| Hotline: 0983.970.780

Thừa Thiên – Huế: Phát triển hàng container qua cảng Chân Mây

Thứ Ba 12/12/2023 , 15:56 (GMT+7)

(TN&MT) - Với nhiều tiềm năng, lợi thế và năng lực đã được khẳng định, cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) hội đủ các điều kiện để trở thành một cảng biển nước sâu tiếp nhận, xếp dỡ hàng hóa tàu container. Thời gian qua, cảng đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng thời áp dụng cơ chế chính sách tăng ưu đãi nhằm thu hút hàng container, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Kinh tế

Thừa Thiên – Huế: Phát triển hàng container qua cảng Chân Mây

Văn Dinh {Ngày xuất bản}

(TN&MT) - Với nhiều tiềm năng, lợi thế và năng lực đã được khẳng định, cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) hội đủ các điều kiện để trở thành một cảng biển nước sâu tiếp nhận, xếp dỡ hàng hóa tàu container. Thời gian qua, cảng đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng thời áp dụng cơ chế chính sách tăng ưu đãi nhằm thu hút hàng container, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Những thành quả ban đầu

Để cụ thể hoá yêu cầu và mong muốn của doanh nghiệp, ngoài cơ chế, chính sách ưu đãi chung, vào tháng 9/2022, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Nghị quyết riêng nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây. Theo đó, tỉnh dự kiến dành khoản ngân sách 18 tỷ đồng/năm để hỗ trợ các hãng tàu biển. Cụ thể, các hãng vận chuyển container tại cảng với tần suất tối thiểu 2 chuyến/tháng được hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu hàng hóa container đi và đến cảng được hỗ trợ từ 800.000 - 1.100.000 đồng/container.

Sau 1 năm triển khai dịch vụ hàng container (tháng 12/2022- 11/2023), cảng Chân Mây đã tiếp nhận và xếp dỡ 65 chuyến tàu container cập cảng (21 chuyến tàu ngoại, 44 chuyến tàu nội) với sản lượng thông qua là 7.370 TEU, tương đương 110.640 tấn hàng hóa. Dự kiến đến cuối năm 2023, sẽ có thêm nhiều chuyến nội địa và quốc tế với sản lượng khoảng 1.716 TEU, tương đương 28.350 tấn hàng hóa.

1(3).jpg
Tàu container làm hàng tại cảng Chân Mây

Theo lãnh đạo Công ty CP Cảng Chân Mây, nguồn hàng container xuất nhập qua cảng khá đa dạng, ngoài các mặt hàng tại địa phương phổ biến như bia, men frit, gạch men, thạch anh, gạo, cao su, vỏ lon, vật liệu xây dựng, bao bì (Thừa Thiên -Huế)…, còn có một số nguồn hàng từ Quảng Trị (cao su), Quảng Bình (ván ép), từ Lào (cao su), Đà Nẵng và Quảng Nam (nước giải khát, sữa)…

Cảng đã không ngừng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phương tiện thiệt bị; thường xuyên thông tin đến khách hàng về chính sách hỗ trợ của tỉnh và của cảng; hỗ trợ khách hàng 24/7 các dịch vụ tại cảng; đặc biệt, ưu tiên sắp xếp bố trí cầu bến cho tàu container vào cầu ngay khi đến cảng và tiến tới ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, nhằm cung cấp cho đối tác, khách hàng dịch vụ có chất lượng, nhanh chóng, thuận tiện và giản đơn nhất khi đến với cảng. Năng suất xếp dỡ container tại cảng hiện tại cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của hãng tàu. Trong quá trình triển khai dịch vụ hàng container, cảng Chân Mây luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho container và hàng hóa của khách hàng. Cảng cũng cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng như: Kho ngoại quan 2.500 m2, bãi hàng container. Triển khai áp dụng phần mềm để quản lý và khai thác hàng container.

Là doanh nghiệp làm hàng container tại cảng Chân Mây, đại diện Công ty TNHH MTV Đầu tư & chế biến khoáng sản Phenikaa Huế (Tập đoàn Phenikaa) cho hay, giai đoạn 2019 - 2022, hàng hóa vận chuyển trong nước và đi nước ngoài của công ty thông qua đường bộ và cảng Đà Nẵng với chi phí khá cao. Đến năm 2023, công ty chuyển một phần hàng qua cảng Chân Mây theo tuyến container nội địa. Nhờ giảm được chi phí vận chuyển, hàng tạo được cạnh tranh nên trước tình hình khó khăn do khủng hoảng kinh tế, công ty vẫn hoạt động, sản xuất ổn định.

2(3).jpg
Với những tiềm năng, lợi thế riêng, cảng Chân Mây đã và đang có nhiều cơ hội thu hút tàu container

Ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP cảng Chân Mây cho biết, bên cạnh năng suất xếp dỡ container, cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị…, yếu tố quan trọng là lãnh đạo, các ban, ngành, chính quyền luôn đồng hành với đơn vị, với các doanh nghiệp, cũng như chính sách hỗ trợ của tỉnh mang lại hiệu quả rất lớn trong thúc đẩy, phát triển cho cảng Chân Mây, qua đó, tạo môi trường thu hút đầu tư, xuất, nhập khẩu thuận lợi.

