Chiều 26/7, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã tới kiểm tra hoạt động vận hành của hệ thống chính trị tại xã Si Pa Phìn, tỉnh Điện Biên.
Cùng tham gia đoàn công tác có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: đồng chí Lê Minh Hưng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các Ủy viên Bộ Chính trị: đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí: Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và tỉnh Điện Biên.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm kiểm tra Trung tâm phục vụ hành chính công xã Si Pa Phìn, Điện Biên. Ảnh: TTXVN.
Vượt khó để xây dựng chính quyền gần dân
Si Pa Phìn là xã miền núi biên giới phía Tây Bắc tỉnh Điện Biên, cách trung tâm hành chính tỉnh gần 85 km. Địa bàn có trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Toàn xã hiện có 700 hộ nghèo (chiếm 35,02%) và 302 hộ cận nghèo (chiếm 15%). Thu nhập bình quân đầu người ước tính năm 2025 đạt 20,19 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, kinh tế - văn hóa - xã hội có chiều hướng phát triển tích cực. Các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ngay sau khi xã thành lập, Đảng ủy và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm phục vụ hành chính công xã Si Pa Phìn. Công chức được bố trí có trình độ chuyên môn tốt, thái độ phục vụ chuẩn mực, ưu tiên những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực cải cách hành chính.

Ngay sau khi xã mới được thành lập Đảng ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến các hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công xã Si Pa Phìn. Ảnh: TTXVN.
Trung tâm được đưa vào hoạt động từ ngày 1/7/2025, có sự hỗ trợ tích cực từ đoàn thanh niên, công an xã, bưu chính viễn thông. Hàng ngày, Trung tâm tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để báo cáo lãnh đạo UBND xã tháo gỡ hoặc kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.
Qua kiểm tra thực tế, đoàn công tác ghi nhận nỗ lực khắc phục khó khăn ban đầu của xã trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và tổ chức bộ máy vận hành. Cán bộ, công chức, viên chức tại Trung tâm đã cơ bản nắm vững quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp.
Đổi mới để phục vụ nhân dân tốt hơn
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, chuyến công tác nhằm kiểm tra việc thực hiện mô hình chính quyền hai cấp tại địa phương sau thời gian triển khai; đồng thời nắm bắt công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; và kiểm tra việc triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới.

Tổng Bí thư Tô Lâm đến thăm và tặng quà cho cộng đồng bản Tân Lập, xã Si Pa Phìn, tỉnh Điện Biên. Ảnh: TTXVN.
Sau khi trực tiếp kiểm tra tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Si Pa Phìn, Tổng Bí thư biểu dương nỗ lực của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng. Đồng chí nhấn mạnh: Hoạt động của chính quyền cấp xã không đơn thuần là công tác hành chính mà là bước chuyển quan trọng, thể hiện vai trò của chính quyền địa phương trong việc thay mặt Nhà nước triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện các nghị quyết và kết luận của Trung ương đến tận cơ sở.
Tổng Bí thư yêu cầu cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về vận hành hệ thống chính trị; rà soát toàn bộ nhiệm vụ, thủ tục hành chính để đảm bảo thông suốt, không để gián đoạn. Cần hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định nội bộ để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động hiệu quả. Đồng thời, đề nghị Ủy ban MTTQ và các sở, ngành phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ quá trình vận hành hệ thống chính trị cấp xã một cách đồng bộ, hiệu quả.
Chăm lo giáo dục, an sinh, không để ai bị bỏ lại phía sau
Đề cập nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư lưu ý chính quyền địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp của Trung ương và tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác giảm nghèo, chăm lo đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Bản Tân Lập có 136 hộ, 607 khẩu, chủ yếu là dân tộc Thái (Thái trắng) chiếm 80%, còn lại là dân tộc Kinh. Ảnh: TTXVN.
Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Tổng Bí thư khẳng định đây là nền tảng để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Trung ương đã chỉ đạo phát triển các mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tại các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa. Chủ trương đầu tư xây dựng Trường liên cấp Tiểu học – Trung học cơ sở tại các xã biên giới là đúng đắn, nhân văn, có tầm nhìn chiến lược, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với miền núi, vùng khó khăn.
Bộ Chính trị đã giao Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai chủ trương này. Trong đó, Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì rà soát, sửa đổi chính sách, bảo đảm học sinh xã biên giới được hưởng đầy đủ chế độ nội trú, bán trú phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án bố trí giáo viên, đào tạo giáo viên biết tiếng dân tộc, xây dựng chính sách phụ cấp phù hợp, khuyến khích nhân lực phục vụ tại vùng biên giới. Trung ương cũng khuyến khích các trường học trên toàn quốc kết nghĩa với các trường ở xã biên giới để tăng cường giao lưu, hỗ trợ.

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà cho cộng đồng bản Tân Lập, xã Si Pa Phìn, tỉnh Điện Biên. Ảnh: TTXVN.
Thăm, tặng quà đồng bào và gia đình chính sách
Tại Nhà Văn hóa bản Tân Lập, xã Si Pa Phìn, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà đồng bào dân tộc trong bản. Bản Tân Lập được thành lập trong quá trình sắp xếp dân cư tái định cư Thủy điện Sơn La từ năm 2002, chuyển về từ xã Chăn Nưa, huyện Mường Lay, tỉnh Lai Châu (nay là xã Lê Lợi, tỉnh Lai Châu).
Dân số bản gồm 136 hộ, 607 khẩu, chủ yếu là dân tộc Thái (chiếm 80%), còn lại là người Kinh. Hiện bản có 32 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo. Kinh tế dựa vào nông nghiệp với các hoạt động như cấy lúa nương, ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng bào đoàn kết, tương trợ nhau trong sản xuất và gìn giữ nét văn hóa truyền thống như múa xòe, ẩm thực, trang phục dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm đến thăm gia đình Chiến sĩ Điện Biên Vàng A Chảo (sinh năm 1929, thường trú bản Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn). Ảnh: TTXVN.
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Tổng Bí thư và đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà gia đình chiến sĩ Điện Biên Vàng A Chảo (sinh năm 1929, trú tại bản Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn) – thân phụ của liệt sĩ Vàng A Sìa, người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.