Phòng ngừa từ sớm, từ xa
Nhìn lại năm 2024, hiếm có năm nào thiên tai lại xuất hiện với tần suất và mức độ dữ dội như thế. Hết bão lại đến áp thấp, từ mưa lớn đến dông lốc, rồi lũ lụt, sạt lở, rét hại, hạn mặn và thậm chí cả động đất.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, cả nước đã phải hứng chịu 10 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới, hàng trăm trận mưa lớn, lũ, dông lốc, sét, mưa đá và 472 trận động đất. Nhiều đợt thiên tai diễn ra trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về người với 519 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế lên tới hơn 91.600 tỷ đồng.
Bài học lớn nhất được rút ra từ năm 2024 chính là sự chủ động. Ngay từ đầu năm, các bộ, ngành và địa phương đã tập trung triển khai nhiều chương trình, kế hoạch lớn về phòng ngừa thiên tai, đặt nền móng cho hành động sớm, giảm thiểu rủi ro.

Mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 (Yagi) hồi tháng 9/2024 gây thiệt hại không nhỏ cho huyện Phú Bình cũ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Hiếu.
Các trạm đo mưa tự động tiếp tục được lắp đặt bổ sung, nâng tổng số lên hơn 2.700 trạm trên toàn quốc. Những cơn mưa, dòng lũ, biến động bất thường của thời tiết đã được cảnh báo sớm hơn, chính xác hơn giúp người dân và chính quyền có thêm thời gian để chuẩn bị.
Cùng với đó, công tác truyền thông về phòng, chống thiên tai được đẩy mạnh với nhiều hình thức sáng tạo, hấp dẫn, gần gũi với người dân. Gần 165.000 tin bài được đăng tải trên các phương tiện truyền thông; hàng triệu tin nhắn SMS và Zalo gửi đến điện thoại người dân vùng nguy cơ, báo trước từng đợt mưa lũ, từng cơn gió mạnh.
Đặc biệt, truyền thông hướng đến trẻ em được thực hiện bài bản, sinh động qua truyện tranh, phim hoạt hình, các cuộc thi vẽ, thi kiến thức... giúp kiến thức phòng tránh thiên tai dần trở thành một phần trong hành trang lớn lên của thế hệ tương lai.
Không chỉ trong nước, Việt Nam cũng chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, từ chia sẻ kinh nghiệm tại các diễn đàn ASEAN đến hỗ trợ khắc phục động đất ở Myanmar. Những hệ thống cảnh báo trượt lở đất, đập sabo thí điểm được triển khai ở miền núi phía Bắc, giúp giảm rủi ro tại những điểm thường xuyên bị đe dọa.
Khi bão đến, không ai bị bất ngờ
Trong bất kỳ cơn bão hay trận lũ nào, điều quan trọng nhất là khả năng ứng phó nhanh, chính xác và có tổ chức. Năm 2024, điều đó đã được thể hiện rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh bão số 3 (bão Yagi) và trận mưa lũ lịch sử sau bão quét qua miền Bắc.
Ngay khi có dấu hiệu thiên tai, các lực lượng trực ban 24/24, dự báo liên tục, lập kịch bản ứng phó theo từng cấp độ và tình huống. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã kịp thời chỉ đạo vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, trong đó có hồ Thác Bà, góp phần giảm lũ cho hạ du và đảm bảo an toàn công trình đầu nguồn.
Mưa lũ sau bão đã khiến mực nước tại nhiều tuyến sông lớn như Thao, Đáy, Trà Lý, Ninh Cơ… vượt báo động 3. Hà Nội cũng ghi nhận mực nước sông Hồng cao nhất trong vòng 20 năm. 805 sự cố đê điều xảy ra, với nhiều điểm đặc biệt nguy hiểm nhưng đã được kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ giờ đầu nhờ lực lượng tuần tra, ứng trực dày đặc. Nhờ đó, hệ thống đê điều vẫn đứng vững, bảo vệ an toàn cho vùng đồng bằng Bắc Bộ đông dân cư.
Vực dậy sau thiên tai
Khi bão tan, không khí tang thương và đổ nát phủ khắp những vùng tâm lũ. Nhưng cũng từ đó, những dòng người, chuyến xe, bao gạo, thùng mì, túi hàng cứu trợ đã nhanh chóng lên đường. Đảng, Nhà nước, Chính phủ không chỉ chỉ đạo quyết liệt mà còn trực tiếp có mặt tại hiện trường, cùng với bà con khôi phục sản xuất, dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư thăm hỏi, trực tiếp đến vùng lũ thị sát, động viên đồng bào và chỉ đạo khắc phục hậu quả. Chính phủ ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP với những giải pháp phục hồi rõ ràng, kịp thời, hiệu quả.

