Đập tạm dài 120 m hư hỏng
Mỗi khi bước vào vụ hè thu, nhiều diện tích sản xuất lúa của người dân ở các phường Điện Bàn Đông, Hội An, Hội An Đông, Hội An Tây, Ngũ Hành Sơn… lại đối mặt với nguy cơ bị nước mặn xâm nhập gây ảnh hưởng đến năng suất.
Vì vậy, từ năm 2013 đến nay, mỗi năm, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (cũ), nay thuộc TP. Đà Nẵng đều trích kinh phí đắp đập thời vụ nhằm ngăn mặn, giữ nước ngọt để bơm tưới cho bà con canh tác.

Đập thời vụ Vĩnh Điện (phường Điện Bàn Đông, TP. Đà Nẵng) có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt để phục vụ nước tưới cho hơn 2.000 ha lúa trong vụ hè thu. Ảnh: Lê Khánh.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và cường độ xâm nhập mặn, đập ngăn mặn thời vụ Vĩnh Điện ngày càng thể hiện vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho vùng hạ lưu sông Thu Bồn.
Cũng như các năm trước, đầu năm 2025, thị xã Điện Bàn (cũ) đã triển khai thực hiện dự án đập ngăn mặn Vĩnh Điện. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Điện Bàn làm chủ đầu tư với kinh phí 1,3 tỷ đồng. Đập ngăn mặn thời vụ được thi công có chiều dài 120 m và thân đập được đắp bằng cát. Ngày 13/3/2025, công trình hoàn thành và đưa vào khai thác.
Tuy nhiên, ngày 11/6/2025, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1 (bão Wutip), trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã có mưa to đến rất to, xuất hiện lũ trên sông Vĩnh Điện, làm hư hỏng công trình đập này và hiện không còn đảm bảo ngăn mặn giữ ngọt cho các trạm bơm trên sông Vĩnh Điện.
Ngay sau đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Đà Nẵng đã có báo cáo sự cố hư hỏng công trình do thiên tai. Sở Tài chính TP. Đà Nẵng cũng có công văn về việc hỗ trợ kinh phí sửa chữa công trình đập ngăn mặn thời vụ trên sông Vĩnh Điện. Về phía chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Điện Bàn đã có đề xuất về việc tiếp tục lấy cát từ dự án nạo vét sông Cổ Cò để đắp lại đập. Tuy nhiên, đến nay, công trình vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa khiến người dân địa phương vô cùng lo lắng.

Sau đợt mưa lũ vào tháng 6 vừa qua, đập ngăn mặn Vĩnh Điện bị hư hỏng. Ảnh: Lê Khánh.
Bà Nguyễn Thị Mười (trú tại phường Điện Bàn Đông, TP. Đà Nẵng) cho biết, gia đình bà hiện đang canh tác 1 mẫu ruộng. Nhiều năm qua, do nước mặn xâm nhập nên cũng như người dân trong vùng, diện tích lúa của bà đều phụ thuộc vào đập thời vụ Vĩnh Điện. Nếu không có công trình này thì đất đai ở địa phương không thể sản xuất.
“Từ khi đập bị nước lũ cuốn đến giờ vẫn chưa thấy sửa chữa lại, chúng tôi cũng rất sốt ruột. Bây giờ lúa đang bắt đầu bước vào thời kỳ làm đòng, trổ bông mà nước mặn tràn vào thì hư hỏng hết, coi như mất trắng. Vậy nên, chúng tôi cũng đã có kiến nghị đến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng sớm đắp lại đập, cứu lúa cho người dân”, bà Mười bày tỏ.
Công trình chưa hoàn thành do thiếu nguồn cát
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, hiện mặn đã xâm nhập sâu vào sông Vĩnh Điện, độ mặn cao nhất đo được tại cầu Tứ Câu là 1,7 phần nghìn. Với tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước về hạ du của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn suy giảm kết hợp với triều cường dẫn đến tình hình xâm nhập mặn tiếp tục gia tăng, nguy cơ ảnh hưởng đến việc vận hành các trạm bơm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ hè thu khoảng 2.000ha.

Hiện nay, chủ đầu tư đã khắc phục lại hệ thống cọc bao thân đập và đang chờ được bố trí nguồn cát đắp để hoàn thiện. Ảnh: Lê Khánh.
“Công ty đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Đà Nẵng tham mưu UBND TP chỉ đạo các đơn vị liên quan thống nhất nguồn vật liệu, khẩn trương tổ chức thi công đắp đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện. Đồng thời chỉ đạo các nhà máy thủy điện thượng nguồn vận hành, điều tiết tăng lưu lượng xả và duy trì ổn định dòng chảy về hạ du để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp đến cuối vụ hè thu 2025”, ông Đỗ Văn Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Điện Bàn cũng thừa nhận, việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng của đập ngăn mặn thời vụ Vĩnh Điện là vô cùng cấp thiết. Do đó, sau khi kiểm tra, báo cáo sự cố, đơn vị cũng nhanh chóng xử lý lại hệ thống cọc bao quanh thân đập. Đồng thời, công trình đã phê duyệt điều chỉnh bổ sung hồ sơ dự toán điều chỉnh, bổ sung kèm theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công.
Ông Trần Quang Thắng, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Điện Bàn cho biết, hiện công trình chưa thể hoàn thành việc khắc phục, sửa chửa là do chưa có nguồn cát đắp với khối lượng cát khoảng 5.152m3. “Do đó, chúng tôi đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam cho phép tiếp tục lấy cát từ dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò để thi công xây dựng công trình. Khi được thống nhất sẽ triển khai hoàn thiện”, ông Thắng nói.
Vừa qua, tại buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam, ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng đã thống nhất chủ trương sử dụng nguồn vật liệu cát từ dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò để phục vụ đắp lại đập thời vụ trên sông Vĩnh Điện. “UBND phường Điện Bàn Đông phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xâ dựng các công trình giao thông Quảng Nam chịu trách nhiệm giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn cát lấy, vận chuyển đến chân công trình thi công, đảm bảo đúng khối lượng khoáng sản được phép và sử dụng theo đúng quy định”, ông Hưng chỉ đạo.