| Hotline: 0983.970.780

Thủ tục nhanh gọn, xã hướng dẫn tận tình người dân làm thủ tục đất đai

Thứ Tư 02/07/2025 , 17:10 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Ngày thứ hai sau sáp nhập, người dân xã Tà Đùng, tỉnh Lâm Đồng đến làm thủ tục đất đai thuận lợi, rõ ràng, cán bộ hướng dẫn tận tình.

Vượt đường rừng, vẫn kịp giải quyết thủ tục

Chiều 2/7, anh Cừ Seo Nhà, người dân tộc Mông ở thôn xã Đắk R’Măng cũ, vượt hơn 20 km đường đèo núi để đến Trung tâm phục vụ hành chính công xã Tà Đùng làm thủ tục đất đai. Dù mới ngày thứ hai xã Tà Đùng chính thức hoạt động sau sáp nhập, nhưng anh Nhà không phải chờ đợi lâu như anh từng lo ngại.

“Xa thì có xa, đi lại cũng mệt nhưng khi tới nơi, tôi được cán bộ hướng dẫn tận tình, thủ tục nhanh gọn. Tôi mừng vì sau sáp nhập, việc hành chính vẫn thông suốt, không phải đi tới lui nhiều lần”, anh Nhà chia sẻ.

Anh Cừ Seo Nhà, người dân tộc Mông ở xã Đắk R’Măng cũ vui mừng sau khi được giải quyết xong thủ tục về đất đai tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Tà Đùng mới. Ảnh: Phạm Hoài.

Anh Cừ Seo Nhà, người dân tộc Mông ở xã Đắk R’Măng cũ vui mừng sau khi được giải quyết xong thủ tục về đất đai tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Tà Đùng mới. Ảnh: Phạm Hoài.

Không riêng anh Nhà, nhiều người dân ở các thôn, bản xa cũng tranh thủ đến sớm để làm thủ tục hành chính khác như đất đai, đăng ký kết hôn... Dù địa bàn rộng, nhưng cách tổ chức tiếp nhận hồ sơ ngay từ đầu khá khoa học, nhịp nhàng.

Theo ghi nhận, trong ngày làm việc thứ hai tại xã mới, không khí tiếp công dân và giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Tà Đùng diễn ra nề nếp, ổn định.

Ông Trần Duy Đại, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công xã Tà Đùng cho biết, từ khi bắt đầu hoạt động ngày 1/7 đến trưa 2/7, trung tâm đã tiếp nhận hơn 50 hồ sơ hành chính từ người dân hai xã cũ là Đắk R’Măng và Đắk Som. “Chúng tôi phân công cán bộ theo lĩnh vực để đảm bảo hồ sơ được xử lý nhanh - đúng - đủ, không để bà con phải chờ đợi lâu”, ông Đại nói.

Gồng mình quản lý địa bàn rộng, dân cư đông

Xã Tà Đùng thuộc tỉnh Lâm Đồng mới, được thành lập theo Nghị quyết 1671/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025, trên cơ sở sáp nhập hai xã cũ là Đắk Som và Đắk R’Măng. Tổng diện tích tự nhiên của xã hơn 531 km², quy mô dân số trên 22.700 người, trong đó có khoảng 14.000 người Mông, chiếm gần 2/3 tổng dân số.

Người dân đến làm các thủ tục được cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã Tà Đùng hướng dẫn cụ thể và giải quyết đúng trình tự. Ảnh: Phạm Hoài.

Người dân đến làm các thủ tục được cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã Tà Đùng hướng dẫn cụ thể và giải quyết đúng trình tự. Ảnh: Phạm Hoài.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Đùng cho biết: “Trụ sở xã hiện đặt tại địa điểm xã Đắk Som cũ, nơi có điều kiện thuận lợi hơn về hạ tầng. Tuy nhiên, khó khăn lớn là địa bàn quá rộng, dân cư phân tán, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, việc điều hành và triển khai công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực”.

Không chỉ khó khăn về hành chính, Tà Đùng còn là địa bàn có diện tích rừng lớn. Theo ông Hùng, xã có hơn 27.000 ha rừng, độ che phủ toàn xã đạt 50,8%; riêng khu vực Đắk Som đạt gần 60%. Trong khi đó, đồng bào Mông vẫn duy trì tập quán canh tác du canh, du cư, dễ dẫn đến nguy cơ phá rừng làm rẫy nếu không được kiểm soát tốt.

“Việc người dân lấn rừng, xâm canh vẫn còn xảy ra ở một số khu vực. Một phần là do thiếu đất sản xuất, phần khác là do chưa được tuyên truyền kỹ về pháp luật đất đai và bảo vệ rừng. Chúng tôi đang tích cực rà soát, đề xuất cấp đất hợp pháp cho các hộ đủ điều kiện và tăng cường phối hợp với kiểm lâm, công an để ngăn chặn di dân tự do và phá rừng”, ông Hùng cho biết.

Theo đại diện lãnh đạo xã Tà Đùng mới, khó khăn lớn nhất hiện nay của địa phương là vấn đề lấn chiếm đất rừng để sản xuất, thời gian tới địa phương sẽ rà soát cụ thể và có phương án xử lý. Ảnh: Phạm Hoài.

Theo đại diện lãnh đạo xã Tà Đùng mới, khó khăn lớn nhất hiện nay của địa phương là vấn đề lấn chiếm đất rừng để sản xuất, thời gian tới địa phương sẽ rà soát cụ thể và có phương án xử lý. Ảnh: Phạm Hoài.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng mong muốn thời gian tới lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng mới sớm có cơ chế chính sách cụ thể để giúp xã Tà Đùng ổn định địa giới, ổn định dân cư, nhất là hỗ trợ đất sản xuất cho người dân vùng sâu, vùng xa. Nếu không giải quyết sớm, vấn đề đất rừng, phá rừng sẽ còn tiếp diễn. Chính sách cần đến đúng, đến trúng thì mới quản lý được địa bàn đặc thù như xã Tà Đùng.

Xem thêm
Cán bộ ngành nông nghiệp và môi trường mang theo nhiệt huyết về cơ sở

ĐÀ NẴNG Từng là lãnh đạo trong ngành nông nghiệp và môi trường nay về cơ sở công tác, nhiều cán bộ xem đây là cơ hội để góp phần thay đổi bộ mặt quê hương.

Bình luận mới nhất