| Hotline: 0983.970.780

Bỏ nghề thợ mộc vào rừng nuôi cá tầm

Thứ Năm 10/11/2022 , 09:05 (GMT+7)

QUẢNG NINH Ông Trần Văn Mạ (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) là người tiên phong nuôi cá tầm giữa núi rừng Khe San, sau lứa đầu đã gần thu hồi đủ vốn đầu tư.

Cá tầm là loài cá nước ngọt, chủ yếu được nuôi ở nơi có khí hậu mát mẻ, nguồn nước có nhiệt độ thấp. Ở huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), một người đàn ông dân tộc thiểu số đã tiên phong nuôi cá tầm thành công, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

z3856631181966_d72051f23773ec79a70f1e1d89081555

Ông Trần Văn Mạ dẫn phóng viên đến thăm mô hình nuôi cá tầm. Ảnh: Cường Vũ.

Từ đường quốc lộ vào khu nuôi cá trong rừng của ông Trần Văn Mạ (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) khoảng 5km nhưng đi lại rất vất vả vì đường hẹp, dốc và nhiều đá sỏi.  Được cán bộ xã dẫn đường, chúng tôi có chuyến hành trình băng suối, xuyên rừng với đủ các loại phương tiện từ ô tô cho đến xe máy, cuốc bộ để tới điểm nuôi giống cá nước lạnh đặc biệt này.

Đây là nơi ông Mạ mất khoảng một năm khảo sát, tìm kiếm vì có vị trí thuận lợi, cây cối bao bọc xung quanh giúp điều hòa không khí ở vùng núi rừng Khe San. Tại đây, người đàn ông dân tộc Sán Chỉ quyết định đào ao khởi nghiệp. Trên diện tích khoảng 7.000m2, 6 ao nước lớn hình thành theo mô hình bậc thang, mỗi ao rộng chừng 300m2, sâu hơn 1m. Trong đó, 5 ao được phủ bạt lót đáy nuôi cá, một ao để điều tiết nước. Số vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu đồng.

Đầu năm 2021, khoảng 6.700 con cá tầm giống dài hơn 10cm, có giá 25.000đ/con được nhập từ Sapa về thả vào ao. Tuy nhiên, việc nuôi loại cá này không hề dễ dàng. “Trước đây, tôi là thợ mộc đã hơn 20 năm, công việc vất vả mà không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày nên tôi quyết định chuyển sang nuôi cá tầm. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên cá chết liên tục, tôi đã phải lên Bình Liêu học hỏi cách làm để về áp dụng cho mô hình”, ông Mạ nhớ lại.

z3856630851003_f3c9f93dc8e9e3fe8b534037cc2eefa1

Mô hình nuôi cá tầm của ông Mạ gồm 5 ao nuôi được phủ bạt và có hệ thống xử lý nước để cá phát triển. Ảnh: Cường Vũ.

Qua quá trình học tập, ông Mạ nhận thấy ao cá của mình tuy có nguồn nước tươi mát nhưng chưa có hệ thống nước ra vào hợp lý. Nước không được thay liên tục khiến ao nhanh ô nhiễm, thiếu oxy.

Để khắc phục, ông Mạ đặt hệ thống ống dẫn sát đáy để nước ra vào theo hình thác nước. Nước từ trên suối sẽ luân chuyển liên tục vào các ao nuôi như thác tự nhiên, làm tăng lượng oxy trong nước và đảm bảo nhiệt độ từ 18 đến 27 độ C. Tạp chất được lắng lại ở ao nằm ở vị trí thấp nhất rồi mới tháo ra ngoài.

Dù có hệ thống lấy nước từ suối tự động nhưng ông Mạ cũng phải ăn ngủ tại căn nhà tạm cạnh ao nuôi để kịp thời xử lý khi có sự cố. Theo ông Mạ, khi trời mưa lớn, nước có thể bị đục. Lúc đó, phải lên đầu nguồn kiểm tra, cần thiết thì đóng ống lấy nước, nếu không ao cá sẽ bị bẩn. Hay khi trời nắng, nhiệt độ nước lên cao vượt ngưỡng cho phép, cá sẽ chết. Vì vậy, phải điều chỉnh ống để nước ra vào hồ nhanh hơn, giảm nhiệt độ trong ao.

Thức ăn chủ yếu cho cá là cám, giúp cá lớn nhanh và hạn chế được dịch bệnh. Sau hơn một năm, cá đã đạt từ 2 đến 3kg/con, có thể xuất bán. "Lứa đầu tiên tôi xuất bán được 2 tấn cá, với giá hơn 200.000đ/kg, thu về hơn 400 triệu đồng, gần đủ số vốn đã bỏ ra”, ông Mạ phấn khởi.

DSCF0947

Sau lứa đầu tiên, ông Mạ có thu nhập hơn 400 triệu đồng, xấp xỉ số vốn đầu tư ban đầu. Ảnh: Cường Vũ.

Hơn 1 năm nay, ngày cũng như đêm, ông Mạ một mình canh cá, cắm chốt tại trang trại, thi thoảng mới về nhà hoặc đón khách đến tham quan vì không tìm được nhân công có kinh nghiệm chăm sóc cá tầm.

"So với trồng rừng thì nuôi cá kinh tế hơn, thời gian thu hồi vốn nhanh. Hơn nữa, mô hình này cũng giúp tôi kết nối nhiều ý tưởng làm du lịch đã ấp ủ bấy lâu, từ đó phát triển kinh tế tại địa phương, tạo việc làm cho người dân. Đó là lí do khiến tôi quyết tâm nuôi cá tầm ở xã vùng cao, cũng chính là nơi chôn rau cắt rốn này", ông Mạ chia sẻ. 

Thời gian gần đây, người tìm đến đặt mua cá ngày càng nhiều nhưng ông Mạ chưa bán hết do mùa đông là thời điểm cá phát triển ổn định nhất. Bên cạnh bán buôn, ông Mạ đã xây một nhà sàn làm địa điểm bán các món ăn từ cá tầm do chính mình nuôi, phục vụ du khách đến thác Khe San, một điểm tham quan, du lịch trải nghiệm mới đang được nhiều người tìm đến.

Bà La Thị Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Dụ cho biết: “Xã đánh giá cao mô hình nuôi cá tầm và tư duy mạnh dạn làm du lịch của anh Trần Văn Mạ. Hi vọng sự tiên phong, mạnh dạn này sẽ tạo những điểm nhấn giúp địa phương phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch”.

Sắp tới, ông Mạ dự định sẽ nhập thêm 4.000 con cá tầm giống, đào thêm ao ở gần nhà hàng cho khách trải nghiệm quy trình nuôi cá và tự tay bắt cá lên chế biến món ăn. Bên cạnh đó, ông Mạ sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm nuôi cá tầm cho bà con dân tộc tại Tiên Yên, từ đó mở rộng các mô hình nuôi giống cá mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem thêm
Nuôi con đặc sản, thị trường ngách cho chăn nuôi nông hộ: [Bài 2] Trang trại gà Lượng Huệ lớn nhất Tây Ninh

Trang trại gà Lượng Huệ 'khủng' của gia đình anh Nguyễn Năng Cường ở thị trấn Tân Châu (Tây Ninh) là niềm mơ ước của nhiều nông hộ…

Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó và 50% bệnh viêm da nổi cục

QUẢNG BÌNH Trong 2025, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó, 50% vacxin viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trâu, bò.

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.