Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở TP Huế, huyện A Lưới được chia thành 5 xã. Trong ngày đầu tiên triển khai mô hình chính quyền cấp xã, không khí tại A Lưới ngập tràn sự hứng khởi và quyết tâm cao từ chính quyền đến người dân.

Cán bộ tại các xã vùng cao A Lưới hứng khởi, quyết tâm cao. Ảnh: Văn Dinh.
Từng là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện A Lưới hơn 10 năm, rồi Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Nông nghiệp và Môi trường sau sáp nhập, giờ đây, ông Hồ Dũng được phân công làm Chủ tịch UBND xã A Lưới 4. Ngày đầu làm việc, ông Dũng không khỏi bồi hồi khi bước vào một chặng đường công tác mới.
Ông Dũng chia sẻ rằng, bản thân tôi trước khi thành lập chính quyền 2 cấp đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo và phối hợp các lĩnh vực quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Những kinh nghiệm này sẽ là hành trang quý báu để tôi thực hiện tốt nhiệm vụ ở cấp cơ sở. Tôi xem việc được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND xã là vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn. Tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới, phát huy kinh nghiệm đã có để gần dân, sát dân hơn, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
“Xã A Lưới 4 có quy mô dân số 10.752 người, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn. Xã cũng có rất nhiều tiềm năng để phát triển, như kinh tế rừng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; có cửa khẩu A Đớt – Tà Vàng… Hiện tại các phòng ban của xã đã được bố trí đầy đủ từ các trụ sở cũ của các xã và vận hành ổn định. Tôi nghĩ rằng, môi trường làm việc mới là cơ hội nhưng cũng gắn liền với thách thức. Tôi sẽ cùng với anh em trong cơ quan đổi mới tư duy, quyết tâm cao nhất để vượt qua những khó khăn, đưa xã A Lưới 4 ngày càng phát triển”, ông Dũng thổ lộ.
Trong khi đó, tại xã A Lưới 1, Chủ tịch UBND xã là ông Nguyễn Văn Hải, người cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác tại địa phương và gần nhất là Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới.

Người dân ở xã A Lưới 1 đến giải quyết thủ tục hành chính trong ngày đầu tiên vận hành mô hình mới. Ảnh: Văn Dinh.
Trong ngày đầu ở vị trí xã mới, ông Hải cho biết rất háo hức và hiểu rằng, đây không chỉ là trọng trách mà còn là cơ hội để cống hiến nhiều hơn.
“Thật vinh dự khi được tổ chức tín nhiệm, phân công đảm nhiệm chức vụ quan trọng. Không thể nói không có áp lực vì ở mô hình cấp xã mới chắc chắn sẽ có những thay đổi trong công việc. Những ngày qua, tập thể cán bộ xã A Lưới 1 đã nỗ lực học tập chuyên môn, kết nối để vận hành bộ máy mới. Vùng cao A Lưới nói chung và xã chúng tôi nói riêng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ nghèo. Tôi tin rằng với kinh nghiệm của mình, tôi sẽ quyết tâm cao nhất, nâng cao trách nhiệm, nỗ lực hết mình cùng với tập thể lãnh đạo và cán bộ xã mới hoàn thành tốt nhiệm vụ, tận dụng công nghệ, tạo ra nhiều mô hình kinh tế, góp phần nâng cao đời sống cho bà con”, ông Hải nói.
Chị Nguyễn Thị Hoài Phương (35 tuổi, xã A Lưới 2) chia sẻ: “Tôi cho rằng mô hình chính quyền 2 cấp là hoàn toàn hợp lý, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, giảm đi lại, những thủ tục rườm rà, lòng vòng trước đây sẽ cắt giảm đáng kể. Đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, người dân sẽ được thuận lợi hơn rất nhiều khi thực hiện các thủ tục cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, tôi hi vọng chính quyền xã mới đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở hạ tầng, giao thông, các công trình phục vụ nông nghiệp… Mong mỗi cán bộ phải tận tụy, cầu thị, thực sự gần dân, bám sát cơ sở, về với dân để lắng nghe và giải quyết kịp thời khó khăn của nhân dân”.

Cán bộ ở các xã vùng cao A Lưới sẽ đổi mới tư duy, nâng cao trách nhiệm; quyết tâm, nỗ lực hết mình để đảm bảo đời sống cho người dân. Ảnh: Văn Dinh.
Lãnh đạo TP Huế kỳ vọng, với đội ngũ cán bộ đã được rèn luyện và có năng lực sẽ đủ sức vận hành bộ máy mới, đặc biệt là ở những địa phương miền núi, giáp biên giới và phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số như A Lưới, qua đó đồng hành cùng bà con phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Có thể thấy, tinh thần của cán bộ mới rất quyết tâm và chủ động, thể hiện rõ khát vọng cống hiến, gần dân và vì dân. Vùng cao A Lưới đang đổi thay từng ngày, và trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền 2 cấp, kỳ vọng về một nền hành chính linh hoạt, hiệu quả và thân thiện với người dân đang trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Chính sự đổi mới về bộ máy, kết hợp với tinh thần dấn thân của đội ngũ cán bộ sẽ là nền tảng để A Lưới “tiến lên” trong thời gian tới.
Huyện A Lưới (cũ) được chia thành 5 xã, gồm A Lưới 1 (gộp xã Hồng Thủy, Hồng Vân, Trung Sơn và Hồng Kim), A Lưới 2 (gộp thị trấn A Lưới và các xã Hồng Bắc, Quảng Nhâm, A Ngo), A Lưới 3 (gộp xã Sơn Thủy, Hồng Thượng, Phú Vinh và Hồng Thái), A Lưới 4 (gộp xã Hương Phong, A Roàng, Đông Sơn và Lâm Đớt), A Lưới 5 (gộp xã Hương Nguyên và Hồng Hạ). Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy sinh sống.