Điểm nghẽn trong nhiều năm
Tại Báo cáo số 12/BC-UBND gửi Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp và Môi trường ngày 24/7, UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất một loạt giải pháp ứng phó và phục hồi sau bão số 3 (Wipha). Trong đó, nổi bật là kiến nghị xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ sông Hoàng Long, vốn tồn tại nhiều thập kỷ với vai trò làm “vùng đệm” khi lũ lớn đổ về.
Vùng phân lũ này trải dài qua các xã trũng thấp thuộc huyện Gia Viễn và Nho Quan trước đây, có nhiệm vụ đón dòng nước tràn khi sông Hoàng Long vượt báo động. Nhờ đó, các khu vực phía hạ du và các khu công nghiệp được giảm áp lực lũ, tránh thiệt hại diện rộng.

Nước sông Hoàng Long dâng cao trong đợt bão Yagi hồi 2024. Ảnh: Báo Ninh Bình.
Tuy nhiên, hệ quả là hàng nghìn hộ dân trong vùng “hy sinh” này phải sống trong điều kiện dễ ngập, đất sản xuất khó phát triển, cơ sở hạ tầng xuống cấp và rủi ro luôn thường trực.
Trong đợt bão Wipha vừa qua, dù chủ động ứng phó, hơn 41.000 ha lúa ở Ninh Bình vẫn bị ngập úng, trong đó có trên 17.000 ha ngập trắng, chủ yếu nằm ở khu vực đồng bằng ven sông Hoàng Long. Một số diện tích chưa thể rút nước sau nhiều ngày. Dù đã quen với việc “ngập từ trong quy hoạch”, các xã ven sông vẫn lo lắng về thiệt hại mùa màng, bệnh dịch sau lũ.
Nhằm hướng tới một giải pháp căn cơ, lâu dài, tỉnh Ninh Bình tính đến việc quy hoạch lại vùng phân lũ, chậm lũ tại hạ lưu sông Hoàng Long. Theo đó, UBND tỉnh kiến nghị xóa bỏ vùng này, gắn liền với việc nâng cấp hạ tầng thủy lợi, củng cố hệ thống đê điều, đẩy nhanh dự án đê biển Bình Minh 4 giai đoạn 2 và hiện đại hóa các trạm bơm tiêu lớn.
Tỉnh cho rằng, khi các phương tiện kỹ thuật đã đủ mạnh để chủ động kiểm soát lũ, việc duy trì vùng ngập cố định sẽ không còn cần thiết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thủy lợi, xóa bỏ vùng phân lũ là một quyết định phức tạp, cần đánh giá toàn diện về dòng chảy, địa hình, hạ tầng đê điều, cũng như tác động lan tỏa đến các khu vực xung quanh.
Là một phụ lưu của sông Đáy, sông Hoàng Long bắt nguồn từ vùng núi Nho Quan, chảy qua Gia Viễn, Hoa Lư rồi đổ ra sông Đáy tại khu vực xã Khánh Thiện. Dòng sông gắn liền với các công trình thủy lợi như cống, trạm bơm và đập tràn Đức Long, giữ vai trò chủ chốt trong kiểm soát lũ cho khu vực, đồng thời là tuyến tiêu thoát chính cho vùng đồng bằng Ninh Bình.
Trong nhiều năm, vùng phân lũ sông Hoàng Long là điểm nghẽn trong phát triển nông thôn tại Ninh Bình. Các xã nằm trong vùng này thường không được quy hoạch xây dựng ổn định, khó thu hút đầu tư, và người dân thường xuyên phải sơ tán khi mưa bão lớn.
Bão Wipha năm nay tuy không gây thiệt hại về người tại Ninh Bình, nhưng tiếp tục đặt ra câu hỏi về vùng phân lũ này. Nếu được xem xét, đây sẽ là một thay đổi lớn trong quy hoạch thủy lợi quốc gia, không chỉ tác động đến địa phương mà còn đặt ra yêu cầu mới trong cách tiếp cận quản lý thiên tai ở đồng bằng Bắc bộ, chuyển từ “ứng phó bị động” sang “kiểm soát chủ động”.

Bão Wipha gây mưa lớn nhưng hệ thống đê điều tại Ninh Bình vẫn vững vàng, không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Ảnh: Phạm Hiếu.
Chính quyền cấp xã còn bối rối với mô hình hai cấp
Ngoài đề xuất về vùng phân lũ Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình cũng kiến nghị Trung ương ưu tiên đầu tư đồng bộ hệ thống đê điều ven biển, nâng cấp các công trình thủy lợi, trong đó có dự án đê biển Bình Minh 4 giai đoạn 2, nhằm củng cố khả năng kiểm soát lũ chủ động, giảm phụ thuộc vào các vùng phân lũ thụ động như hiện nay.
Địa phương cũng mong muốn được Trung ương quan tâm, đầu tư cải tạo nhà đo sóng Thịnh Long, bổ sung trang thiết bị phòng chống thiên tai và từng bước nâng cấp hạ tầng để loại bỏ hoàn toàn vai trò "vùng hy sinh" của một số khu vực ven sông và ven biển, vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các cơn bão mạnh như Wipha vừa qua.
Báo cáo về thiệt hại sản xuất nông nghiệp, tính đến 13h ngày 24/7 cho thấy, hàng nghìn hecta cây ăn quả, cây lâu năm và khu nuôi trồng thủy sản chịu thiệt hại nặng do nước lũ dâng nhanh, bên cạnh diện tích trồng lúa. Gần 1.200 người ở các khu dân cư xuống cấp và khu nuôi trồng ven sông, ven biển đã phải sơ tán khẩn cấp.
Một số tuyến đê xung yếu đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, như tuyến đê cửa sông Tả Ninh tại xã Hải Thịnh, đê Nam Quần Liêu hay đê Lộ Xuyên (Ninh Giang). Trong khi đó, tại khu du lịch Quất Lâm, phần mái kè bị sạt sập do sóng lớn kết hợp triều cường. Chính quyền địa phương đã huy động toàn bộ lực lượng dân quân, công an, quân đội khẩn trương xử lý.
Một điểm nghẽn khác được Ninh Bình thẳng thắn chỉ ra trong báo cáo, là sự lúng túng trong chỉ đạo tại cấp xã, xuất phát từ việc mô hình chính quyền hai cấp mới đi vào hoạt động. Khi cấp huyện không còn, trách nhiệm điều phối trực tiếp trong ứng phó thiên tai dồn về cho cấp xã - nơi lực lượng mỏng, phương tiện hạn chế, trong khi các tình huống khẩn cấp như bão lũ lại đòi hỏi phản ứng cực kỳ nhanh và phối hợp liên ngành chặt chẽ.
Tỉnh thừa nhận, dù đã tổ chức họp trực tuyến tới 129 xã, phường và phân công cụ thể các thành viên trong ban chỉ huy phụ trách từng địa bàn, vẫn có nơi bối rối trong khâu tổ chức sơ tán, vận hành cống tiêu, phối hợp cứu hộ.
Sau bão, công tác khắc phục được triển khai khẩn trương. Các trạm bơm tiêu úng vận hành liên tục để cứu lúa và cây trồng, điện lực và viễn thông đã được khôi phục, giao thông thông suốt. Những điểm sạt lở lớn đã được rào chắn, cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh sau lũ với đàn vật nuôi đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh.