Chiều 25/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, đồng thời quyết liệt thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Với chủ trương lấy phương châm hành động “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”, toàn ngành Nông nghiệp và Môi trường đã bước vào năm 2025 với khí thế mới, quyết tâm cao. Sáu tháng đầu năm, ngành ghi nhận những con số tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào kinh tế đất nước và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Ảnh: Tùng Đinh.
Theo báo cáo, tốc độ tăng giá trị gia tăng toàn ngành nông lâm thủy sản (NLTS) đạt 3,84% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,51%; lâm nghiệp tăng 7,42%; thủy sản tăng 4,21%. Đây là mức tăng trưởng cao thứ hai trong giai đoạn 2021-2025, cơ bản đạt mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt 9,83 tỷ USD, tăng 16,3% và cao hơn mức xuất siêu chung của nền kinh tế (7,63 tỷ USD).

6 tháng đầu năm 2025, xuất siêu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt gần 10 tỷ USD, lập kỷ lục và vượt kỳ vọng.
Chủ động, linh hoạt, quyết liệt từ đầu năm
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngay từ những ngày đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nhanh chóng triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Chương trình hành động của Bộ tập trung đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên mọi lĩnh vực, từ ổn định tổ chức bộ máy sau sắp xếp đến chủ động phản ứng chính sách trước những biến động trong nước và thế giới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến thông tin, 6 tháng đầu năm 2025, các ngành hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5%. Ảnh: Tùng Đinh.
Các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội được thực hiện kỹ lưỡng. Công tác mở rộng thị trường xuất khẩu, duy trì thế mạnh nông lâm thủy sản tại các thị trường truyền thống tiếp tục là trọng tâm chỉ đạo điều hành.
Trong cải cách thể chế, chính sách, Bộ đã phân cấp 489/630 thủ tục hành chính (TTHC) cho địa phương, tương đương 77,62%. Tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh đề xuất cắt giảm là 277/846 (32,74%); thời gian giải quyết TTHC đề xuất cắt giảm 5.735/16.667 ngày (34,41%); chi phí tuân thủ đề xuất cắt giảm 5.086/9.702 tỷ đồng (52,42%).
Bộ cũng chủ động hội nhập, tham gia hiệu quả vào các cơ chế hợp tác quốc tế, triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Các lĩnh vực sản xuất nông lâm thủy sản phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu. Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu được triển khai đồng bộ. Nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường nước, không khí, xử lý chất thải sinh hoạt, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm đã được triển khai quyết liệt. Năng lực dự báo, cảnh báo thời tiết cực đoan tiếp tục được nâng cao, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, phòng chống thiên tai hiệu quả.
Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong 6 tháng cuối năm, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nghị quyết, luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình hành động với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, minh bạch, tích hợp đa giá trị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chiều 25/7. Ảnh: Tùng Đinh.
Một trong những trọng tâm lớn là tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030. Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết mới; xây dựng dự thảo Nghị quyết Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và Khoáng sản; xây dựng dự án Luật sửa đổi một số luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường nhằm thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Bộ cũng tập trung hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia; trình Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030 tại kỳ họp tháng 10/2025.
Song song với đó, các đoàn công tác sẽ tiếp tục được tổ chức để tháo gỡ kịp thời các khó khăn tại địa phương trong quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Công tác rà soát tài nguyên, cơ cấu ngành hàng sẽ được thực hiện phù hợp với không gian phát triển mới.
Về tổ chức bộ máy, ngành phấn đấu hoàn thành sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ; xử lý chế độ, chính sách cho cán bộ có nguyện vọng nghỉ chế độ theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP.
Tập trung tăng trưởng, khơi thông thị trường
Toàn ngành đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch tăng trưởng và kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản năm 2025. Trong đó, tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển lúa gạo chất lượng cao, đặc sản, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị.

Lãnh đạo các địa phương tham dự Hội nghị. Ảnh: Khương Trung.
Công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được tăng cường, hướng đến mở rộng thị trường Halal, Trung Đông, châu Mỹ… Cùng với đó là hỗ trợ các địa phương kết nối tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch qua các kênh phân phối hiện đại, sàn thương mại điện tử.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng theo dõi sát diễn biến việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam, xây dựng kịch bản, giải pháp ứng phó linh hoạt.
Dựa trên kết quả 6 tháng đầu năm, Bộ đang cập nhật kịch bản tăng trưởng cho quý III, quý IV và cả 6 tháng cuối năm, trong đó đề xuất các giải pháp đột phá, khả thi, hiệu quả. Đồng thời, chuẩn bị kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2026-2030.
Đẩy mạnh giải ngân, chuyển đổi số, đào tạo nghề
Ngành xác định giải ngân đầu tư công là chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, Bộ sẽ nghiên cứu giao chỉ tiêu giải ngân hàng tháng, hàng quý đến từng chủ đầu tư, bảo đảm thủ tục pháp lý, hiệu quả, chất lượng.
Đặc biệt, ngành sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các Nghị quyết “bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị (số 57, 59, 66, 68), tập trung tháo gỡ rào cản về thể chế, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nông nghiệp và môi trường. Công tác đào tạo nghề cho nông dân được chú trọng theo nhu cầu thị trường, doanh nghiệp.
Bộ cũng hướng tới xây dựng chính phủ số, nông nghiệp số, số hóa dữ liệu tài nguyên môi trường, hình thành nền tảng dữ liệu lớn như bản đồ địa lý, đất đai, viễn thám, tạo nền móng cho kinh tế số ngành Nông nghiệp và Môi trường.
Ngành cam kết thực hiện đầy đủ các nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước theo chương trình, kế hoạch đã đề ra, tiếp tục giữ vững vai trò là một trong những trụ cột của nền kinh tế và là lực lượng nòng cốt trong phát triển bền vững.
*Hội nghị cũng nghe các báo cáo tham luận của các đơn vị trực thuộc và các địa phương, Báo Nông nghiệp và Môi trường sẽ cập nhật tại các bản tin sau.