Duy trì thói quen
Bà Nguyễn Thị Hòa (62 tuổi), xã Sơn Tiến, tỉnh Hà Tĩnh dù chỉ sống một mình nhưng ý thức trong việc bảo vệ môi trường, phân loại chất thải rắn tại nguồn không phải ai cũng làm được như bà.
Đều đặn hàng ngày, 3 thùng chứa rác (hữu cơ, khó phân hủy, tái chế) được vệ sinh sạch sẽ, đặt ngay ngắn cạnh khu vực giếng nước của gia đình. Lượng rác không nhiều nên thường 4 – 5 ngày bà đem rác thải hữu cơ ra vườn ủ làm phân bón cho rau màu hoặc cây ăn quả, còn rác tái chế gom lại bán đồng nát, kiếm thêm tiền mua mắm, mua muối. Riêng rác thải khó phân hủy được tổ hợp tác thu gom rác của thôn đến thu gom dịch vụ, đảm bảo không phát sinh bất kỳ loại chất thải rắn nào ra môi trường.

Việc duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần bảo vệ môi trường rất hiệu quả. Ảnh: Gia Hưng.
“Nhiều hôm nhà có giỗ chạp, con cháu về đông, vứt rác tứ tung. Tôi bắt các cháu nhặt về, đem phân loại vào đúng thùng chứa quy định. Tôi nghĩ việc phân loại rác tại hộ gia đình chỉ cần mỗi người tạo thành thói quen là sẽ bớt đi được rất nhiều lượng rác phải đem đi xử lý, tốn kém tiền của”, bà Hòa nói.
Tại xã Cẩm Bình, hoạt động phân loại rác tại nguồn được triển khai đến từng gia đình, từng khu dân cư trên địa bàn. Thông qua các đợt phát động của Hội Liên hiệp phụ nữ, số hộ gia đình tham gia phân loại và xử lý rác thải tại nguồn tăng lên rõ rệt theo từng năm. Riêng năm 2024, đã có hàng nghìn hộ thực hiện phân loại rác; xây dựng được một số mô hình xử lý rác hữu cơ tại điểm chợ và mô hình điểm tại các thôn.
Lãnh đạo xã Cẩm Bình cho hay, hoạt động phân loại rác thải tại nguồn là một nội dung nằm trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên xã sẽ triển khai đồng bộ, đảm bảo tính bền vững. Tuy nhiên, bây giờ đang giai đoạn đầu chính quyền hai cấp đi vào vận hành, sẽ có độ trễ nhất định.

Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, "cầm tay chỉ việc" của các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh đã thay đổi phần nào nhận thức của người dân trong việc phân loại rác thải. Ảnh: Gia Hưng.
Thời gian qua, sự vào cuộc tuyên truyền, “cầm tay chỉ việc” của Hội phụ nữ các cấp đã phần nào thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân trong việc phân loại rác. Vấn đề đặt ra bây giờ là phải tạo thành thói quen hàng ngày trong nhân dân. Đồng thời, xây dựng đồng bộ hạ tầng xử lý rác thải khó phân hủy. Tránh tình trạng, tại nguồn phân loại nhưng đơn vị thu gom lại gộp chung rác hữu cơ với rác khó phân hủy, rác tái chế.
77% số hộ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Ông Đặng Hữu Bình, Trưởng phòng Môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) Hà Tĩnh cho hay, phân loại rác tại nguồn là một trong những quy định bắt buộc thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm 3 loại gồm: tái chế, thực phẩm và chất thải khác còn lại.
Thông qua các chính sách hỗ trợ của tỉnh cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chuyên môn, chính quyền cấp cơ sở, những năm gần đây, mô hình phân loại rác tại nguồn đã triển khá hiệu quả tại khu dân cư, trường học của TP Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh (cũ). Khu vực nông thôn, tiêu biểu là các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân (cũ) với mô hình tổ tự quản về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và mô hình xử lý chất thải thực phẩm tập trung, quy mô cấp thôn.

Tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn cho người dân. Ảnh: Gia Hưng.
“Đến nay toàn tỉnh có trên 200.000 hộ có công trình, biện pháp xử lý chất thải thực phẩm tại hộ và 30 mô hình xử lý chất thải thực phẩm tập trung, đạt tỷ lệ khoảng 77% số hộ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; góp phần giảm khối lượng rác thải vận chuyển đến bãi xử lý khoảng 32% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và giảm 10-15% so với trước khi thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt”, ông Bình phấn khởi thông tin.
Theo ông, lâu nay Hà Tĩnh đã thực hiện các chính sách hỗ trợ theo hướng “trong nhà” như hỗ trợ thùng đựng rác, xe chở rác, kinh phí vận hành hợp tác xã thu gom rác…, còn ngoài đồng, ngoài vườn mang tính cộng đồng, lan tỏa, để người dân có vườn, thôn xóm có quỹ đất tự xử lý rác lại chưa có.
“Nếu hỗ trợ theo mô típ cũ dư địa đã hết. Chúng tôi đang tham mưu tỉnh xây dựng lại chính sách theo hướng áp dụng cơ chế “người gây ô nhiễm trả tiền” – thu phí thu gom, xử lý theo khối lượng chất thải rắn sinh hoạt không phân loại. Hỗ trợ chế phẩm, thiết bị xử lý rác hữu cơ quy mô hộ gia đình; ưu tiên bố trí vốn ngân sách để xây dựng điểm phân loại và xử lý rác tại cộng đồng.
Bởi nếu không để người dân, cộng đồng có quỹ đất tự xử lý rác thải theo hướng tuần hoàn, lượng rác thải phải đốt sẽ khó giảm. Mà còn đốt rác là còn “đốt tiền””, ông Bình phân tích.

Đồng thời hỗ trợ chế phẩm, hướng dẫn kỹ thuật xử lý thành phân bón hữu cơ, tái phục vụ sản xuất. Ảnh: Gia Hưng.
Khó khăn hiện nay, dù công tác tuyên truyền đã thực hiện thường xuyên nhưng nhận thức và thói quen của người dân vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật (thùng phân loại, xe thu gom riêng, trạm trung chuyển...) chưa đồng bộ. Đặc biệt, công tác giám sát phân loại chất thải rắn tại nguồn ở cấp xã còn thiếu nguồn lực, thiếu cơ chế.
“Trước mắt tới đây tỉnh sẽ lựa chọn các xã, phường có điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình phân loại tại nguồn điển hình, có sự hỗ trợ về tài chính, vật tư (thùng rác, túi phân loại...) để thực hiện thí điểm mô hình xác định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại làm cơ sở nhân rộng. Còn lâu dài cần sự đồng thuận, nâng cao ý thức của người dân. Chỉ khi nào bà con xác định việc phân loại rác là việc làm không thể thiếu thì lúc đó môi trường mới trong lành thực sự”, lãnh đạo Sở NN-MT nhấn mạnh.