| Hotline: 0983.970.780

Chủ động phòng tránh thiên tai nhờ hệ thống khoanh vùng, cảnh báo sớm

Thứ Sáu 25/04/2025 , 11:18 (GMT+7)

Ở các vùng cao, ngưỡng mưa gây ra lũ quét và sạt lở đất phụ thuộc vào địa chất, địa hình và chế độ mưa, đòi hỏi công nghệ dự báo phù hợp.

Sáng 25/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai tổ chức Tọa đàm “Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng”. Tọa đàm do Cục Khí tượng Thủy văn và Báo Nông nghiệp và Môi trường phối hợp thực hiện.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm trình bày tại tọa đàm 'Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng'. Ảnh: Quỳnh Chi.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm trình bày tại tọa đàm "Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng". Ảnh: Quỳnh Chi.

Khoanh vùng chi tiết đến cấp xã

TS. Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, chia sẻ về hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực. Hệ thống hiện do Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia và Cục KTTV trực tiếp vận hành và có thể truy cập tại địa chỉ web http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/.

Theo ông Khiêm, từ năm 2000 đến 2024, số lượng các trận lũ quét và sạt lở đất ở Việt Nam có xu hướng gia tăng rõ rệt. Đặc biệt trong những năm gần đây, các vụ sạt lở đất chiếm tỷ lệ cao hơn so với các hình thái thiên tai khác.

"Đáng chú ý, phần lớn các vụ sạt lở xảy ra ở mức độ nông, thường xuất hiện dọc theo các tuyến giao thông hoặc gần các công trình dân dụng. Những trận lũ quét, đặc biệt là lũ do nghẽn dòng kết hợp với sạt lở đất, có sức tàn phá rất lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản", TS. Khiêm nhấn mạnh.

Để ứng phó hiệu quả với nguy cơ này, hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực đã được phát triển và đưa vào vận hành tại Việt Nam. 

Giám đốc Khiêm cho hay: "Hệ thống được cập nhật từng giờ, khoanh vùng chi tiết đến cấp xã và có thể dự báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong 6 giờ". 

Thông tin dữ liệu cung cấp cho các nhà quản lý và địa phương dựa trên nền tảng WebGIS, tích hợp nhiều mô-đun chức năng như giám sát, phân tích, xử lý dữ liệu từ nhiều nguồn nhằm hỗ trợ công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin.

Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực, khoanh vùng chi tiết đến cấp xã.

Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực, khoanh vùng chi tiết đến cấp xã.

Hệ thống đạt hiệu quả cao nhờ nguồn dữ liệu tích hợp vào hệ thống rất đa dạng, bao gồm tín hiệu từ 10 radar thời tiết, hơn 3.500 trạm quan trắc mưa tự động, cùng với dữ liệu dự báo từ các mô hình khí tượng số. Ngoài ra, hệ thống tích hợp các vị trí xung yếu có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, theo dõi chỉ số độ ẩm đất.

Cùng với việc theo dõi và cập nhật dữ liệu liên tục, hệ thống cũng đang được nâng cấp ở nhiều phương diện; tăng cường kết nối với Trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ cũng như các cổng thông tin địa phương. 

Kinh nghiệm của Bình Định

Theo GS. Đỗ Minh Đức - Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - việc khoanh vùng và cảnh báo tình trạng trượt lở đất, đá tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã cung cấp nguồn dữ liệu quan trọng, góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, từ đó hỗ trợ hiệu quả cho công tác ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại. 

Hệ thống thông tin cảnh báo sớm trượt lở đất đá ở Bình Định được tổng hợp tại địa chỉ web https://binhdinh2.truotlo.com, cung cấp dữ liệu dự báo theo thời gian thực. 

Dữ liệu nguy cơ hiện tại và dự báo trong 3 giờ tiếp theo được cập nhật định kỳ 3 giờ một lần, kèm theo bản đồ mưa và danh sách chi tiết các điểm có khả năng trượt lở với đầy đủ cấp độ cảnh báo.

Hệ thống thông tin cảnh báo sớm trượt lở đất đá ở Bình Định cung cấp dữ liệu dự báo theo thời gian thực.

Hệ thống thông tin cảnh báo sớm trượt lở đất đá ở Bình Định cung cấp dữ liệu dự báo theo thời gian thực.

Dự án cũng xây dựng công cụ tích hợp trên nền tảng Zalo với tên gọi “Trượt lở”, cùng với hệ thống cảnh báo qua email, đã góp phần đa dạng hóa kênh tiếp nhận thông tin, giúp truyền tải cảnh báo nhanh chóng, thuận tiện, đồng thời lưu trữ có hệ thống dữ liệu phục vụ theo dõi và nghiên cứu lâu dài.

Phục vụ công tác ứng phó thiên tai, nhóm nghiên cứu của GS. Đỗ Minh Đức đã phát triển bản đồ nguy cơ trượt lở cho Bình Định. Bản đồ được mã hóa bằng các ký hiệu từ 0 đến 5, tương ứng với các mức độ nguy cơ từ không có đến rất cao. 

Cụ thể, mức 0 thể hiện vùng hiếm khi xảy ra trượt lở; mức 1 và 2 cho thấy nguy cơ rất thấp đến thấp, tuy nhiên vẫn cần chú ý đặc biệt ở các vị trí có dấu hiệu bất ổn như khe nứt; mức 3 là nguy cơ trung bình. Mức 4 và 5 cảnh báo khả năng xảy ra trượt lở quy mô lớn, trên diện rộng, thậm chí cần di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm.

Xem thêm
Việt Nam bình luận thông tin quan chức Hoa Kỳ không dự kỷ niệm 30/4

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi về thông tin Hoa Kỳ yêu cầu các quan chức không dự các sự kiện Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.