| Hotline: 0983.970.780

Bình Định xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai cho 1,5 triệu dân

Thứ Sáu 25/04/2025 , 19:05 (GMT+7)

Tỉnh Bình Định đã điều tra cơ bản toàn bộ nhà ở trên địa bàn, tạo ra bộ dữ liệu chất lượng, giúp phân loại các hộ theo khả năng ứng phó bão lũ.

Tại tọa đàm “Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) phối hợp Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai tổ chức, Cục Khí tượng Thủy văn và Báo Nông nghiệp và Môi trường phối hợp thực hiện sáng 25/4, tỉnh Bình Định đã chia sẻ thực tiễn nâng cao năng lực ứng phó thiên tai cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Tường Vĩ, chuyên viên Sở NN-MT Bình Định trao đổi tại tọa đàm 'Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng' ngày 25/4. Ảnh: Linh Linh. 

Ông Nguyễn Tường Vĩ, chuyên viên Sở NN-MT Bình Định trao đổi tại tọa đàm “Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng” ngày 25/4. Ảnh: Linh Linh. 

Các loại hình thiên tai thường xuất hiện ở Bình Định là áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, dông, sét, lốc, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, … Đặc biệt là loại hình thiên tai do bão, lũ, mưa lớn xảy ra hàng năm gây ra nhiều thiệt hại và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong tỉnh. 

Từ năm 1999 đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh, thiên tai đã làm 471 người chết, 355 người bị thương, 8.285 nhà bị sập, 363.313 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng. Tổng ước tính thiệt hại hơn 12.843 tỷ đồng.

Tỉnh Bình Định đã triển khai xây dựng hệ thống phòng chống thiên tai mang tính chiến lược và bài bản. Ông Nguyễn Tường Vĩ, chuyên viên Sở NN-MT tỉnh Bình Định cho biết, kế hoạch cấp tỉnh đã được xây dựng từ đầu năm 2022 và hoàn tất ngay trong năm.

Đầu tiên, địa phương đã tiến hành điều tra cơ bản toàn bộ nhà ở trên địa bàn tỉnh, thu thập dữ liệu bao quát dân số 1,5 triệu người trên toàn tỉnh. Đây là bộ dữ liệu chất lượng, phục vụ việc phân loại các hộ dân theo khả năng ứng phó với bão và lũ. 

Trong đó, đối với bão, nhà ở dân sinh được phân thành 4 nhóm theo mức độ an toàn và khả năng chống chịu của từng loại nhà. Hệ thống phòng chống thiên tai cũng được thiết lập theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, đảm bảo có lực lượng phòng chống tại thôn bản, thiết bị cần thiết, cơ sở vật chất đảm bảo.

Bình Định cũng đã điều tra các tuyến đường nguy hiểm, xây dựng 4 kịch bản ứng phó với bão và 3 kịch bản ứng phó với lũ. Các kịch bản này cho phép chủ động triển khai sơ tán người dân từ trước mùa mưa bão.

Phần mềm 'Quản lý thiên tai' ứng phó thiên tai giúp Bình Định số hoá dữ liệu gần 1,5 triệu người. 

Phần mềm "Quản lý thiên tai" ứng phó thiên tai giúp Bình Định số hoá dữ liệu gần 1,5 triệu người. 

“Khi có thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương sẽ ngay lập tức kích hoạt các kịch bản đã chuẩn bị, tổ chức sơ tán trực tiếp tại cơ sở, tổng hợp và báo cáo số liệu ngay trong ngày. Toàn tỉnh có thể theo dõi chính xác số lượng người được sơ tán, địa điểm tiếp nhận, lực lượng và phương tiện tham gia, cùng với kế hoạch hậu cần chi tiết”, ông Vĩ chia sẻ về hiệu quả ứng phó thiên tai.

Từ đó đến nay, tỉnh liên tục cập nhật, tổ chức tập huấn cho các hợp tác xã để bảo đảm năng lực triển khai thực tế. Dù trong những năm gần đây, Bình Định chưa phải đối mặt với các cơn bão hoặc đợt lũ lớn đến mức buộc phải sơ tán dân, tỉnh vẫn duy trì thế chủ động và sẵn sàng.

Trong tương lai, định hướng của tỉnh là khoanh vùng rủi ro đến từng hộ gia đình, giảm thiểu tối đa việc sơ tán trên diện rộng nhằm tránh gây xáo trộn không cần thiết. Hiện tỉnh đã thu thập thông tin từng hộ, nhưng vẫn cần thêm thời gian, kinh phí và nguồn lực để hoàn thiện việc gắn tọa độ chính xác cho từng hộ, tiếp tục mở rộng những kết quả đạt được từ giai đoạn khảo sát, điều tra ban đầu.

TS. Cao Đức Phát đề cao hệ thống dự báo thiên tai, quản lý ứng phó của tình Bình Định. Ảnh: Quỳnh Chi.

TS. Cao Đức Phát đề cao hệ thống dự báo thiên tai, quản lý ứng phó của tình Bình Định. Ảnh: Quỳnh Chi.

Lắng nghe chia sẻ của địa phương, TS. Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Quỹ phòng tránh thiên tai đề cao Bình Định là tỉnh tiên phong trong việc xây dựng kế hoạch cảnh báo sớm, chi tiết đến từng hộ gia đình.

Theo TS. Cao Đức Phát, những nỗ lực cụ thể của địa phương là ví dụ tốt về một hệ thống cảnh báo sớm “đa thiên tai”. Đây là kinh nghiệm mà các tỉnh có thể học tập, xây dựng dữ liệu làm cơ sở để chính quyền chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn người dân ứng phó thiên tai đến tận thôn, bản. 

Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030, có 80% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở an toàn; hoàn thành di dời ít nhất 70% các hộ dân sinh sống ở nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Với khu vực chưa thể di dời, được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp sơ tán, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai; 100% các khu vực ngầm tràn được giám sát và cảnh báo độ sâu nước ngập.

Xem thêm
Việt Nam bình luận thông tin quan chức Hoa Kỳ không dự kỷ niệm 30/4

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi về thông tin Hoa Kỳ yêu cầu các quan chức không dự các sự kiện Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.