| Hotline: 0983.970.780

Điện mặt trời nông nghiệp - cần lời giải cho bài toán kinh tế xanh

Thứ Hai 17/03/2025 , 06:16 (GMT+7)

CẦN THƠ Điện mặt trời nông nghiệp mở ra hướng đi mới cho hành trình Net Zero nhưng thực tế còn nhiều rào cản phát triển, từ chi phí đầu tư đến các quy định, chính sách.

Hiệu quả kinh tế vượt trội

Sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời trên cùng một diện tích đất (hay còn gọi là điện mặt trời nông nghiệp) được đánh giá là mô hình mang đến nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường.

Tại hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Hiện trạng và tiềm năng phát triển điện mặt trời nông nghiệp tại Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp (AMI) phối hợp với Viện Môi trường Nông nghiệp (IAE) tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây, ông Đỗ Huy Thiệp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp cho rằng, nhà đầu tư có thể thu lợi nhuận đáng kể từ cả hệ thống này. Nếu bán toàn bộ điện lên lưới điện, doanh thu có thể đạt trên 2 tỷ đồng/năm/MWp (xấp xỉ 1ha) tại những vùng có điều kiện thuận lợi. Đồng thời, lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp rất đa dạng, với những trang trại công nghệ cao có thể đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Điện mặt trời nông nghiệp đang là mô hình mang đến nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Ảnh: Kim Anh.

Điện mặt trời nông nghiệp đang là mô hình mang đến nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài ra, mô hình này còn giúp giảm chi phí điện cho những trang trại tiêu thụ nhiều năng lượng, đồng thời duy trì sinh kế và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, nhất là lao động nữ.

PGS.TS Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp cũng nhìn nhận, không gian nông nghiệp hiện đang bị lãng phí rất lớn. Nếu tận dụng kết hợp điện mặt trời, thu nhập của người dân sẽ tăng đáng kể.

Ông dẫn chứng, ở quy mô 400m2, nông dân có thể thu được 96 triệu đồng tiền điện/năm. Trong khi với diện tích này trồng 3 vụ lúa chỉ thu về khoảng 2,5 tấn lúa, lợi nhuận chỉ khoảng 7 triệu đồng (nếu lấy giá bán là 6.000 đồng/kg).

Từ năm 2021, IAE và AMI đã đồng nghiên cứu về hiện trạng và tiềm năng phát triển điện mặt trời nông nghiệp tại huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) – nơi có cường độ ánh sáng và năng lượng mặt trời cao nhất cả nước. Kết quả cho thấy, hiệu quả kinh tế sẽ khác nhau tùy theo mức độ đầu tư. Nếu chỉ sản xuất điện mặt trời, lợi nhuận trung bình khoảng 60 triệu đồng/năm, nhưng khi kết hợp với sản xuất nông nghiệp, thu nhập có thể lên tới 104,8 triệu đồng/năm.

Đáng chú ý, nghiên cứu còn ghi nhận kết quả bất ngờ khi một số cây trồng có năng suất tăng gấp đôi khi trồng dưới các tấm pin mặt trời nhờ hạn chế sâu bệnh, giúp nông sản sạch, đồng đều và có mẫu mã đẹp hơn.

Ngoài ra, mô hình này còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính đáng kể. Cụ thể, cây lúa phát thải khoảng 5 – 13 tấn CO2e/ha/vụ. Nếu chuyển sang cây trồng cạn, lượng phát thải có thể giảm tới 90%. Mặt khác, cây trồng cũng thích nghi tốt hơn với điều kiện biến đổi khí hậu.

Mô hình điện mặt trời nông nghiệp đang chứng minh được hiệu quả kinh tế cho các trang trại. Ảnh: Kim Anh.

Mô hình điện mặt trời nông nghiệp đang chứng minh được hiệu quả kinh tế cho các trang trại. Ảnh: Kim Anh.

Từ nghiên cứu này, các chuyên gia đã xác định được một số cây trồng, vật nuôi phù hợp, không chỉ cải thiện năng suất mà còn tối ưu hóa điều kiện môi trường.

Điển hình, điện mặt trời kết hợp trồng một số cây hàng năm, lâu năm, cây dược liệu, nấm (nấm ăn và nấm dược liệu) rất phù hợp. Đối với hoạt động chăn nuôi, các mô hình điện mặt trời nông nghiệp phổ biến là nuôi công nghiệp (gà, heo); nuôi thả và bán chăn thả; một số vật nuôi đặc thù (dế, trùn quế); nuôi lươn.

Cần chính sách mở rộng mô hình

Dù tiềm năng lớn và hiệu quả kinh tế cao, nhưng điện mặt trời nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức về chi phí đầu tư, ước tính công suất 1MWp trên 10 tỷ đồng.

Theo Nghị định 135/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, các trang trại chỉ có thể bán tối đa 20% sản lượng điện lên lưới điện, gây khó khăn trong việc thu hồi vốn.

