Theo TS. Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ NN-MT, từ khi Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực thi hành, Bộ NN-MT đã chỉ đạo quyết liệt việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong quản lý tài nguyên nước.
Minh chứng rõ nét nhất là trong công tác giám sát tài nguyên nước, vận hành liên hồ chứa, dự báo hạn hán thiếu nước, kịch bản nguồn nước, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia đảm bảo: “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”.

Ông Nguyễn Minh Khuyến phát biểu tại Tiểu ban 3 “Môi trường, Tài nguyên nước và Viễn thám”, thuộc Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Ảnh: Khương Trung.
Cập nhật hơn 13.500 giấy phép tài nguyên nước
Suốt 7 năm qua, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường triển khai xây dựng Hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước (https://iot.monre.gov.vn/tnn/).
Hệ thống này theo dõi, giám sát trực tuyến các công trình khai thác, sử dụng nước mặt; công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất do Bộ TN-MT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cấp phép. Đặc biệt, kết nối, liên thông được với hệ thống hiện có về quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa đã ban hành.
Tính đến cuối tháng 4/2025, hệ thống đã cập nhật được tổng cộng 13.507 giấy phép tài nguyên nước các loại lên hệ thống, trong đó có 2.270 giấy phép cấp Bộ và 11.237 giấy phép cấp Tỉnh.
Hệ thống giám sát tài nguyên nước đã có 831 công trình khai thác tài nguyên nước thuộc đối tượng cấp phép của Bộ NN-MT đăng ký, kết nối truyền dữ liệu về hệ thống. Trong đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phê duyệt kết nối thành công để truyền dữ liệu về hệ thống đối với 810 công trình (số lượng công trình nước mặt: 697; công trình nước dưới đất: 111; nước biển: 2).

Giao diện Hệ thống Giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Ảnh: Cục Quản lý tài nguyên nước.
Vận hành liên hồ chứa trên nền tảng IoT
Cục Quản lý tài nguyên nước đang sử dụng phần mềm quản lý thông tin, vận hành hồ chứa phục vụ công tác chỉ đạo điều hành (https://quanly.dwrm.gov.vn/hochua).
Hệ thống hiện tại đã tiếp nhận số liệu vận hành của hơn 134 hồ chứa thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông, bao gồm: sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Kôn - Hà Thanh, sông Ba, sông Sê San, sông Srepok và sông Đồng Nai.
Các thông tin, số liệu vận hành mà các đơn vị quản lý vận hành các hồ chứa cập nhật lên hệ thống là cơ sở quan trọng trong việc phân tích, đánh giá việc tuân thủ các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông.
Xây dựng bản đồ hạn hán, thiếu nước theo thời gian thực
Đây là giải pháp quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, cùng với nhu cầu khai thác và sử dụng nước gia tăng nhanh chóng, nguồn nước trên các lưu vực sông đang đối mặt với nhiều thách thức.
Bản đồ hạn hán, thiếu nước và kịch bản nguồn nước không chỉ cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ hạn hán mà còn hỗ trợ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân.

Ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết, để xây dựng bản đồ hạn hán, thiếu nước và kịch bản nguồn nước ứng dụng đồng bộ các công nghệ chuyển đổi số hiện đại, đơn vị đã thu thập và xử lý dữ liệu lớn (Big Data) được cập nhập liên tục, bao gồm: số liệu mưa, dòng chảy, lượng nước hồ chứa, mực nước dưới đất và nhu cầu sử dụng nước...
Việc ứng dụng mô hình số cho phép tất cả dữ liệu được tích hợp vào hệ thống quản lý tập trung, cho phép cập nhật, đồng bộ và truy xuất nhanh chóng. Xây dựng và áp dụng tổ hợp các mô hình số dự báo mưa hạn mùa để dự báo lượng mưa cho 6 tháng tiếp theo nhằm cung cấp thông tin cho các kịch bản.
Để xây dựng bản đồ hạn, đơn vị còn áp dụng mô hình thủy văn dự báo dòng chảy, biến trình mực nước tại các hồ chứa. Sử dụng các phương pháp/ thuật toán để phân tích xu thế hạn hán, đánh giá nguy cơ thiếu nước theo vùng, tiểu vùng.
Dựa trên kết quả mô phỏng, các vùng được chia theo mức độ thiếu hụt nước: nhẹ, trung bình, nghiêm trọng. Trên nền tảng GIS, bản đồ hạn được thiết kế. Các vùng hạn được thể hiện trực quan trên bản đồ số, giúp người dùng dễ dàng nhận biết khu vực bị ảnh hưởng, mức độ nghiêm trọng và diễn biến theo thời gian.
Cùng với việc xây dựng bản đồ hạn hán, các cơ quan quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ NN-MT còn xây dựng các kịch bản nguồn nước. Các kịch bản được thiết lập dựa trên xu thế lượng mưa (so với TBNN, các năm gần đây,..), xu thế dòng chảy, tổng lượng nước tích trữ ở các hồ chứa thủy điện, mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất và nhu cầu khai thác, sử dụng của các ngành. Từ đó, phân tích tác động của từng kịch bản đến cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện.
Các sản phẩm nổi bật của quá trình chuyển đổi số của ngành trong lĩnh vực tài nguyên nước, đó là:
+ Bản tin/bản đồ dự báo mưa hạn mùa: Cập nhật định kỳ hằng tháng, cung cấp thông tin về xu thế lượng mưa. Từ đó đưa ra cảnh báo thiếu lượng mưa.
+ Bản tin/bản đồ dự báo dòng chảy, hồ chứa: Dự báo xu thế mưa, đưa ra xu thế dòng chảy các sông chính, lượng nước tích trữ tại các hồ lớn nhằm cảnh báo sớm cho các địa phương, ngành sản xuất chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước.
+ Bản đồ hạn hán theo vùng, theo thời gian: Hiển thị các khu vực bị thiếu nước.