Thông suốt
Từ sáng sớm, bà Võ Thị Tường Vy (54 tuổi) đến Trung tâm phục vụ hành chính công phường An Cựu (đường Hoàng Quốc Việt) để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu.
“Trước đây tôi ở phường An Tây cũ, lần đầu đến với nơi mới để làm sổ đỏ, tôi thấy cán bộ hướng dẫn tôi làm thủ tục rất nhiệt tình và nhanh chóng, cách viết giấy tờ trong hồ sơ... Không gian làm việc thoải mái, cảm giác mọi thứ rất tiện lợi, đúng như tôi kỳ vọng”, bà Vy chia sẻ.

Bà Võ Thị Tường Vy (đeo kính) đến Trung tâm phục vụ hành chính công phường An Cựu để làm sổ đỏ lần đầu. Ảnh: Văn Dinh.
Trong hai ngày qua, các cán bộ của phường An Cựu luôn có mặt đầy đủ ở các phòng, ban nhất là Trung tâm phục vụ hành chính công, sẵn sàng tiếp đón người dân đến giải quyết công việc. Không khí làm việc tại đây diễn ra một cách nghiêm túc, thân thiện, gần gũi.
Phường An Cựu được sắp xếp từ 3 phường của quận Thuận Hóa trước đây, gồm An Đông, An Tây và An Cựu (cũ). Nằm tại trung tâm TP. Huế, các trụ sở phường phần lớn vẫn còn khang trang, trang bị công nghệ hiện đại và cơ sở vật chất đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu làm việc cũng như phục vụ người dân. Nhờ vậy, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, không bị gián đoạn.
Ông Lê Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND phường An Cựu cho biết, từ nhiều ngày trước, tập thể cán bộ phường mới từ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau đã tích cực phối hợp để từng bước vận hành hiệu quả bộ máy mới, đặc biệt là ổn định cơ sở vật chất và bố trí nhân sự đảm bảo đầy đủ chuyên môn, nghiệp vụ.
“Khi thành lập phường mới, nhiều hồ sơ liên quan đến đất đai từ cấp huyện trước đây đã được phường tiếp nhận và rà soát kỹ lưỡng, đồng thời cập nhật lên hệ thống để cán bộ nắm bắt và xử lý hồ sơ cho người dân một cách thông suốt, hiệu quả nhất. Trong hai ngày qua, lượng người đến làm thủ tục đất đai như chuyển mục đích sử dụng đất, cấp sổ đỏ lần đầu... khá đông, nhưng đều được giải quyết ổn thỏa,” ông Long nhấn mạnh.

Trung tâm phục vụ hành chính công phường An Cựu khang trang, hiện đại. Ảnh: Văn Dinh.
Tại phường Phú Bài, nhiều hồ sơ liên quan đến đất đai được tiếp nhận và xử lý nhanh gọn. Cán bộ thường xuyên hỗ trợ người dân hoàn thiện hồ sơ ngay tại bộ phận một cửa, hạn chế tình trạng đi lại nhiều lần. Những hồ sơ còn vướng mắc, cán bộ chuyên môn sẽ hướng dẫn người dân bổ sung, bảo đảm quyền lợi chính đáng, đồng thời tuân thủ quy định pháp luật.
Ông Lê Bá Minh Hải, Chủ tịch UBND phường Phú Bài chia sẻ, phường được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường Phú Bài (cũ) cùng với các xã Thủy Phù, Phú Sơn và Dương Hòa của thị xã Hương Thủy trước đây. Phường mới có diện tích rộng lớn, địa hình đa dạng, đồng thời nhiều người dân sinh sống ở khu vực trung du, cách xa trung tâm. Do đó, công tác giải quyết thủ tục đất đai tại đây gặp không ít thách thức.
“Phường đã chủ động xây dựng quy trình làm việc khoa học và phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban liên quan nhằm đảm bảo các thủ tục đất đai diễn ra nhanh chóng, minh bạch. Riêng cá nhân tôi, trước khi đảm nhận vị trí lãnh đạo xã, đã có nhiều năm công tác ở cương vị Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ ở cấp cơ sở, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, môi trường”, ông Hải nói.

