Kể từ 1/7/2025; 4 xã Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, Lộc Thủy và thị trấn Lăng Cô chính thức sáp nhập trở thành xã mới mang tên Chân Mây - Lăng Cô, diện tích khoảng 261km2, mở ra một chương mới cho khu vực này.
Nằm giáp ranh với TP Đà Nẵng; không chỉ gây chú ý vì tên gọi dài, Chân Mây - Lăng Cô còn là nơi hội tụ đủ thiên nhiên, kinh tế, hạ tầng; một vùng đất mang tính thương hiệu và đang trên đà trở thành trung tâm phát triển mới không chỉ của TP Huế mà của cả miền Trung trong tương lai.

Toàn cảnh xã Chân Mây - Lăng Cô. Đây là xã có tên dài nhất trong tổng số 40 xã, phường ở TP Huế. Ảnh: Văn Dinh.
Lăng Cô - Vịnh đẹp thế giới
Vịnh Lăng Cô nằm ngay dưới chân đèo Hải Vân, chiều dài 42,5km; là vịnh biển gần như nguyên sơ, khung cảnh non nước hữu tình. Riêng bãi tắm Lăng Cô có bãi cát đẹp mịn màng dài tới hơn 10km, mặt nước biển trong xanh, nơi có nhiều khu nghỉ mát.
Lâu nay, vịnh Lăng Cô luôn được xem là một trong những danh thắng thiên nhiên đẹp của Việt Nam, nằm trên con đường di sản miền Trung “Phong Nha - Kẻ Bàng - Cố đô Huế - Phố cổ Hội An - Thánh địa Mỹ Sơn” và hành lang kinh tế Đông - Tây đang trên đà hội nhập, phát triển.
Tháng 5/2009, tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ V của Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới (Worldbays Club) tổ chức tại thành phố Setubal (Bồ Đào Nha), vịnh Lăng Cô được bầu chọn là thành viên thứ 30 của Câu lạc bộ.

Vịnh Lăng Cô tuyệt đẹp. Ảnh: Văn Dinh.
Sau hơn 15 năm Lăng Cô được công nhận là vịnh đẹp thế giới, vùng đất này đã có những sự phát triển vượt bậc. Với thương hiệu của mình, Lăng Cô đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần phát triển du lịch của TP Huế. Bên cạnh đó, cùng với khu vực Chân Mây, Lăng Cô đã trở thành điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư kinh doanh du lịch dịch vụ trong nước và quốc tế, nhiều dự án có quy mô lớn đã và đang được tiến hành xây dựng.
Cảng nước sâu Chân Mây
Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, Cảng Chân Mây là cửa ngõ ra biển Đông và kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, đồng thời là điểm kết nối quan trọng trên tuyến hàng hải quốc tế giữa Philippines, Singapore và Hong Kong.
Vào ngày 19/5/2003, Cảng Chân Mây được ra đời từ một dự án đầu tư xây dựng cảng biển mới. Đến nay, Cảng Chân Mây nổi tiếng là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 Việt Nam; là một trong những đầu nối trung chuyển hàng hóa quan trọng không thể thiếu trong khu vực và cũng là điểm kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển của Huế.

Cảng Chân Mây, điểm kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển của Huế. Ảnh: Văn Dinh.
Hiện, Cảng Chân Mây đang sở hữu 3 Bến cảng và dần hình thành Bến số 4,5. Trong đó, Bến số 1 với chiều dài 480m và Bến số 2 với chiều dài 280m do Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây làm chủ đầu tư, đủ khả năng tiếp nhận tàu hàng đến 50.000DWT, tàu container 2.800TEUs và tàu khách đến 362m, tổng dung tích 225.282 GRT hội đủ điều kiện và tiềm năng để đón được các cỡ tàu du lịch mới nhất và lớn nhất thế giới.
Bến số 3 do Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư, chiều dài cầu cảng 270m có kết cấu dạng bến liền bờ; là bến cảng tổng hợp, phục vụ dịch vụ hậu cần, đảm bảo cho tàu chở hàng tổng hợp có trọng tải đến 50.000 DWT giảm tải.
Bến số 4 và 5 đang được xây dựng thành bến tổng hợp - container, do Công ty Cổ phần Hàng hải Vsico làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.678 tỷ đồng; xây dựng 2 cầu cảng liên hoàn dài 540m, đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 TEU…
Ngoài ra, Cảng Chân Mây là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á.
Tại xã Chân Mây – Lăng Cô còn sở hữu nhiều điểm du lịch hấp dẫn, như: suối Voi, thác Bồ Ghè, suối Tiên, biển Tân Cảnh Dương, biển Bình An, suối Mơ…
Khu kinh tế trọng điểm của Huế
Dù TP Huế hiện nay có 2 Khu kinh tế là Chân Mây - Lăng Cô và cửa khẩu A Đớt, tuy nhiên, chỉ có Chân Mây - Lăng Cô đang vận hành thực chất và mang lại hiệu quả cao.
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vào năm 2006, diện tích trên 27.000ha, nằm trên địa bàn 4 xã, thị trấn trước đây là Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Khu kinh tế có 5 khu chức năng, gồm: khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu đô thị, khu du lịch và khu cảng.
Tính đến nay, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang có 55 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 97.316 tỷ đồng, trong đó có 15 dự án FDI với tổng vốn 56.018 tỷ đồng (chiếm 57,56% tổng vốn đăng ký, tương đương 2,54 tỷ USD).