Tuy sản lượng container còn thấp, chưa đạt được như kỳ vọng nhưng đây là những thành quả rất ý nghĩa đối với cảng. Quan trọng hơn, hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp, hãng tàu đã biết và quan tâm đến dịch vụ hàng container tại cảng Chân Mây. Việc xuất nhập hàng container qua cảng thời gian qua cũng phần nào bước đầu tạo được thói quen cho các doanh nghiệp gần hơn với các dịch vụ vận chuyển tại đây. Ngoài các doanh nghiệp trên địa bàn, còn có những doanh nghiệp lớn từ Lào như Sun Paper, AIDC đã quan tâm, nghiên cứu triển khai xuất nhập hàng container qua cảng Chân Mây. Đặc biệt, hãng tàu Regional Container Lines (sở hữu và vận hành 36 tàu container đi 170 điểm đến tại 28 quốc gia) đến từ Thái Lan chuẩn bị triển khai mở tuyến vận chuyển container quốc tế qua cảng trong giữa tháng 12/2023.

“Với lợi thế gần khu vực Trung Hạ Lào thì cảng Chân Mây đang có những cơ hội rất lớn trong việc tiếp cận và thúc đẩy xúc tiến hàng container quá cảnh của thị trường tiềm năng Lào. Đối với khách hàng Thái Lan, khoảng cách khá ngắn, từ 200 - 300 km nên được nhận định là khá hấp dẫn và cùng với thị trường Lào sẽ trở thành thị trường hàng container tiềm năng của cảng trong tương lai, qua đó góp phần giảm đáng kể chi phí vận tải đường bộ, tăng hiệu quả của doanh nghiệp…”, ông Toàn nói.

Từng bước phát triển

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Thừa Thiên- Huế được xác định là cảng biển loại I; trong đó khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đông Bắc Vương Quốc Thái Lan; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.

Đến nay, khu bến Chân Mây đã được đầu tư xây dựng 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910 m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5÷6 triệu tấn/năm. Được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, Đê chắn sóng cảng Chân Mây đã được đầu tư giai đoạn 1 với chiều dài 450 m và hiện đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dài 300 m, sẽ hoàn thành vào quý I/2026.

3(3).jpg
Hãng tàu Regional Container Lines đến từ Thái Lan ký kết với Công ty CP cảng Chân Mây về việc hãng tàu này sẽ triển khai mở tuyến vận chuyển container quốc tế qua cảng vào tháng 12/2023

Công ty CP cảng Chân Mây cũng cho rằng, những hạn chế vẫn còn đang tồn tại để làm hàng container, như cơ sở hạ tầng logistics trên địa bàn chưa đồng bộ, thiếu hệ thống các trung tâm logistics; khó khăn trong thu hút nguồn hàng; sản lượng hàng hóa của khu vực miền Trung không nhiều, mất cân đối giữa hàng xuất khẩu và nhập khẩu… Vì thế, phía cảng Chân Mây mong muốn chính quyền, các sở, ngành chức năng tiếp tục duy trì mức hỗ trợ, đồng thời, gia hạn thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ từ 3-5 năm; sớm hoàn thành giai đoạn 2 - Dự án đê chắn sóng; tiếp tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics, cảng ICD, kho bãi, dịch vụ hậu cần… để cùng doanh nghiệp khai thác cảng thu hút các hãng tàu quốc tế thuận lợi hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh, tỉnh luôn đồng hành cùng với các doanh nghiệp khai thác cảng, xúc tiến, kêu gọi, thực hiện thành công, đưa các đại lý, hãng tàu container vào làm hàng tại cảng Chân Mây; tạo động lực, giúp cho ngành công nghiệp của tỉnh và khu vực miền Trung phát triển; mở ra cơ hội, không gian phát triển mới cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

“Để có thêm nhiều chủ trương, chính sách, tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cảng Chân Mây thì các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan cùng các hãng tàu tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các chính sách của tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi trong việc hưởng các chính sách; tăng cường công tác quảng bá hình ảnh, truyền thông, vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh luân chuyển hàng container qua cảng Chân Mây. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các bến cảng; hoàn chỉnh hạ tầng logistis từng bước phát triển cảng Chân Mây theo quy hoạch. Thừa Thiên - Huế cam kết luôn nhất quán chủ trương “Chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ” cùng cộng đồng doanh nghiệp với phương châm luôn hướng đến và lấy doanh nghiệp là trung tâm, là động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững, tự chủ của tỉnh nhà”, ông Hoàng Hải Minh nhấn mạnh.

Nằm trong Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, cảng Chân Mây được thành lập từ năm 2003, là cảng biển nước sâu tự nhiên có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn. Sau 20 năm đi vào hoạt động, cảng đã tổ chức xếp dỡ hơn 34 triệu tấn hàng hóa với tổng doanh thu ước đạt 1.700 tỷ đồng, đón gần 1 triệu du khách quốc tế, thu hút nhiều dự án đầu tư trên địa bàn. Dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây khoảng 20 - 25 triệu tấn/năm.

Xem thêm

Bình luận mới nhất