Theo đó, 80 cây chè shan được lựa chọn nằm tại 3 xã A Mú Sung (60 cây), Dền Sáng (5 cây) và Y Tý (15 cây).
Nguồn giống này có thời hạn sử dụng trong 10 năm kể từ ngày 18/4/2025. Theo quyết định, mỗi năm nguồn giống có thể cung cấp tối đa 130kg hạt và 55.000 hom giống. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bát Xát là đơn vị chủ quản và khai thác nguồn giống.

80 cây chè shan tại huyện Bát Xát vừa được công nhận là nguồn giống cây trồng lâm nghiệp. Ảnh: Kim Thoa.
Các cây chè shan được công nhận đã trải qua quá trình điều tra và chọn lọc kỹ lưỡng từ 103 cây trội dự tuyển. Việc đánh giá dựa trên các tiêu chí như đường kính, chiều cao, năng suất búp chè tươi, tỷ lệ ra hoa và đậu quả. Kết quả cho thấy 80 cây chè được lựa chọn có đặc điểm sinh trưởng vượt trội, phù hợp để nhân giống và phát triển vùng nguyên liệu chè.
Việc công nhận nguồn giống này là bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn và phát triển cây chè shan cổ thụ - đặc sản của vùng cao Lào Cai. Đồng thời, đây cũng là cơ sở khoa học để xây dựng các chương trình trồng rừng, phục hồi sinh thái và phát triển bền vững ngành chè tại địa phương.
Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát sẽ tổ chức chăm sóc, quản lý và khai thác nguồn vật liệu giống nhằm phục vụ hoạt động trồng rừng, nghiên cứu khoa học và nâng cao hiệu quả kinh tế. Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát sẽ phối hợp hướng dẫn, kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện theo đúng quy định.