| Hotline: 0983.970.780

Vùng cao A Lưới nỗ lực xóa nhà tạm

Thứ Bảy 10/05/2025 , 11:02 (GMT+7)

HUẾ Các cấp, các ngành tại huyện miền núi A Lưới (TP Huế) đã và đang đẩy mạnh việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân an cư, vươn lên thoát nghèo.

Niềm vui an cư

Những ngày này, khắp các thôn, xóm, khu dân cư ở các xã của huyện A Lưới rộn ràng không khí sửa chữa, xây dựng nhà mới. Những ngôi nhà khang trang đang dần được hình thành trong niềm vui của nhiều hộ nghèo, khó khăn nơi biên cương.

Anh Hồ Xoan (thôn Ta Lo A Hố, xã Hồng Vân) chia sẻ, trước đây, cả nhà phải sống trong căn nhà tạm bợ, xuống cấp, dột nước vào mùa mưa. Được hỗ trợ 60 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), cộng thêm việc vay mượn, gia đình anh Xoan đã xây được ngôi nhà mới.

“Giờ gia đình đã có nơi trú ngụ lâu dài, yên tâm không còn sợ thời tiết xấu. Đây là động lực lớn lao để giúp các thành viên nỗ lực làm ăn, phấn đấu vươn lên”, anh Xoan nói.

Những ngôi nhà khang trang, kiên cố đang dần được hình thành tại miền núi A Lưới. Ảnh: Văn Dinh.

Những ngôi nhà khang trang, kiên cố đang dần được hình thành tại miền núi A Lưới. Ảnh: Văn Dinh.

Cũng như anh Xoan, anh Lê Thanh Tầng (thôn Ta Ây Ta, xã Trung Sơn) cùng vợ và 3 con nhỏ sống trong căn nhà xây tạm bợ đã 12 năm kể từ khi lập gia đình. Mới đây, nhờ chương trình xóa nhà tạm, anh được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, vay mượn thêm 90 triệu đồng từ người thân để xây nhà mới. Gia đình anh Tầng đang rất hạnh phúc và tập trung tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế vì có nơi an cư mới.

A Lưới là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Tây của TP Huế, giáp nước bạn Lào, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 78% dân số toàn huyện, đa số là đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy. Dù đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025 vào năm ngoái, tuy nhiên đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn với hàng ngàn hộ nghèo và cận nghèo.

Thời gian qua, chính quyền các cấp huyện A Lưới đã có những chủ trương đa dạng hóa nguồn lực để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã chung tay. Mới đây vào đầu tháng 5, Ngân hàng Agribank chi nhánh TP Huế đã ký kết cam kết hỗ trợ 5 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo đang cư trú trong nhà tạm; nâng tổng số kinh phí tài trợ trong 2 năm 2024 - 2025 lên 10 tỷ đồng, xây dựng 200 căn nhà an sinh xã hội tại huyện vùng cao này.

Để xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện A Lưới đã huy động nguồn lực từ nhiều kênh, không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn từ các tổ chức, doanh nghiệp. Ảnh: Văn Dinh.

Để xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện A Lưới đã huy động nguồn lực từ nhiều kênh, không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn từ các tổ chức, doanh nghiệp. Ảnh: Văn Dinh.

Nỗ lực xóa nhà tạm

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện A Lưới, là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, địa phương xác định việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Huyện tập trung rà soát, xác định đối tượng hỗ trợ, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, xây dựng kế hoạch cụ thể. Những năm qua, huyện đã huy động nguồn lực từ nhiều kênh, không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn từ các tổ chức, doanh nghiệp.

Trong giai đoạn 2022 - 2025, riêng Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã phê duyệt hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 3.600 ngôi nhà ở A Lưới, với tổng kinh phí hơn 231 tỷ đồng. Ngoài ra, các nguồn lực hợp pháp khác giúp xóa được hơn 600 căn nhà tạm, nhà dột nát.

TP Huế đã và đang đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là sớm xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện A Lưới. Ảnh: Văn Dinh.

TP Huế đã và đang đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là sớm xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện A Lưới. Ảnh: Văn Dinh.

UBND huyện A Lưới còn nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình, dự án như đầu tư xây dựng công trình hạ tầng công cộng; xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, phát triển du lịch cộng đồng để người dân ở địa phương tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhiều hộ sau khi có nhà kiên cố đã mạnh dạn vay vốn, mở rộng mô hình trồng trọt, chăn nuôi hoặc tham gia vào các tổ hợp tác sản xuất. Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nông thôn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và kết nối tiêu thụ sản phẩm cũng đang được triển khai rộng rãi.

“Huyện phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát theo kế hoạch vào tháng 6 này. Hộ dân nào xây nhà mà thiếu vật liệu thì các xã sẽ đứng ra cung ứng, liên hệ thợ để hoàn thiện. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh chương trình hỗ trợ nhà ở cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, địa phương cũng sẽ huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp để chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào. Đặc biệt, kết hợp với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo người dân không chỉ có nhà kiên cố mà còn có điều kiện sống tốt hơn”, ông Hải cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Huế đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành liên quan cần tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước và của thành phố đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là tại sớm xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện A Lưới. Chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của đồng bào. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, lan tỏa mạnh mẽ những tấm gương điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo để phong trào thi đua học tập, lao động, sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày càng được lan tỏa sâu rộng, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện A Lưới còn 1.968 hộ (giảm 1.928 hộ so với năm 2023), tỷ lệ giảm từ 27,73% xuống còn 13,36%.

Xem thêm
Tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng'

Việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng', trong bảo vệ sức khỏe người dân và trong tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Rừng Cần Giờ - Nửa thế kỷ hồi sinh

Ngồi trên chiếc ca nô của lực lượng kiểm lâm, lướt trên sông Lòng Tàu mềm như dải lụa, len lỏi giữa những cánh rừng ngập mặn, tôi thầm thốt lên: 'Đúng là kỳ tích'.