| Hotline: 0983.970.780

Từ kinh nghiệm năm 2024, củng cố thế trận phòng chống thiên tai trong năm 2025

Thứ Năm 24/07/2025 , 17:05 (GMT+7)

Sau một năm thiên tai dồn dập, công tác phòng chống thiên tai năm 2025 đặt trọng tâm vào chủ động từ cơ sở, nâng năng lực ứng phó, bảo vệ an toàn người dân.

Hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ sở

Sau một năm 2024 được đánh giá là khốc liệt bậc nhất trong nhiều năm gần đây về thiên tai, công tác phòng chống thiên tai năm 2025 khởi đầu với tâm thế khác. Đó là chủ động hơn, bài bản hơn và lấy bài học từ chính những mất mát để không lặp lại.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão Wipha tại Ninh Bình ngày 21/7. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão Wipha tại Ninh Bình ngày 21/7. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phát biểu tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, theo dự báo khí tượng năm 2025, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 8 - 11 cơn bão, trong đó có 3 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lũ chính vụ tại khu vực Trung Bộ và Bắc Bộ có khả năng ở mức báo động 2 - 3, thậm chí cao hơn. Mưa lớn, ngập úng đô thị, sạt lở đất tại các vùng đồi núi… là những nguy cơ luôn hiện hữu.

“Năm 2024, cả nước trải qua thiên tai hết sức phức tạp, với 16/22 loại hình đã xảy ra. Đặc biệt, có thời điểm chỉ trong 3 tháng cuối năm, cả nước hứng chịu liên tiếp ba cơn bão mạnh. Điều này đòi hỏi chúng ta phải rút kinh nghiệm sâu sắc và chuẩn bị từ sớm, từ cơ sở”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng chống thiên tai, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp vừa được sắp xếp. Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sẽ tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với thực tiễn.

Song song đó là việc kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, đặc biệt là cấp xã, nơi trực tiếp chỉ huy, ứng phó ban đầu. Các địa phương được yêu cầu rà soát, cập nhật đầy đủ kế hoạch, phương án, quy chế hoạt động để khi thiên tai đến, không rơi vào bị động.

“Cấp xã là lực lượng ứng cứu đầu tiên. Nếu không nâng cao năng lực, không có kế hoạch cụ thể cho từng kịch bản, thiệt hại sẽ rất khó lường”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Thế trận phòng chống thiên tai từ cơ sở

Một tinh thần chủ đạo xuyên suốt năm 2025 là xây dựng và vận hành hiệu quả “thế trận phòng chống thiên tai toàn dân”, lấy người dân là trung tâm, cấp xã là nền tảng. Các địa phương được yêu cầu xây dựng kịch bản sát thực tế, gắn với đặc điểm địa hình, dân cư, cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng đến các tình huống vượt thiết kế như mưa lũ đặc biệt lớn, hồ đập xả tràn khẩn cấp hay ngập lụt đô thị kéo dài.

“Phải thực sự sát dân, sát thực tiễn. Kịch bản ứng phó không thể làm chung chung. Bài học từ bão số 3 năm ngoái cho thấy, những nơi làm tốt phương án thì dù bão mạnh vẫn hạn chế được thiệt hại,” Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý.

Tinh thần chủ đạo xuyên suốt năm 2025 là xây dựng và vận hành hiệu quả 'thế trận phòng chống thiên tai toàn dân'. Ảnh: Bảo Thắng.

Tinh thần chủ đạo xuyên suốt năm 2025 là xây dựng và vận hành hiệu quả “thế trận phòng chống thiên tai toàn dân”. Ảnh: Bảo Thắng.

Cùng với đó là yêu cầu nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo. Các đơn vị chuyên môn đang tiếp tục đầu tư hệ thống giám sát mưa, giám sát nước, bản đồ cảnh báo rủi ro đến tận cấp xã. Ứng dụng công nghệ như ảnh vệ tinh, trí tuệ nhân tạo và máy bay không người lái cũng sẽ được đẩy mạnh trong năm nay.

“Dự báo phải đến được người dân, đúng thời điểm, dễ hiểu và có hành động đi kèm. Cảnh báo mà không có hành động thì cũng vô nghĩa,” Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho hay.

Đồng thời, công tác truyền thông cũng được đổi mới theo hướng đa nền tảng, tăng tính tương tác. Những lớp tập huấn, diễn tập về kỹ năng ứng phó thiên tai sẽ được tổ chức đến tận cộng đồng dân cư, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ cao như vùng ven sông suối, đê điều yếu, khu vực trũng thấp.

Trong công tác khắc phục hậu quả, nhiều công trình đê điều, hồ đập, đường giao thông, kênh mương bị thiệt hại do thiên tai năm trước đang được Bộ, ngành và địa phương phối hợp sửa chữa. Tinh thần là khẩn trương, hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ trước mùa mưa lũ chính vụ năm nay.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặc biệt chú trọng đến công trình hồ chứa lớn như Thác Bà, Bản Vẽ, Tuyên Quang, những nơi đã có bài học lớn sau trận mưa lũ cuối năm 2024. Việc vận hành liên hồ chứa sẽ tiếp tục được kiểm tra, diễn tập sát thực tế để tránh tình trạng bất ngờ khi mưa lớn dồn dập.

“Chúng ta không thể để thiên tai xảy ra rồi mới chạy theo khắc phục. Phòng chống thiên tai phải đi trước một bước, đó không chỉ là quan điểm chỉ đạo mà còn là hành động cụ thể, là trách nhiệm của toàn hệ thống”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Xem thêm

Bình luận mới nhất