Chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng", PGS.TS Phạm Hồng Quang - Trung tâm Công nghệ cao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng một trong những giải pháp hiệu quả để cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ quét hiện nay là mô hình cảnh báo cộng đồng với các cảm biến đặc dụng cho đo đạc tại chỗ trong nước và trong đất thông số báo nguy cơ sự cố sản xuất trong nước, dễ dàng lắp đặt và bảo trì bởi cộng đồng ở địa phương, kết nối mạng với các hệ thống thu thập và xử lý trung tâm để nâng cao độ chính xác cảnh báo.

PGS.TS Phạm Hồng Quang chia sẻ tại Toạ đàm "Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng" sáng 25/4. Ảnh: Quỳnh Chi.
Hệ thống cảnh báo sớm cộng đồng được lắp đặt tại chỗ ở vị trí có nguy cơ sạt lở tác động trực tiếp vào khu dân cư hoặc đường giao thông, có thiết bị báo động tại chỗ qua truyền dẫn khu vực bảo đảm tin cậy trong thời gian mưa bão, thời tiết khắc nghiệt, ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) trong giám sát và cảnh báo tại chỗ.
Công nghệ IoT cho phép tích hợp các cảm biến đo áp lực nước lỗ rỗng, độ ẩm đất, dịch chuyển mái dốc với hệ thống truyền tín hiệu thời gian thực, hình thành mạng lưới cảnh báo tự động, liên tục và có khả năng cập nhật theo thời gian thực.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Quang, hiện nay hệ thống công nghệ cảnh báo sạt lở đất ở nước ta tuy đã có nhiều tiến bộ, song vẫn còn một số mặt cần tiếp tục hoàn thiện. Công tác dự báo chủ yếu được triển khai từ các cơ quan trung ương như Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong khi khả năng phổ cập thông tin đến cấp cộng đồng - đặc biệt là ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa - còn hạn chế.
Tại những nơi này, người dân vẫn đang sinh sống trong điều kiện tiềm ẩn nhiều rủi ro do địa hình dốc và phức tạp. Trong khi đó, việc di dời, bố trí lại dân cư đến nơi an toàn còn gặp nhiều khó khăn cả về nguồn lực lẫn thời gian. Chính vì vậy, nhu cầu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, linh hoạt và sát thực tế tại chỗ đang ngày càng trở nên cần thiết để hỗ trợ người dân chủ động ứng phó kịp thời trước thiên tai.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia như Nhật Bản, Nepal, Indonesia, ông Quang đề xuất cách tiếp cận mới: phát triển hệ thống cảnh báo sớm theo mô hình cộng đồng, do chính người dân tại địa phương chủ động vận hành dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan khoa học. Cách tiếp cận này nhấn mạnh vai trò trung tâm của cộng đồng, kết hợp tri thức bản địa với công nghệ hiện đại để xây dựng các hệ thống cảnh báo “tự thân”, có khả năng phản ứng nhanh và phù hợp với đặc thù từng khu vực. Khác với hệ thống quốc gia mang tính đại diện rộng, cảnh báo cộng đồng tập trung vào độ chính xác, tính kịp thời và sự tin tưởng của người dân địa phương.

Nhà khoa học từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề xuất phát triển một hệ thống “thuần Việt” cho phép duy trì liên lạc trong điều kiện mất điện, mất sóng... và những rủi ro xảy ra khi thiên tai xảy đến. Ảnh: Cadpro.
Ông cũng nêu rõ thực tế tại Việt Nam: phần lớn thiết bị cảm biến hiện nay đều nhập khẩu với chi phí cao, khó triển khai đại trà tại các vùng khó khăn. Một số dự án thí điểm như Hệ thống cảnh báo sớm lũ quét tại Bản Khoang - Sa Pa cho thấy toàn bộ dữ liệu phải truyền ra nước ngoài xử lý, gây chậm trễ và phụ thuộc vào hạ tầng mạng. Do đó, ông đề xuất phát triển một hệ thống “thuần Việt”, với thiết bị sản xuất trong nước, giá thành rẻ, sử dụng năng lượng mặt trời và truyền tín hiệu bằng công nghệ LoRa hoặc các mạng tầm xa năng lượng thấp (LPWAN), cho phép duy trì liên lạc trong điều kiện mất điện, mất sóng... và những rủi ro xảy ra khi thiên tai xảy đến.
Hệ thống này gồm các cảm biến được người dân cắm trực tiếp xuống mái dốc, đo đạc các chỉ số như độ ẩm đất, áp suất nước lỗ rỗng, rung động và dịch chuyển đất đá, sau đó truyền dữ liệu về trung tâm điều hành hoặc cảnh báo tại chỗ qua chuông, còi báo.
Ông nhấn mạnh, nếu người dân có thể tự lắp đặt thiết bị như cách họ từng tự lắp máy bơm nước, thì mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng với chi phí thấp, hiệu quả thực tiễn cao, phù hợp điều kiện địa hình và năng lực cộng đồng ở các vùng đồi núi nước ta.
Theo ông Quang, đây chính là hướng đi cần thiết để xây dựng một mạng lưới cảnh báo sạt lở đất và lũ quét đa tầng, kết hợp giữa dữ liệu cảm biến tại chỗ với mô hình dự báo số trị lớn, phục vụ đồng thời cho người dân, chính quyền địa phương và các trung tâm chỉ đạo quốc gia. Trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường do tác động của biến đổi khí hậu và phát triển thiếu bền vững, việc trao quyền chủ động cho cộng đồng, dựa trên nền tảng công nghệ rẻ, dễ triển khai, sẽ là giải pháp thực tiễn và bền vững hơn cả.