Ngay sau khi thiên tai đi qua, đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân được ban hành. Ảnh: Phạm Hiếu.
Nguồn lực hỗ trợ được huy động ở quy mô lớn chưa từng có, 5.500 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, hơn 1.000 tấn gạo, hàng trăm tấn giống, hóa chất khử trùng, hàng ngàn suất quà, phương tiện cứu hộ… và đặc biệt là hơn 2.700 tỷ đồng quyên góp từ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân khắp cả nước. Tình người lan tỏa từ khắp nơi, cùng nhau hướng về đồng bào vùng lũ.
Việt Nam cũng nhận được trên 25 triệu USD hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, trong đó có 222 tấn hàng cứu trợ được chuyển đến tận tay người dân. Sự sẻ chia vượt biên giới, góp phần giúp những vùng quê kiệt quệ bởi thiên tai có thêm hy vọng hồi sinh.
Thử thách lớn khi thiên tai vượt dự đoán
Dù đã có nhiều nỗ lực và kết quả đáng ghi nhận, thực tế thiên tai năm 2024 cũng cho thấy những tồn tại chưa dễ gì xóa bỏ trong một sớm một chiều.
Thiệt hại về người và kinh tế vẫn còn rất lớn. Không ít vụ việc đau lòng xảy ra khi người dân không kịp sơ tán, hoặc cố tình di chuyển qua những điểm đã được cảnh báo nguy hiểm như lưu thông qua ngầm tràn, ở lại trên tàu thuyền khi có gió bão, hay chủ quan trước biển báo lũ quét, sạt lở. Những mất mát ấy không chỉ khiến công tác cứu hộ thêm gian nan, mà còn gióng lên hồi chuông về tính tuân thủ trong phòng, tránh thiên tai.
Trang thiết bị, phương tiện phục vụ cứu hộ, cứu nạn ở nhiều nơi vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu trong những tình huống khẩn cấp, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa hay trong điều kiện thời tiết cực đoan. Khi các khu vực bị chia cắt bởi nước lũ, sạt lở hoặc mất liên lạc do hệ thống điện viễn thông bị bão đánh sập như ở một số tỉnh ven biển sau cơn bão số 3 Yagi, công tác tiếp cận cứu hộ trở nên vô cùng khó khăn.
Nỗi lo lớn hơn còn đến từ khả năng chống chịu của các công trình phòng, chống thiên tai. Các tuyến đê biển hiện nay chủ yếu được thiết kế để chống chịu bão cấp 9-10, nhưng thực tế lại phải đối mặt với sức gió vượt ngưỡng cấp 12, giật trên cấp 14. Hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, viễn thông, giao thông vẫn dễ dàng tổn thương khi có thiên tai lớn.

Thiên tai làm thiệt hại lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Ảnh: Phạm Hiếu.
Một thách thức khác là việc xây dựng và cập nhật các phương án phòng, chống thiên tai ở một số địa phương còn chưa sát với thực tiễn, thiếu kịch bản cho các tình huống cực đoan như những gì đã diễn ra với bão số 3 Yagi. Sau thiên tai, tiến độ khắc phục hạ tầng bị hư hại cũng còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân.
Đáng lưu ý, dự báo và cảnh báo thiên tai, đặc biệt là những hiện tượng cục bộ như mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, lốc xoáy… vẫn còn khoảng trống về độ chi tiết, thời gian cảnh báo và độ tin cậy ở cấp độ thôn, bản.
Những cảnh báo như gió giật cực mạnh trong bão Yagi chưa sát thực tế tại một số địa phương, khiến việc ra quyết định sơ tán hay ứng phó kém hiệu quả. Việc chưa có bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở chi tiết cũng gây khó khăn cho cả chính quyền và người dân trong việc chủ động di dời, tái định cư, bảo vệ an toàn dân sinh.
Năm 2024 ghi dấu một bước chuyển lớn về thể chế khi Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai chấm dứt hoạt động và Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 1/7. Trong giai đoạn chuyển giao quan trọng này, Chính phủ đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo để đảm bảo không có khoảng trống trong công tác phòng, chống thiên tai, điều hành vẫn thông suốt, hiệu quả, không để bất cứ người dân nào bị bỏ lại phía sau.