoài ra, Vinaseed - thành viên của Tập đoàn PAN cũng ký kết biên bản ghi nhớ với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long về hợp tác trong nghiên cứu phát triển, trình diễn và khảo nghiệm giống; nghiên cứu phát triển sản phẩm và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.