Ông Đỗ Huy Thiệp kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ để nhân rộng mô hình theo từng nhóm nhu cầu sử dụng. Như các trang trại chăn nuôi đã có hệ thống chuồng trại và lắp đặt tấm pin mặt trời có thể áp dụng theo cơ chế điện mặt trời áp mái và chỉ được bán tối đa 20% công suất lắp đặt.

Ông Đỗ Huy Thiệp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp kiến nghị một số chính sách mở rộng mô hình điện mặt trời nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Ông Đỗ Huy Thiệp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp kiến nghị một số chính sách mở rộng mô hình điện mặt trời nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Còn với những trang trại sử dụng điện mặt trời theo hình thức mở, chưa chuyển đổi từ đất nông nghiệp, việc lắp đặt tấm pin mặt trời mà không sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp hiện nay pháp luật chưa cho phép hoạt động.

Theo ông Thiệp, nếu có cơ chế phù hợp, chủ trang trại chứng minh được việc lắp đặt những tấm pin mặt trời không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp phía dưới và vẫn có thể sản xuất năng lượng thì nhà nước sẽ yên tâm hơn trong việc cho phép xây dựng công trình như thế. Đồng thời cũng cần có cơ chế phù hợp để quản lý, cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp.

“Xây dựng các chính sách làm sao để đưa các mô hình điện nông nghiệp và mở rộng để đóng góp vào năng lượng quốc gia. Đặc biệt là chuyển đổi xanh, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, mục tiêu Net zero vào năm 2050 và tăng được giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất trong nông nghiệp”, ông Thiệp bày tỏ.

PGS.TS Mai Văn Trịnh cho biết thêm, các dự án liên quan đến điện mặt trời nông nghiệp cần đưa ra khuyến cáo mật độ, chiều cao đối với tấm pin là bao nhiêu để tối ưu cho sản xuất; nghiên cứu khả năng ứng dụng và vận hành cơ giới hóa.

Một yếu tố quan trọng nữa là môi trường dưới tấm pin cần được giám sát, đánh giá để tránh ảnh hưởng nếu ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi.

Một trang trại kết hợp mô hình điện mặt trời nông nghiệp ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang). Ảnh: KA.

Một trang trại kết hợp mô hình điện mặt trời nông nghiệp ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang). Ảnh: KA.

Đối với cây trồng, cần nghiên cứu để đưa ra các thông số lựa chọn nhà màng phù hợp với tấm pin mặt trời. Từ đó xác định mức đầu tư, loại cây phù hợp, chế độ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đi kèm.

Theo ông Nguyễn Thế Hinh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), điện mặt trời mang lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với làm nông nghiệp. Nhưng hiện nay vấn đề tranh chấp giữa đất nông nghiệp và điện mặt trời đang xảy ra. Các mô hình điện mặt trời kết hợp trồng trọt, chăn nuôi chủ yếu mang tính hình thức nhằm để bán điện lưới, chưa có tiêu chí để phân biệt, quản lý điện mặt trời nông nghiệp và điện mặt trời khác (mái nhà, công nghiệp).

Bên cạnh đó, qua khảo sát, đa số các trang trại làm điện mặt trời trước, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sau và nhiều mô hình gặp thất bại. Do đó, khi mở rộng phải giải quyết được vấn đề kỹ thuật, thiết kế trang trại trước khi làm điện mặt trời nông nghiệp.

Hiện nay, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nghiên cứu dự án canh tác nông nghiệp kết hợp kết hợp điện mặt trời. Dự án đã được phê duyệt và triển khai trong năm 2025 với kinh phí 3 triệu Euro do GIZ tài trợ và Việt Nam đóng góp 9 tỷ đồng.

Mục tiêu chính của dự án là tập trung điều tra hiện trạng chi tiết, hỗ trợ kỹ thuật, phục vụ trực tiếp cho các mô hình, đem lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương phát triển điện mặt trời nông nghiệp.

Xem thêm
Xây dựng thương hiệu yến Việt: [Bài 3] Chinh phục thị trường tỷ dân

Là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang dần trở thành thị trường 'vàng' cho sản phẩm yến sào Việt Nam.

Tuyên truyền rộng rãi ‘5 không’ phòng bệnh dại trên chó mèo

VĨNH LONG Tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người nuôi, đồng thời hướng đến xây dựng vùng an toàn bệnh dại trên chó, mèo.

Nghệ An đặt mục tiêu trên 400 nghìn tấn lương thực vụ hè thu - mùa

Dựa vào tình hình thực tế, ngành nông nghiệp Nghệ An phấn đấu hoàn thành mục tiêu 400.360 tấn lương thực tại vụ hè thu - mùa năm 2025.

Sản xuất cà phê sạch, bền vững

Dự án thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững, tập trung quản lý chất thải, nâng cao nhận thức nông dân sau gần 2 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Trà Vinh kiểm soát chặt tàu cá không đủ điều kiện hoạt động

Trà Vinh Đây là một trong những nội dung UBND tỉnh Trà Vinh vừa có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương triển khai thực hiện.

Quảng Ninh ban hành Chỉ thị mới về bảo vệ rừng

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.