Trung tâm hành chính công phường Phú Bài đón tiếp người dân đến làm hồ sơ, trong đó có hồ sơ về đất đai. Ảnh: Văn Dinh.
Trong khi đó, tại xã Chân Mây – Lăng Cô, vùng đất giáp ranh với TP. Đà Nẵng và đang từng bước chuyển mình phát triển kinh tế với nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai, công tác giải quyết thủ tục đất đai sau khi hợp nhất các đơn vị hành chính cấp xã (gồm 4 xã Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, Lộc Thủy và thị trấn Lăng Cô) cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Việc này góp phần đảm bảo tính pháp lý và quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất. Đồng thời, điều này không chỉ giúp người dân an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và khai thác tiềm năng phát triển của địa phương.
Từ ngày 1/7/2025, TP Huế còn 40 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 21 phường và 19 xã; giảm gần 69,92% (trước đây có 133 phường, xã).
Anh Trần Minh (người dân xã Chân Mây - Lăng Cô) cho hay, sau khi xã mới hình thành, anh từng lo lắng việc thay đổi thông tin hành chính sẽ ảnh hưởng đến thủ tục đất đai, nhất là chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, khi đến Trung tâm hành chính công xã, anh được cán bộ hướng dẫn tận tình, quy trình giải quyết nhanh.
“Tôi thấy từ khi vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, lượng người đến xã mới làm thủ tục hành chính nhiều và được cán bộ hướng dẫn rất rõ ràng, không phải đi lại xa xôi và nhiều lần như trước. Người dân chúng tôi rất yên tâm. Mong rằng chính quyền mới sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dân, để các thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, không còn vòng vo như trước đây”, anh Minh thổ lộ.

Người dân xã Chân Mây - Lăng Cô làm thủ tục hành chính, trong đó có nhiều hồ sơ về đất đai. Ảnh: Văn Dinh.
Phục vụ tốt nhất cho người dân
Để đồng hành với các xã, phường mới; từ ngày 1/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế đã cử các đồng chí lãnh đạo Sở và các phòng ban phụ trách mảng đất đai, môi trường kiểm tra thực tế tại các địa phương, trực tiếp hướng dẫn quy trình giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai.
“Sở cũng đã thành lập Tổ hỗ trợ với nhiều thành viên có chuyên môn để sẵn sàng tăng cường, về tận nơi giúp đỡ các phường, xã khi có nhu cầu”, ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thông tin.

Thủ tục đất đai ở các xã, phường mới của TP Huế được thực hiện thông suốt. Ảnh: Văn Dinh.
Từ những ghi nhận của phóng viên, có thể thấy những tín hiệu tích cực, hiệu quả trong những ngày đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại TP.Huế, tạo bước chuyển mới trong cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, những lĩnh vực vốn nhiều quy trình, thủ tục phức tạp và kéo dài lâu nay.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Huế Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp là chủ trương lớn của Trung ương, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Vận hành chính quyền hai cấp phải đảm bảo thông suốt, phục vụ tốt nhất cho người dân. Trong quá trình triển khai, các Sở, ngành luôn giữ liên hệ chặt chẽ với thành phố để kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
“Đề nghị lãnh đạo các phường, xã tiếp tục quán triệt rõ tinh thần phục vụ nhân dân, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm; chủ động rà soát lại toàn bộ quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện để đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả ngay từ những ngày đầu”, ông Bình nhấn mạnh.

Lãnh đạo TP Huế kiểm tra hoạt động vận hành chính quyền 2 cấp. Ảnh: Văn Dinh.
Chủ tịch UBND TP Huế vừa ban hành chỉ thị về việc tổ chức vận hành thông suốt mô hình chính quyền địa phương hai cấp và xây dựng xã, phường toàn diện. Trong đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường làm chủ địa bàn, điều hành thông suốt với phương châm: “Nắm chắc địa bàn - Chủ động từ cơ sở - Giải quyết ngay tại chỗ”; xã, phường phải thực sự là trung tâm điều phối, kết nối và xử lý mọi vấn đề phát sinh, là “bộ máy gọn nhưng tinh, gần dân nhưng mạnh”.