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang có rất nhiều dự án lớn đã hoạt động và đang được triển khai. Ảnh: Văn Dinh.
Mới đây, UBND TP Huế đã có Quyết định ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tổng mức đầu tư lên đến 47.495 tỷ đồng.
Hiện TP Huế đã trình Bộ Xây dựng thẩm định Đề án điều chỉnh quy hoạch xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2045.
Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô được định hướng sẽ trở thành khu kinh tế trọng điểm của miền Trung, cửa ngõ ra biển, cung cấp các dịch vụ logicstic cho miền Trung và hành lang Đông - Tây, cũng như các dịch vụ du lịch tầm cỡ…
Laguna Lăng Cô - Khu nghỉ dưỡng phức hợp đẳng cấp quốc tế
Nằm kề bên vịnh Lăng Cô, Laguna Lăng Cô là khu nghỉ dưỡng phức hợp đẳng cấp quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, do tập đoàn Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) đầu tư với tổng kinh phí hơn 876 triệu USD, khởi công từ năm 2008 với diện tích 280ha; là nơi tọa lạc của Banyan Tree Lăng Cô, Angsana Lăng Cô và Laguna Parkside Lăng Cô.

Laguna Lăng Cô là khu nghỉ dưỡng phức hợp đẳng cấp quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Văn Dinh.
Ngoài các khách sạn, dự án Laguna Lăng Cô còn bao gồm khu dịch vụ spa mang thương hiệu Banyan Tree và Angsana, sân golf 18 lỗ do Nick Faldo thiết kế, trung tâm hội nghị và nhiều hoạt động dành cho khách hàng mọi lứa tuổi…
Sau khi có được sự yêu chuộng của du khách quốc tế, Laguna Lăng Cô hiện đang được nhiều du khách Việt khám phá, trở thành điểm đến mới cho những ai đang tìm kiếm một nơi hội đủ cả vẻ đẹp của thiên nhiên, hoàn hảo về dịch vụ - tiện nghi và những giá trị đặc sắc về văn hóa - tinh thần.
Đầm Lập An
Đầm Lập An còn được gọi là đầm An Cư hay đầm Lăng Cô, là đầm nước lợ lớn nhất TP Huế với diện tích lên đến 800ha. Khung cảnh ở đây còn nguyên vẻ hoang sơ, phía trước là vịnh Lăng Cô tuyệt đẹp, xung quanh được bao bọc bởi dãy núi Bạch Mã.

Vẻ đẹp hoang sơ của Đầm Lập An - Đầm nước lợ lớn nhất TP Huế. Ảnh: Văn Dinh.
Ngoài điểm đến du lịch, người dân xung quanh vẫn chủ yếu mưu sinh bằng nghề truyền thống gắn với đầm phá và biển. Trong đó, nổi bật nhất là nghề nuôi hàu, vốn đã trở thành “thương hiệu” đặc trưng, giúp nơi đây được mệnh danh là “vựa hàu lớn nhất xứ Huế”.
Khu vực quanh Đầm Lập An còn có nhiều nhà hàng và quán ăn ven đường, tạo điều kiện lý tưởng để du khách thưởng thức hải sản tươi sống đặc trưng của vùng đầm phá…
Cùng xem thêm một số hình ảnh tại xã Chân Mây - Lăng Cô được phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường ghi lại:

Bờ biển Lăng Cô dài và đẹp. Ảnh: Văn Dinh.

Biển Tân Cảnh Dương là điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến vui chơi, dã ngoại, cắm trại… Ảnh: Văn Dinh.

Kinh tế hạ tầng ở khu vực Lăng Cô ngày nay phát triển, đời sống người dân khởi sắc. Ảnh: Văn Dinh.

Dọc bờ biển Lăng Cô có nhiều dự án lớn hình thành, có dự án hoạt động tốt nhưng cũng có những công trình đang chậm tiến độ vì nhiều lý do, cần được tháo gỡ. Ảnh: Văn Dinh.

Rất nhiều người dân ở Chân Mây - Lăng Cô làm nghề đánh bắt thủy hải sản. Ảnh: Văn Dinh.

Dọc bờ biển Lăng Cô sở hữu hàng loạt khách sạn, khu nghĩ dưỡng sang trọng. Ảnh: Văn Dinh.

Thuyền thúng là dụng cụ không thể thiếu của ngư dân vùng Chân Mây - Lăng Cô. Ảnh: Văn Dinh.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô không ngừng phát triển, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, định hướng sẽ trở thành khu kinh tế trọng điểm của miền Trung. Ảnh: Văn Dinh.

Đầm Lập An là nguồn lợi tự nhiên tạo sinh kế cho người dân ven đầm, nhiều hộ đã nuôi trồng thủy sản ở đây. Ảnh: Văn Dinh.

Khung cảnh đẹp tại khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô - Nơi đang được nhiều khách du lịch Việt tìm đến. Ảnh: Văn Dinh.

Một chương mới đã và đang mở ra cho Chân Mây - Lăng Cô. Ảnh: Văn Dinh.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Chân Mây - Lăng Cô nguyện đoàn kết một lòng, tập trung khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh về dịch vụ - du lịch, công nghiệp, đô thị hướng tới mục tiêu xây dựng xã trở thành vùng kinh tế động lực của TP Huế.
Chủ tịch UBND xã - Trần Văn Minh Quân