| Hotline: 0983.970.780

Cán bộ xã, phường trở thành người gỡ vướng, đồng hành của nhân dân

Thứ Tư 02/07/2025 , 18:41 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Chính quyền hai cấp đang tạo ra cuộc cách mạng trong tư duy tại Hải Phòng, người dân là làm trung tâm, cán bộ chủ động hỗ trợ thay vì 'xét duyệt' như thường thấy.

Cuộc cách mạng về chất từ "ô cửa" hành chính

Ngày 2/7, tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Phù Liễn, TP Hải Phòng nhộn nhịp khác thường, dòng người ra vào tấp nập, nhưng không có cảnh chen lấn, chờ đợi mệt mỏi. Ngay cửa ra vào, một đội ngũ thanh niên tình nguyện và cán bộ lễ tân niềm nở đón tiếp, chủ động hỏi han: “Bác, cô, chú cần làm thủ tục gì ạ”. Mỗi người dân sau khi trình bày nhu cầu đều được hướng dẫn tận tình đến máy lấy số thứ tự, ngồi vào hàng ghế chờ có điều hòa mát lạnh và theo dõi màn hình điện tử.

Cán bộ, công chức tại Trung tâm phục vụ hành chính công (TTHCC) cười vui vẻ tiếp nhận công việc khi chính quyền 2 cấp chính thức hoạt động. Ảnh: Đinh Mười.

Cán bộ, công chức tại Trung tâm phục vụ hành chính công (TTHCC) cười vui vẻ tiếp nhận công việc khi chính quyền 2 cấp chính thức hoạt động. Ảnh: Đinh Mười.

Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân từ huyện An Lão (cũ), chia sẻ trong sự ngỡ ngàng: “Nhà tôi ở gần đây nhưng hộ khẩu vẫn ở trong An Lão (cũ), trước kia tôi cứ nghĩ làm giấy tờ liên quan đến đất đai ở đâu thì phải về tận đó, đi lại mất cả buổi. Nghe tin sáp nhập, tôi đánh liều ra đây hỏi thử, không ngờ các cháu bảo làm được hết. Mà tiện hơn nữa là có thể đăng ký nhận kết quả tại nhà qua bưu điện hoặc tại một TTHCC khác gần nơi mình ở. Đúng là không thể tin được”.

Sự tiện lợi mà bà Lan cảm nhận cũng chính là một trong những điểm nhấn khi vận hành mô hình chính quyền 2 cấp mà người dân cả nước được thụ hưởng, là kết quả trực tiếp của việc xóa bỏ cấp hành chính trung gian (quận/huyện) và việc liên thông hệ thống.

Ông Trần Cao Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Kiến An, giải thích: “Bản chất của mô hình mới là không còn phân biệt công dân theo địa giới hành chính cũ. Người dân có thể đến bất kỳ trung tâm nào để được tiếp nhận và linh hoạt chọn nơi nhận kết quả thuận tiện nhất. Mọi thứ giờ đây đều hướng đến sự tiện lợi tối đa cho người dân”.

Lực lượng Đoàn thanh niên phường Kiến An tận tình hỗ trợ người dân. Ảnh: Hoàng Phong.

Lực lượng Đoàn thanh niên phường Kiến An tận tình hỗ trợ người dân. Ảnh: Hoàng Phong.

Câu nói “tiện lợi tối đa” của ông Trần Cao Cường thực chất là kết quả của một cuộc cải cách sâu rộng, sẽ không còn cảnh người dân phải chạy qua nhiều cửa, từ xã, phường lên quận, huyện, rồi lại chờ trả về. Thay vào đó, quy trình được rút ngắn, thời gian được tiết kiệm triệt để.

Quyền lực không còn là để "hành" mà để phục vụ

Khi mô hình chính quyền 2 cấp mới đưa vào vận hành, nhiều người có thể lầm tưởng TTHCC chỉ là phiên bản nâng cấp của “bộ phận một cửa” trước đây, nhưng thực tế đây là một sự thay đổi về chất. Trung tâm phục vụ hành chính công không còn là nơi “tiếp nhận và chuyển giao” hồ sơ một cách thụ động, mà trở thành những người “gác đền” cho toàn bộ quy trình.

