Ngày 2/7, tại TP. Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp cùng Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam tổ chức lớp đào tạo giảng viên nguồn (ToT) hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý bán hàng Hanbai, kết hợp phần mềm nhật ký sản xuất điện tử FaceFarm và phần mềm kế toán WACA. Hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL đến năm 2030, với sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản.

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam tổ chức lớp đào tạo giảng viên nguồn (ToT) hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý bán hàng Hanbai diễn ra tại TP. Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Lớp ToT lần này nhằm mục tiêu tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, giảng viên các trường và đơn vị hỗ trợ HTX tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, tổng cộng có 50 học viên tham gia, được tuyển chọn từ các Sở Nông nghiệp và Môi trường, Liên minh HTX tỉnh, thành và 5 trường đào tạo nông nghiệp tại miền Nam.
Trong 3 ngày tập huấn trực tiếp (từ 2-4/7), các học viên được hướng dẫn thao tác thực hành trên các phần mềm Hanbai, FaceFarm và WACA, đây là 3 nền tảng số chủ lực hỗ trợ hoạt động quản lý sản xuất, bán hàng, kế toán cho HTX. Đây là những công cụ giúp HTX minh bạch quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, ghi chép số liệu điện tử chính xác và liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến người tiêu dùng.

Ông Lê Trọng Đảm (thứ 2 từ bên phải qua), Phó Tổng biên Tập Báo Nông nghiệp và Môi trường tham dự khai mạc lớp đào tạo giảng viên nguồn (ToT) hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý bán hàng Hanbai, kết hợp phần mềm nhật ký sản xuất điện tử FaceFarm và phần mềm kế toán WACA. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Đội ngũ giảng viên nguồn sau đào tạo sẽ tiếp tục tham gia truyền đạt kiến thức cho cán bộ kỹ thuật tại các HTX lúa gạo. Đặc biệt, các học viên ToT được Sorimachi hỗ trợ toàn bộ chi phí tham dự, cấp tài khoản sử dụng phần mềm, chứng nhận hoàn thành khóa học và hưởng thù lao khi tham gia giảng dạy lại tại cơ sở với mức 2,4 triệu đồng/ngày.
Việc tổ chức đào tạo giảng viên nguồn này là bước chuẩn bị quan trọng để đảm bảo quá trình chuyển giao phần mềm chuyển đổi số đến các HTX được đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL theo định hướng tăng trưởng xanh của Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, việc triển khai lớp đào tạo giảng viên nguồn (ToT) tại ĐBSCL nhằm góp phần hiệu quả cho Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Khai mạc lớp đào tạo giảng viên nguồn (ToT) và công bố chính thức khởi động Dự án “Thúc đẩy phát triển bền vững chuỗi giá trị gạo chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL. Đây là dự án do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) tài trợ, Công ty Sorimachi Việt Nam phối hợp triển khai nhằm góp phần vào dự án có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn và có trách nhiệm. Đồng thời góp phần thực hiện thành công cho Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Chính phủ triển khai tại ĐBSCL.
Theo bà Yến, từ năm 2018, Cục đã đồng hành cùng Sorimachi Việt Nam trong chuyển đổi số nông nghiệp với các phần mềm như FaceFarm, WACA và Hanbai.vn, được ứng dụng hiệu quả tại nhiều HTX ở ĐBSCL. Dự án lần này đánh dấu bước tiến mới khi tích hợp đồng bộ 3 phần mềm tại hàng trăm HTX ở khu vực ĐBSCL. Từ đó tạo nền tảng nâng cao năng lực quản trị, cải thiện thu nhập nông dân và mở rộng kết nối thị trường thông qua công nghệ chuyển đổi số.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam, tham quan cánh đồng triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Đặc biệt, lớp ToT lần này có sự tham gia của hơn 50 cán bộ từ 12 tỉnh ĐBSCL và 5 cơ sở đào tạo, là lực lượng chủ chốt trong chuyển giao công nghệ, lan tỏa tri thức và dẫn dắt HTX thực hiện chuyển đổi số ngày càng hiệu quả. Đồng thời khẳng định tinh thần hợp tác, đổi mới và hành động thực chất là động lực để hướng tới nền nông nghiệp thông minh, carbon thấp và bền vững trong thời gian tới.