| Hotline: 0983.970.780

Dự án mở rộng nhà máy thuốc lá Cần Thơ ‘đứng yên’ 10 năm, do đâu?

Thứ Sáu 25/07/2025 , 07:45 (GMT+7)

Cần Thơ Việc mở rộng mặt bằng nhà máy thuốc lá của Vinataba – Philip Morris tại Cần Thơ ‘đứng yên’ 10 năm qua do vướng thủ tục pháp lý, khiến doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị.

Năm 2014, Công ty TNHH Vinataba – Philip Morris lập Dự án “Sản xuất thuốc lá điếu” tại phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ (nay là phường Cái Răng, TP. Cần Thơ). Dự án được triển khai trên quy mô trên 9.600 m2, gồm 2 phân xưởng sản xuất thuốc lá điếu để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, công suất tối đa lên đến 400 triệu bao/năm.

Doanh nghiệp này tiếp tục lên kế hoạch mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh thêm 20.000 m2 và đã được UBND TP. Cần Thơ (cũ) chấp thuận quy hoạch khu đất lân cận nhà máy sản xuất thuốc lá hiện hữu, tại Quyết định số 3337/QĐ-UBND ngày 10/11/2014.

Bà Nguyễn Thị Thu Hạnh, đại diện Công ty Vinataba - Philip Morris kiến nghị lãnh đạo TP. Cần Thơ quan tâm chỉ đạo để doanh nghiệp sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến kế hoạch mở rộng mặt bằng nhà máy sản xuất thuốc lá. Ảnh: Kim Anh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hạnh, đại diện Công ty Vinataba - Philip Morris kiến nghị lãnh đạo TP. Cần Thơ quan tâm chỉ đạo để doanh nghiệp sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến kế hoạch mở rộng mặt bằng nhà máy sản xuất thuốc lá. Ảnh: Kim Anh.

Đến giai đoạn 2015-2016, Vinataba – Philip Morris đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng, với tổng kinh phí hơn 18,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau 10 năm, đến nay việc mở rộng diện tích sản xuất vẫn “đứng yên”. Nguyên nhân được đại diện doanh nghiệp đưa ra là do gặp nhiều vướng mắc về thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thủ tục thuê đất cho phần diện tích mở rộng và việc cập nhật quy hoạch sử dụng đất.

Ngày 23/7, tại buổi họp mặt giữa lãnh đạo TP. Cần Thơ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Thu Hạnh, Kế toán trưởng Công ty Vinataba - Philip Morris kiến nghị lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo để doanh nghiệp sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý còn tồn tại, tạo điều kiện để dự án được triển khai.

Liên quan vấn đề này, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ lý giải, trước đây, TP. Cần Thơ (cũ) đã chỉ đạo UBND quận Cái Răng (nay đã giải thể) hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy trình, thủ tục pháp lý có liên quan. Tuy nhiên, thời điểm đó UBND quận có sơ suất trong việc thông qua Hội đồng nhân dân quận trong việc thu hồi đất, dẫn đến dự án kéo dài đến nay.

Vào tháng 4/2025, UBND TP. Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo UBND quận Cái Răng kiểm điểm, rút kinh nghiệm và thực hiện các thủ tục phù hợp với quy định của Luật Đất đai để doanh nghiệp sớm triển khai dự án.

Hiện nay khi thực hiện chính quyền 2 cấp, ông Sơn cho biết Sở sẽ kiến nghị UBND TP. Cần Thơ giao thẩm quyền cho UBND phường Cái Răng tiếp tục thực hiện các nội dung trên.

Dự án 'Sản xuất thuốc lá điếu' của Vinataba – Philip Morris đặt tại phường Cái Răng (TP. Cần Thơ). Ảnh: Kim Anh.

Dự án “Sản xuất thuốc lá điếu” của Vinataba – Philip Morris đặt tại phường Cái Răng (TP. Cần Thơ). Ảnh: Kim Anh.

Giám đốc Sở Công thương thông tin thêm, Vinataba - Philip Morris đang xin chủ trương đầu tư thêm Dự án thuốc lá nung nấu, với tổng vốn đầu tư khoảng 90 triệu USD. Tuy nhiên, dự án này lại đang vướng thủ tục từ Trung ương, Sở Công thương sẽ phối hợp với doanh nghiệp và các ngành chức năng tham mưu cho UBND TP. Cần Thơ để hỗ trợ thủ tục giúp doanh nghiệp triển khai dự án.

Theo quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Sản xuất thuốc lá điếu” của Công ty TNHH Vinataba – Philip Morris, doanh nghiệp dự kiến sản lượng tiêu thụ thuốc lá bình quân đạt 118 triệu bao/năm; doanh thu hợp nhất bình quân trên 900 tỷ đồng/năm; lợi nhuận trước thuế bình quân 50,5 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động là 19 triệu đồng/người/tháng…

Vinataba - Philip Morris đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cho giai đoạn 2025-2029 với mức tăng trưởng bình quân kép từ 4,11-11,8%.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng chỉ rõ, trong giai đoạn vận hành, bụi thuốc phát sinh chủ yếu ở công đoạn vấn điếu, với khối lượng trên 126 kg/ngày; phương thức xả thải của doanh nghiệp là xả cưỡng bức, nhờ quạt hút thổi ra ngoài.

Xem thêm

Bình luận mới nhất