Khi phát sinh vướng mắc, thay vì trả lại hồ sơ, cán bộ TTHCC sẽ là người chủ động kết nối, điều phối để tháo gỡ vấn đề cho dân. Thậm chí, quy định về việc phải có văn bản xin lỗi nếu để hồ sơ quá hạn cho thấy trách nhiệm giải trình đã được nâng lên một tầm cao mới, nghiêm túc và bắt buộc.

“Trước đây, 'bộ phận một cửa' chỉ là nơi tiếp nhận hồ sơ một cách cơ học, với nhân sự từ các phòng ban biệt phái, không có tư cách pháp nhân đầy đủ. Nay, mỗi TTHCC là một thực thể độc lập, có con dấu, tài khoản và biên chế riêng. Giám đốc trung tâm là một Phó Chủ tịch phường kiêm nhiệm. Người tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả là người của trung tâm, chịu trách nhiệm toàn trình”, ông Phạm Văn Quân, một cán bộ được phân công phụ trách tại TTHCC Phù Liễn, cho biết.

Người dân được cán bộ phụ tận tình hướng dẫn khi làm thủ tục hành chính tại phường An Hải, không còn cảnh 'xa cách' như trước đây. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân được cán bộ phụ tận tình hướng dẫn khi làm thủ tục hành chính tại phường An Hải, không còn cảnh "xa cách" như trước đây. Ảnh: Đinh Mười.

Nếu như trước đây, hình ảnh một người dân bối rối cầm tờ giấy hẹn với dòng chữ "về bổ sung hồ sơ" đã trở nên quá quen thuộc, thì nay, kịch bản ấy đã không còn. Trong 2 ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, tại Trung tâm Hành chính công các xã, phường ở Hải Phòng, khi một hồ sơ đất đai gặp vướng mắc, cán bộ tiếp nhận không trả về mà sẽ được các bộ phận chuyên môn liên quan hướng dẫn tháo gỡ vấn đề ngay tại chỗ.

“Trước đây, các nhiệm vụ như chuyển mục đích sử dụng đất hay cấp giấy chứng nhận, người dân phải lên huyện. Bây giờ, phường là cấp trực tiếp giải quyết. Khi một hồ sơ được nộp vào, chúng tôi có trách nhiệm phải thực hiện đến cùng, không thể yêu cầu người dân đi đâu nữa”, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND phường Thiên Hương nhấn mạnh.

Thay đổi tư duy từ thụ động sang chủ động

Trên thực tế, một cuộc chuyển mình lớn lao không thể tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu khi lượng công việc rất lớn đổ dồn về cấp xã/phường đã tạo nên áp lực thực sự cho lực lượng cán bộ, công chức. Nhiều công chức vốn quen với nghiệp vụ đơn giản ở phường, nay phải tiếp nhận cả những thủ tục phức tạp vốn thuộc thẩm quyền cấp quận, huyện.

Lực lượng công an bố trí cán bộ xuống các Trung tâm phục vụ hành chính công để hỗ trợ người dân. Ảnh: Hoàng Phong.

Lực lượng công an bố trí cán bộ xuống các Trung tâm phục vụ hành chính công để hỗ trợ người dân. Ảnh: Hoàng Phong.

“Trước đây có bộ máy trên, bộ máy dưới đỡ nhau. Bây giờ chỉ có một bộ máy, công việc cứ thế dồn xuống, anh em sẽ phải căng mình ra làm”, một cán bộ phòng Văn hóa – Xã hội xã An Trường bộc bạch.

Cùng với đó là những vấn đề về kỹ thuật, trong những ngày đầu, đường truyền mạng trục trặc, cổng dịch vụ công quốc gia hoạt động chưa ổn định, hệ thống dữ liệu hộ tịch, đất đai chưa liên thông hoàn toàn, gây khó khăn cho việc tra cứu, xác minh. Thậm chí có những tình huống “dở khóc dở cười” chưa thể xử lý trên hệ thống nhưng vẫn phải tìm cách xử lý thấu đáo với tinh thần trách nhiệm “vì dân phục vụ” được đặt lên hàng đầu.

