| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ người yếu thế không kịp nhận hỗ trợ nếu xã thiếu ngân sách

Thứ Năm 24/07/2025 , 15:17 (GMT+7)

UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các xã, phường khẩn trương thống kê thiệt hại, chủ động chi hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão Wipha trong thời gian sớm nhất.

Trong công văn khẩn ngày 24/7, UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh yêu cầu không để xảy ra thất thoát, lãng phí hay tiêu cực trong quá trình hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão số 3. Đặc biệt, các xã phải ưu tiên hỗ trợ đúng đối tượng, nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách, người yếu thế.

Tuy nhiên, tỉnh cũng thừa nhận có trường hợp ngân sách xã không đủ chi, buộc phải làm văn bản gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di dời tới nơi an toàn, tránh mưa bão tại tỉnh Ninh Bình, ngày 22/7. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di dời tới nơi an toàn, tránh mưa bão tại tỉnh Ninh Bình, ngày 22/7. Ảnh: Phạm Hiếu.

"Việc hỗ trợ người dân không thể chờ đợi quá lâu", ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Thịnh chia sẻ. Ông cho biết, địa phương đã rà soát bước đầu thiệt hại trong dân, nhưng chưa thể triển khai chi trả do chưa có hướng dẫn cụ thể về mức hỗ trợ từng loại thiệt hại.

Thực tế này có thể khiến người dân vùng ngập sâu sau bão Wipha, nhất là các hộ sống nhờ vào sản xuất nhỏ lẻ, đang gặp khó khăn khi phải tự xoay xở khôi phục sản xuất, sửa chữa nhà cửa, trong khi hỗ trợ chưa đến.

Những hộ sản xuất nhỏ lẻ cũng đang ngóng chờ các khoản hỗ trợ. Bà Lê Thị Điền, tổ dân phố số 5, xã Hải Thịnh cho biết, chuồng trại nuôi lợn của gia đình bị hư hại, do ngập trong nước nhiều ngày. Gia đình neo người nên bà phải thuê nhân công ngoài. Nếu chính quyền có thể sớm hỗ trợ, bà sẽ nhanh ổn định cuộc sống hơn.

Theo chỉ đạo của tỉnh, UBND các xã, phường phải khẩn trương thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại, tổng hợp báo cáo đánh giá về tình hình bão số 3 và đề xuất giải pháp khắc phục gửi về Sở Nông nghiệp và Môi trường trước 14h ngày 24/7. Tuy nhiên, do vùng ảnh hưởng của bão Wipha rộng, với nhiều mức độ khác nhau, cộng thêm nguồn lực hạn chế, nên các xã vẫn đang loay hoay với dữ liệu.

Bên cạnh hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế, Sở Nông nghiệp và Môi trường còn được giao chỉ đạo sửa chữa kịp thời các công trình đê điều, thủy lợi bị hư hỏng để chủ động ứng phó mưa bão tiếp theo. Sở cũng phải rà soát nhu cầu về giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp của các địa phương để tổng hợp trình UBND tỉnh hỗ trợ khôi phục sản xuất.

Về phía Sở Tài chính, UBND tỉnh yêu cầu đơn vị này chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, xử lý nhanh đề xuất hỗ trợ từ cơ sở. "Trường hợp ngân sách địa phương không đủ nguồn lực chi hỗ trợ, UBND cấp xã có văn bản gửi Sở Tài chính để tổng hợp, xử lý theo quy định", công văn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Dũng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia quản lý rủi ro thiên tai, tình trạng ngân sách cơ sở không đủ hỗ trợ người dân sau bão là vấn đề tồn tại lâu nay. Dù quy trình được thiết kế “từ dưới lên”, nhưng trong điều kiện khẩn cấp, việc thiếu cơ chế “ứng trước - chi sau” hoặc quỹ dự phòng địa phương quá mỏng có thể khiến hỗ trợ đến muộn hoặc bị cắt giảm.

Bão Wipha không mạnh về gió, nhưng mưa lớn kéo dài đã gây thiệt hại diện rộng tại nhiều huyện của Ninh Bình. Thống kê ban đầu của tỉnh cho thấy, khoảng 80.000 ha bị úng, ngập. Cùng với đó, hàng trăm hecta lúa, hoa màu bị úng; nhiều tuyến đê, trạm bơm phải vận hành xuyên đêm để tiêu nước. 

Xem thêm

Bình luận mới nhất