“Ngay ngày đầu, chúng tôi gặp trường hợp người dân mất, cần gấp giấy chứng tử để đưa đi thiêu, trong khi hệ thống chữ ký số và con dấu mới chưa hoàn thiện. Anh em đã phải xử lý tình huống, linh động hết mức để người dân không phải chờ đợi”, ông Vũ Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã An Trường chia sẻ.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ở nhiều nơi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, có những TTHCC mới được sửa chữa, nâng cấp từ trụ sở cũ, bàn ghế, thiết bị còn đang được lắp đặt khẩn trương. Nhưng vượt lên trên tất cả những khó khăn ấy là một không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc và một niềm tin, sự phấn khởi của cả đội ngũ cán bộ, công chức. Hình ảnh những đoàn viên thanh niên, cán bộ mặt trận, công an cùng có mặt để hỗ trợ người dân đã trở nên quen thuộc.

Chị Trần Thị Vân, một công chức thuộc lĩnh vực đất đai tại bộ phận một cửa phường Phù Liễn vui vẻ tiếp nhận và giải quyết công việc trong ngày thứ 2 vận hành chính quyền 2 cấp. Ảnh: Đinh Mười.

Chị Trần Thị Vân, một công chức thuộc lĩnh vực đất đai tại bộ phận một cửa phường Phù Liễn vui vẻ tiếp nhận và giải quyết công việc trong ngày thứ 2 vận hành chính quyền 2 cấp. Ảnh: Đinh Mười.

Chị Trần Thị Vân, một công chức thuộc lĩnh vực đất đai tại bộ phận một cửa vui vẻ chia sẻ: “Dù vất vả hơn, nhưng chúng tôi cảm thấy hào hứng. Khi không còn quá tải, quy trình rõ ràng, chúng tôi có thời gian hướng dẫn người dân kỹ hơn, cảm thấy hiệu quả hơn hẳn. Đó là niềm vui của những người làm công tác này.”

Hai ngày là thời dian quá ngắn để đưa ra một đánh giá toàn diện, những khó khăn, bất cập chắc chắn sẽ còn tiếp tục nảy sinh và cần thời gian để khắc phục. Nhưng điều quan trọng nhất, thứ không thể đo đếm bằng những con số thống kê hồ sơ, chính là sự thay đổi tích cực trong tư duy và thái độ của cán bộ tại TP Hải Phòngnhững ngày qua. Cuộc sáp nhập lịch sử và việc vận hành mô hình chính quyền hai cấp không chỉ là một sự sắp xếp lại về mặt tổ chức, đó là một cam kết mạnh mẽ về việc xây dựng một chính quyền phục vụ, nơi người cán bộ thực sự là “công bộc của dân”.

Ông Đỗ Văn Trãi – Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ lợi cho biết, trước đây để xử lý một vi phạm lấn chiếm công trình thủy lợi, ông phải làm việc qua hai cấp chính quyền với gần 60 đầu mối xã, phường. Sau khi sáp nhập các xã và bỏ đơn vị cấp quận, huyện, số đầu mối giảm xuống chỉ còn 16 và được làm việc trực tiếp, không qua trung gian. “Đầu mối giảm, lại làm việc với đội ngũ cán bộ phường mới có trình độ, am hiểu pháp luật hơn, tôi kỳ vọng công tác quản lý sẽ hiệu quả hơn rất nhiều trong thời gian tới đây”, ông Đỗ Văn Trãi chia sẻ thêm.

Xem thêm
Danh sách lãnh đạo các sở, ngành thành phố Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ vừa phân công, bổ nhiệm 171 nhân sự vào các chức danh cấp trưởng, cấp phó các sở, ngành trực thuộc UBND thành phố.

Bình luận mới nhất